Đắk Nông: Hơn chục công trình thủy lợi bị “đảo cỏ di động” xâm chiếm

Tài nguyên - Ngày đăng : 11:01, 07/10/2021

(TN&MT) - Những năm gần đây, có rất nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Đắk Nông bị “đảo cỏ di động xâm chiếm”. Điều này không chỉ thu hẹp diện tích mặt nước của lòng hồ thủy lợi mà còn đe doạ đến sự an toàn tại các công trình thủy lợi.

Mối nguy từ “mảng cỏ di động”

Tình trạng các mảng cỏ lớn ngày một nới rộng và bao phủ nhiều diện tích mặt nước đang diễn ra ở nhiều hồ đập thủy lợi lớn nhỏ trên toàn tỉnh. Theo số liệu thống kê của Công ty Khai thác Công trình Thủy lợi tỉnh Đắk Nông (Công ty Thủy lợi Đắk Nông), toàn tỉnh có 12 công trình hồ thủy lợi bị bè mảng cỏ lớn bao phủ ảnh hưởng đến vận hành cũng như thu nhỏ diện tích mặt nước.

Điển hình trong số đó, có công trình thủy lợi hồ Tây (Đắk Mil) hơn 104 ha diện tích mặt hồ, nhưng đang bị một mảng cỏ lớn trôi dạt từ thượng lưu về khu vực đầu mối công trình. Vào mùa mưa, bè mảng cỏ có xu hướng dịch chuyển về tràn xả lũ gây cản trở khả năng thoát lũ và đe dọa trực tiếp đến an toàn hồ đập cũng như tính mạng, tài sản của người dân hạ du. Ngoài ra, mảng cỏ này còn làm giảm diện tích mặt thoáng lòng hồ, gây mất mỹ quan, cảnh quan của thị trấn Đắk Mil.

Hồ thủy lợi tại huyện Đắk Song bị nhiều “mảng cỏ di động” bao phủ phần lớn diện tích mặt nước.

Tại công trình thủy lợi Sình Muống thuộc xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song xuất hiện 2 bè mảng cỏ lớn. Trong đó, có 1 mảng cỏ với diện tích hơn 10ha đang đứng yên trong lòng hồ, cách mái thượng lưu khoảng 250m. Mảng còn lại hơn 8ha ở thượng lưu công trình. Cả 2 bè mảng cỏ này đã tồn tại khá lâu nên rễ đã cắm sâu vào đất dẫn đến ít dịch chuyển. Tuy nhiên, với diện tích xâm chiếm hơn 18ha nên diện tích mặt nước bị che phủ lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình vận hành của công trình.

Ngoài 2 công trình trên, một số công trình thủy lợi tại các địa phương như huyện Đắk RLấp, Krông Nô, Đắk GLong… cũng đang bị các “đảo cỏ di động” xâm lấn. Tại một số công trình, các mảng cỏ đã trôi dạt về phía đầu mối công trình, tấp vào tràn xả lũ đe dọa đến an toàn công trình cũng như tiềm ẩn nguy cơ vỡ đập.

Theo ông Nguyễn Văn Nam (xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song), nhiều năm qua, hồ thủy lợi này góp phần rất lớn cho người dân có rẫy gần với công trình thủy lợi Sình Muống tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, xuất hiện nhiều mảng cỏ lớn bao phủ phần lớn diện tích mặt nước của lòng hồ, nên ít nhiều lượng nước bị thuyên giảm.

“Nếu không vớt mấy mảng cỏ lớn này lên, tôi sợ mấy năm nữa nó ăn dần hết mặt nước quá. Từ ngày có hồ thủy lợi, bà con ở đây phấn khởi lắm vì năm nào cũng không phải lo hết nước tưới cà phê. Mong sao Nhà nước có kế hoạch sớm xử lý mấy mảng cỏ để đảm bảo nguồn nước với an toàn cho công trình” - ông Nam chia sẻ.

Thiếu kinh phí xử lý

Theo ông Lê Viết Thuận - Chủ tịch Công ty Thủy lợi Đắk Nông, do ảnh hưởng lượng mưa lớn, mực nước hồ Tây dâng cao nên các mảng cỏ nổi lên, kết lại với nhau thành bè rồi trôi theo dòng chảy về phía đầu mối công trình. Hiện tại, “đảo cỏ” vẫn lơ lửng và trôi dạt di động theo chiều gió gần khu vực tràn xả lũ. Để bảo đảm an toàn cho công trình, Công ty đã triển khai lắp hàng rào sắt ở khu vực tràn xả lũ. Về lâu dài, phải tính toán xin chủ trương để trục vớt và xử lý dứt điểm.

Một bè mảng cỏ lớn bao phủ phần dẫn nước của một công trình thủy lợi tại Đắk Nông.

Bên cạnh đó, tình hình thời tiết những năm gần đây có nhiều thay đổi theo hướng cực đoan, nhất là 2 năm trở lại đây, mưa lớn kéo dài, cường độ và thời gian xuất hiện các cơn mưa bất thường, khó dự đoán. Những năm tiếp theo, tình hình mưa lũ dự báo có thể vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Do đó, việc xử lý những mảng cỏ tại các công trình thủy lợi mang tính cấp bách nhằm bảo đảm an toàn công trình, tính mạng, tài sản người dân khu vực hạ du, cảnh quan đô thị và nguồn nước sinh hoạt của người dân.

Tuy nhiên, theo ông Lê Viết Thuận, từ trước tới nay, việc đầu tư xây dựng, quản lý các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh không có kinh phí thực hiện nội dung nạo vét, dọn dẹp lòng hồ, đập. Việc trục vớt bè, mảng cỏ được thực hiện trên mặt nước cần kinh phí lớn, trong khi năng lực tài chính của Công ty còn hạn chế. Ngoài việc xin chủ trương và bố trí kinh phí trục vớt bè, mảng cỏ tại hồ Tây, Công ty cũng kiến nghị Sở NN&PTNT xem xét, trình UBND tỉnh Đắk Nông để sớm xây dựng định mức trong công tác xử vấn đề này trên địa bàn tỉnh.

“Trước tình trạng các hồ thủy lợi bị mảng cỏ xâm chiếm, chúng tôi đã chủ động triển khai xử lý bằng cách trục vớt, nhưng cũng chỉ ở mức hạn chế do kinh phí thực hiện nhiệm vụ này rất lớn trong khi tài chính của đơn vị không đủ để thực hiện. Hiện tại, dự toán kinh phí để trục vớt xử lý các mảng cỏ tại 12 công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh là trên 200 tỷ đồng” - ông Thuận nói thêm.

Được biết, Công ty Khai thác Công trình Thủy lợi tỉnh Đắk Nông hiện đang quản lý 200 công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, trong đó có 170 hồ chứa, 18 đập dâng, 5 hệ thống trạm bơm, 6 hệ thống kênh tiêu úng và 1 công trình chuyển nước.

Phạm Hoài