Duy trì tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM: Cần củng cố kết quả thực hiện tiêu chí môi trường

Môi trường - Ngày đăng : 10:05, 07/10/2021

(TN&MT) - Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới (NTM) đã thay đổi bộ mặt của vùng nông thôn theo hướng phát triển giàu mạnh và xanh - sạch - đẹp. Trong số 19 tiêu chí của Chương trình, việc duy trì tiêu chí môi trường còn cần nhiều nỗ lực.

Những chuyển biến đáng kể

Theo Báo cáo của Bộ TN&MT, qua 10 năm triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020 cho thấy việc thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM có nhiều cải thiện rõ nét qua các năm.

Nhận thức của các cấp chính quyền và người dân địa phương về bảo vệ môi trường (BVMT) ngày càng nâng cao, coi đây là một trong những nội dung trọng tâm trong quá trình thực hiện mục tiêu xây dựng NTM của địa phương. Nhiều địa phương đã huy động sự tham gia của nhiều bên liên quan vào công tác BVMT, đặc biệt là phát huy vai trò của cộng đồng; chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về BVMT. Kết quả đó được thể hiện qua tỷ lệ các xã đạt chuẩn NTM, trong đó, cả nước có 5.443 xã đạt tiêu chí môi trường, đạt 61,1%, tăng 3,9% so với cuối năm 2018.

“Tuyến đường xanh - sạch - đẹp kiểu mẫu” do phụ nữ tự quản tại xã Hải Châu, Hải Hậu, Nam Định. Ảnh: Hoàng Minh

Có thể nhận thấy, từ giai đoạn 2016 đến nay, công tác BVMT (cụ thể là việc thực hiện Tiêu chí 17 về môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng NTM) đã có bước khởi sắc một cách toàn diện. Đến nay, đã có khoảng 42 tỉnh, thành phố có kế hoạch xử lý rác thải tập trung ở nông thôn; có 22 địa phương đã phê duyệt chủ trương đầu tư các nhà máy xử lý chất thải rắn nông thôn quy mô liên huyện và cấp tỉnh; có 3.210 xã và 19.500 thôn có hệ thống thoát nước thải sinh hoạt (chiếm 35,8% tổng số xã và 24,4% tổng số thôn). Tỷ lệ xã có thu gom rác thải sinh hoạt tăng từ 44,1% năm 2011 lên 63,5% năm 2018; tỷ lệ thôn có thu gom rác thải sinh hoạt tăng từ 25,8% lên 47,3%.

Đặc biệt, Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng NTM đã thực hiện lồng ghép với các chương trình khác như Chương trình 135 để đạt được những kết quả nổi bật trong vấn đề nước sạch sinh hoạt ở các vùng nông thôn, cụ thể tỷ lệ hộ có nguồn nước hợp vệ sinh ở nông thôn trên toàn quốc đạt 90,8%; trong đó, có 2 vùng đạt dưới 90% là vùng Trung du và miền núi phía Bắc (đạt 81,3%) và Tây Nguyên (đạt 87,5%).

Tháng 7/2021, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, ngân sách Nhà nước bố trí kinh phí thực hiện cho Chương trình tối thiểu là 196.332 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 39.632 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương là 156.700 tỷ đồng.

Từ quá trình thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM, đã có nhiều bài học hay, cách làm tốt trong phân loại rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình (Hà Tĩnh, Nam Định...), thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật (Nam Định, An Giang...), xử lý chất thải chăn nuôi (Gia Lâm...), xử lý nước thải sinh hoạt hộ gia đình, cụm dân cư với chi phí thấp và phương án vận hành đơn giản (Nghi Xuân, Hà Tĩnh; thành phố Sông Công, Thái Nguyên...). Ý thức về môi trường của người dân đã có những bước chuyển biến đáng kể. Người dân đã không coi việc vệ sinh, cải tạo kênh mương, cống rãnh, ao hồ, việc trồng cây, trồng hoa, cải tạo cảnh quan môi trường... là việc “phải làm”, mà tại nhiều nơi, người dân đã coi đây là việc “cần làm” với sự tự nguyện và tinh thần trách nhiệm cao (điển hình tại các địa phương như Nam Định, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Phú Yên, Quảng Trị...).

Giữ cảnh quan môi trường nông thôn

Bên cạnh những kết quả nêu trên, thực tế triển khai tại các địa phương cũng cho thấy, việc thực hiện và giữ được kết quả thực hiện đối với tiêu chí môi trường còn gặp rất nhiều khó khăn.

Tại phiên họp đề cập về đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 mới đây, các đại biểu Quốc hội đã nhận định: Sau 10 năm triển khai, Chương trình Xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020 đã đạt được những kết quả quan trọng. Đến tháng 7/2021, cả nước đã có 64,6% số xã đạt chuẩn NTM; có 194 đơn vị cấp huyện (chiếm 29%) đạt chuẩn NTM; có 12 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã đạt chuẩn NTM... Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến tiêu chí môi trường.

Theo Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025, mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 15 tỉnh, 50% số huyện, thị xã, thành phố; 80% số xã đạt chuẩn NTM. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.

Mặc dù so với nhiều tiêu chí khác, việc thực hiện tiêu chí môi trường đôi khi không đòi hỏi phải đầu tư lớn, nhưng phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức và ý thức trách nhiệm của chính quyền và người dân. Nếu chỉ cần dừng lại (sau thời điểm công nhận) mà không tiếp tục quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện, các kết quả đạt được sẽ tụt hậu rất nhanh.

Bên cạnh đó, ngay tại thời điểm công nhận, thực chất nhiều nội dung trong yêu cầu của tiêu chí môi trường mới dừng lại ở mức “đạt”, thậm chí mới chỉ là các “phương án” thực hiện (như phương án đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật về BVMT cho các làng nghề, phương án thu gom và xử lý chất thải, phương án đầu tư khu xử lý chất thải tập trung, phương án cải tạo ao hồ...). Nhiều địa phương còn tập trung vào đầu tư hạ tầng mà chưa chú trọng nhiều đến cảnh quan, nhiều nơi đường làng ngõ xóm, hàng rào cây xanh được bê tông hóa hoàn toàn, làm mất đi vẻ đẹp hiền hòa, truyền thống của cảnh quan nông thôn, tạo hiệu ứng bất lợi cho môi trường… Các mô hình cảnh quan môi trường đâu đó cũng bộc lộ những bất cập nhỏ cần tiếp tục tìm tòi, sáng tạo và điều chỉnh…

Do đó, việc củng cố kết quả thực hiện tiêu chí môi trường giai đoạn này và tiếp tục ban hành, triển khai thực hiện tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu về lĩnh vực môi trường là hết sức cần thiết.

Nhiều đại biểu đã đề nghị Chính phủ có những giải pháp tích cực góp phần duy trì thành quả đã đạt được và tiếp tục thực hiện những mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2021 - 2025. Theo đại biểu Nguyễn Thị Lan (Hà Nội), cần tăng cường phân cấp và có giám sát, hậu kiểm tốt hơn trong quá trình thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng NTM; điều chỉnh cách tổ chức xây dựng nông thôn mới, cũng như điều chỉnh các tiêu chí cho phù hợp với đặc thù của từng vùng, miền nhằm giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, song cũng đảm bảo phù hợp quy hoạch nông thôn, quy hoạch môi trường và quy hoạch chung.

Ông Vũ Đình Thủy, Phó Giám đốc Sở TN&MT Lào Cai: 

Tuyên truyền thông qua đoàn thể chính trị - xã hội các cấp

Ngành TN&MT tỉnh Lào Cai xác định ngoài nền móng là các quy định của Trung ương, chương trình, kế hoạch của UBND tỉnh Lào Cai, ngành TN&MT Lào Cai sẽ triển khai thực hiện cụ thể hóa tiêu chí môi trường như: Hướng dẫn các huyện, thị xã vận hành bãi chôn lấp hợp vệ sinh; Tuyên truyền công tác bảo vệ môi trường thông qua các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp; Phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh phân bổ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường hỗ trợ các huyện, thị xã xây dựng bãi chôn lấp, lò đốt rác. Việc xử lý rác thải bằng lò đốt góp phần giải quyết vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn, thay thế cho giải pháp bãi chôn lấp vận hành không đúng quy trình gây ô nhiễm môi trường…

Ông Vũ Đình Thủy, Phó Giám đốc Sở TN&MT Lào Cai.

Ngoài ra, ngành TN&MT đã tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Lào Cai tổ chức lễ mít tinh, lễ phát động, ra quân hành động vì môi trường. Chủ động phối hợp với Ban Chỉ đạo NTM cấp huyện kêu gọi cộng đồng dân cư tham gia hưởng ứng các phong trào “Vệ sinh môi trường nông thôn”, phong trào “chống rác thải nhựa”...

Cùng với sự chung tay vào cuộc của các cấp, ngành và cộng đồng dân cư, các tiêu chí về bảo vệ môi trường trong xây dựng NTM đã được cải thiện rõ rệt. Đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh là 93,7%; Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh là 73,3 %; Tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom, xử lý là 81%. Toàn tỉnh đã có 71 bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt và 169 nghĩa trang, 933 lò đốt rác quy mô hộ/liên hộ gia đình, 61.766 hố rác, 691 bể thu gom bao gói thuốc Bảo vệ thực vật...

 

Ông Nguyễn Khánh Toàn, Phó Giám đốc Sở TN&MT Thanh Hóa:

Triển khai nhiều mô hình cải tạo cảnh quan môi trường

“Dòng sông không rác thải”, “Trồng hoa thay cỏ dại”, “Tuyến đường trồng cây xanh”, “Tổ phụ nữ tự quản về vệ sinh môi trường”, “Thùng phân loại rác thải đầu nguồn”, “Nhà sạch, vườn mẫu”, “Nhà sạch, vườn đẹp”, “Không chăn thả gia súc, gia cầm dưới sàn nhà”, vẽ tranh bích họa trên tường... là những cách làm sáng tạo của các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa để thực hiện tiêu chí môi trường.

Ông Nguyễn Khánh Toàn, Phó Giám đốc Sở TN&MT Thanh Hóa

Những cách làm này có mục tiêu, đối tượng rõ ràng, đồng thời hiệu quả nhìn thấy rõ đã khuyến khích người dân hưởng ứng và lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường.

Công tác bảo vệ môi trường ở Thanh Hóa đã đạt được một số kết quả nhất định. Cụ thể: Tỷ lệ hộ gia đình khu vực nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh tăng từ 67,9% (năm 2010) lên 95.7% (năm 2020), có nhà tiêu hợp vệ sinh tăng từ 35,1% (năm 2010) lên 77,1% (năm 2020), tăng đáng kể so với giai đoạn 2010...

Tuy nhiên, để duy trì tiêu chí môi trường, các địa phương cần nhanh chóng có giải pháp nhằm khắc phục tình trạng rác thải không được thu gom triệt để, còn đổ bừa bãi dọc các tuyến đường, khu đất trống hoặc đổ ra các sông, ao, hồ, kênh, rạch..., cần duy trì thường xuyên việc tổng vệ sinh môi trường định kỳ tại các khu vực dân cư, đường làng, ngõ xóm; đồng thời siết chặt việc kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường tại các trang trại, gia trại, các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

 Ông Nguyễn Tân Thuấn, Phó Giám đốc Sở TN&MT Long An:

Nâng cao ý thức, góp phần thay đổi hành vi ứng xử với môi trường của nông dân nông thôn

Tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi ứng xử lành mạnh với môi trường nông thôn là cách mà Long An thực hiện để duy trì kết quả của tiêu chí môi trường.

Nhằm tuyên truyền, vận động cộng đồng dân cư thực hiện giữ gìn cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp - an toàn, ngành TN&MT tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp tích cực như tổ chức các hội nghị, lớp tập huấn hướng dẫn việc thực hiện, tổ chức hưởng ứng ngày lễ về môi trường nhằm nâng cao nhận thức, kêu gọi mọi người thay đổi ý thức, hành vi theo hướng tích cực trong BVMT.

Ông Nguyễn Tân Thuấn, Phó Giám đốc Sở TN&MT Long An

Ngoài ra, giữa Sở TN&MT cùng Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức Đoàn thể tỉnh Long An cũng đã ký kết chương trình liên tịch và triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, nhiều mô hình hay, thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức về trách nhiệm BVMT của cộng đồng. Từ đó, đã góp phần thay đổi hành vi ứng xử với môi trường của nông dân nông thôn.

Thời gian tới, ngành TN&MT tỉnh Long An sẽ phối hợp đồng bộ cùng các Sở, ngành và địa phương trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư trong công tác BVMT.

Đồng thời, tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với rác thải trên địa bàn. Tổ chức nắm tình hình, thanh, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về nhiệm vụ BVMT. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng liên quan nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm về môi trường của các tổ chức, cá nhân.

Ông Hoàng Văn Ngoạn, Phó Giám đốc Sở TN&MT Thái Bình:

Nỗ lực thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM

Xác định tiêu chí số 17 về môi trường là một trong những tiêu chí khó nên ngay khi bắt đầu triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng NTM, Sở TN&MT Thái Bình đã phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường nông thôn nhằm từng bước thay đổi căn bản nhận thức, thói quen, tập quán của cộng đồng về sự cần thiết phải thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM.

Ông Hoàng Văn Ngoạn, Phó Giám đốc Sở TN&MT Thái Bình

Đến nay, nhiều tiêu chí thành phần đã đạt kết quả khả quan như 100% hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh đạt 100%. Hệ thống thu gom, tiêu thoát nước được xây dựng đồng bộ với đường giao thông nông thôn đảm bảo vệ sinh môi trường trong khu dân cư. Các hoạt động trồng cây xanh và bảo vệ cây xanh nơi công cộng được tổ chức và duy trì.

Toàn tỉnh Thái Bình có 101 lò đốt rác được đầu tư xây dựng và hoàn thành, đi vào vận hành xử lý rác thải sinh hoạt cho 129 xã, thị trấn. Hiệu quả hoạt động và chất lượng khu xử lý theo công nghệ lò đốt đã xử lý cơ bản lượng rác thải phát sinh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tiết kiệm diện tích đất so với khu xử lý theo công nghệ chôn lấp hoặc ủ vi sinh kết hợp chôn lấp…

Để chung tay giữ gìn và BVMT nông thôn, góp phần ngày càng hoàn thiện hơn tiêu chí số 17 trong xây dựng NTM, ngoài những nỗ lực của ngành tài nguyên môi trường còn là trách nhiệm của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân…

 

Linh Chi