Bộ TN&MT tổng kết thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 19:07, 06/10/2021
Tham dự Hội nghị có đại diện Ban Kinh tế Trung ương; các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Giao thông Vận tải; đại diện lãnh đạo 13 tỉnh ĐBSCL.
Thứ trưởng Trần Quý Kiên chủ trì Hội nghị |
Ngay sau khi Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị và các Nghị quyết chuyên ngành về lĩnh vực tài nguyên, môi trường và ứng phó với BĐKH được ban hành, Bộ TN&MT đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc trình ban hành các cơ chế, chính sách của ngành TN&MT và có liên quan đến vùng ĐBSCL. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai, cụ thể hóa Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, Kết luận 28-KL/TW, Bộ đã chú trọng triển khai nghiên cứu, xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công và đạt được những kết quả nhất định trong từng lĩnh vực quản lý của ngành.
Cụ thể, thời gian qua, kết quả thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ về quản lý tài nguyên, BVMT và ứng phó với BĐKH của ngành TN&MT từng bước được cải thiện theo hướng tích cực hơn qua các năm, cơ bản đã đạt được theo yêu cầu đề ra của Nghị quyết 21-NQ/TW và các Nghị quyết chuyên ngành của Trung ương về tài nguyên, môi trường và BĐKH. Một số kết quả thực hiện chỉ tiêu, mục tiêu, nổi trội, cao hơn các vùng khác và cao hơn bình quân cả nước.
Hệ thống cơ chế, chính sách ngành TN&MT ngày càng hoàn thiện, đồng bộ phù hợp với bối cảnh thực tiễn, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, bảo đảm thực hiện công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường và ứng phó với BĐKH trong thời đại mới, góp phần vào sự phát triển chung của vùng ĐBSCL.
Đặc biệt, Nghị quyết số 120 của Chính phủ ra đời đã tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức, tư duy và hành động của các cấp, ngành, địa phương vùng ĐBSCL. Nhiều cơ chế, chính sách được nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện nhằm khuyến khích đầu tư phục vụ cho phát triển bền vững vùng ĐBSCL, trong đó, ưu tiên một số lĩnh vực như: năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng; hạ tầng và kỹ thuật môi trường; nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản; chế biến thực phẩm và các dịch vụ vận tải liên quan…; gỡ các nút thắt về chính sách đất đai tạo cơ chế thông thoáng thu hút đầu tư.
Cùng với đó, công tác quản lý, bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên nước trong vùng ĐBSCL ngày càng được tăng cường, trong đó, công tác điều tra, khoanh định các khu vực hạn chế khai thác nước dưới đất được quan tâm thực hiện. Việc điều tra, khảo sát thăm dò, tìm kiếm và tổ chức khai thác hợp lý nguồn nước được chú trọng, nhằm cung cấp phục vụ sinh hoạt và sản xuất của nhân dân ĐBSCL trong mùa khô và các đợt xâm nhập mặn. Công tác phòng, tránh nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng được chú trọng. Đặc biệt, do được dự báo, cảnh báo sớm và kịp thời các thiên tai như lũ, ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn…, các Bộ, ngành, địa phương đã triển khai các giải pháp hiệu quả, góp phần làm giảm đáng kể thiệt hại do các thiên tai gây ra cho vùng ĐBSCL.
Hạ tầng cơ sở được quan tâm đầu tư, xây dựng, tăng cường kết nối liên vùng, nhất là hệ thống giao thông, các cụm tuyến dân cư vượt lũ. Mạng lưới quan trắc, giám sát các yếu tố khí tượng thủy văn, hải văn, biến động bùn cát, đo mưa tự động… được tăng cường. Hạ tầng phục vụ giám sát, đánh giá khí hậu được chú trọng, cơ sở vật chất như nhà trạm, phương tiện đo đạc, quan trắc và đường truyền, nhằm phục vụ phòng, tránh và giảm thiểu thiệt hại, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ dự báo, cảnh báo sớm đã hạn chế được tối đa tác động xấu ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất tại vùng ĐBSCL.
Mặc dù, đã đạt được những thành tựu nhất định nhưng công tác quản lý, phân bổ, khai thác, sử dụng nguồn lực tài nguyên, BVMT và ứng phó với BĐKH vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế như: Liên kết vùng chưa thực sự chặt chẽ, còn nhiều hạn chế, thiếu các cơ chế để các địa phương lựa chọn được những vấn đề liên vùng, qua đó đề xuất được những dự án lớn, có sức lan tỏa. Việc khai thác sử dụng tài nguyên nước cũng như phát triển các sản phẩm chủ lực vùng chưa được “liên kết” tốt dẫn đến các địa phương có sự cạnh tranh lẫn nhau, có nguy cơ phá vỡ quy hoạch. Một số ngành, lĩnh vực của từng địa phương vẫn còn phát triển theo hướng riêng lẻ, thiếu sự liên kết chặt chẽ, thống nhất trong toàn vùng;...
Để thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững, quản lý hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, ứng phó BĐKH của BĐSCL thời gian tới, quan điểm về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ TN&MT đó là: Chủ động ứng phó với BĐKH lấy phương châm biến thách thức thành cơ hội thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển bền vững. Tiến hành đồng thời thích ứng và giảm nhẹ, trong đó thích ứng với BĐKH, chủ động phòng, tránh thiên tai là trọng tâm. Tài nguyên là nguồn lực, nguồn vốn tự nhiên đặc biệt quan trọng để phát triển Vùng. Môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội; bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ, cần được đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển.
Các đại biểu tham dự Hội nghị trực tuyến |
Để thực hiện được quan điểm đó, Bộ đặt mục tiêu đến năm 2030, sẽ quản lý chặt chẽ, phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài nguyên thiên nhiên. Khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên cho phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh. Chủ động phòng ngừa, kiểm soát các tác động xấu gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, các sự cố môi trường. Giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, BĐKH đối với các hoạt động kinh tế, dân sinh trong vùng nhất là xâm nhập mặn, xói lở bờ biển, ngập lụt... Xây dựng và quản lý đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật để đánh giá, quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, BVMT và ứng phó với BĐKH.
Tầm nhìn đến năm 2040, khả năng thích ứng với BĐKH của vùng ĐBSCL được đảm bảo trên cơ sở được quy hoạch, phát triển đồng bộ, hiện đại theo hướng chủ động, thông minh, an toàn trước thiên tai. Các nguồn vốn tự nhiên của vùng được quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, hợp lý, phù hợp với từng tiểu vùng sinh thái. Đảm bảo an ninh nguồn nước, an ninh môi trường, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng, phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng, an ninh với BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học.
Tại Hội nghị, các đại biểu đánh giá cao những kết quả thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ về quản lý tài nguyên, BVMT và ứng phó với BĐKH của ngành TN&MT theo yêu cầu đề ra của Nghị quyết 21-NQ/TW. Đồng thời, tham gia đóng góp ý kiến vào mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nhiều ý kiến cũng đề cập đến vấn đề lồng ghép khoa học - công nghệ vào từng lĩnh vực, quan tâm đến đất đai, môi trường, tài nguyên nước, biến đổi khí hậu, tăng cường liên kết vùng, đảm bảo phát triển bền vững … Một số địa phương kiến nghị về các giải pháp đột phá cho phát triển hạ tầng, đầu tư, vấn đề sinh kế của người dân; giải pháp hỗ trợ cho các tỉnh và cần có cơ chế cho vùng;…
Thứ trưởng Trần Quý Kiên phát biểu kết luận Hội nghị |
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quý Kiên đánh giá cao những ý kiến đóng góp quý báu, sâu sắc của các đại biểu tham dự; sự phối hợp hiệu quả, nhịp nhàng của 13 tỉnh ĐBSCL trong việc thực hiện chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ về quản lý tài nguyên, BVMT và ứng phó với BĐKH của ngành TN&MT theo yêu cầu đề ra của Nghị quyết 21-NQ/TW.
Theo Thứ trưởng Trần Quý Kiên, Bộ TN&MT đã hoàn thiện báo cáo tổng kết Chương trình hành động của Bộ TN&MT thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW và là Bộ đầu tiên tổ chức Hội nghị tổng kết việc thực hiện Nghị quyết này. Đây là cơ sở quan trọng giúp Ban Kinh tế Trung ương tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư đề ra các định hướng, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp để quản lý hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường nhằm phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thứ trưởng cũng đề nghị Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập giúp việc cho Bộ hoàn thiện báo cáo tổng kết Chương trình hành động của Bộ TN&MT thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu tham dự, vào cuộc quyết liệt, khẩn trương, nghiêm túc thực hiện sự phân công nhằm hoàn thành tiến độ đề ra. Trong đó, lưu ý, cần đi sâu, làm rõ những lợi thế, thách thức đối với phát triển bền vững của vùng ĐBSCL trong thời gian tới để đưa ra các giải pháp nhằm phát triển ĐBSCL theo hướng đồng bộ, hiện đại, chủ động, thông minh, an toàn trước thiên tai. Các nguồn vốn tự nhiên của vùng được quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, hợp lý, phù hợp với từng tiểu vùng sinh thái. Đảm bảo an ninh nguồn nước, an ninh môi trường, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng, phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng, an ninh với BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học.