Mai Sơn (Sơn La): Tăng cường bảo vệ môi trường trong chế biến nông sản
Môi trường - Ngày đăng : 19:03, 06/10/2021
Huyện Mai Sơn triển khai tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chế biến cà phê tại xã Chiềng Chung hoàn thiện các thủ tục về bảo vệ môi trường, xử lý nước thải. |
Qua rà soát, trên địa bàn huyện Mai Sơn có 93 hộ đăng ký hoạt động chế biến cà phê trong niên vụ 2021-2022, tập trung chủ yếu tại 5 xã: Chiềng Ban, Chiềng Mung, Chiềng Chung, Chiềng Dong, Chiềng Kheo. Tới hết tháng 9/2021, có gần 40 hộ đã lắp đặt hệ thống camera giám sát khu vực xử lý nước thải; 70/93 hộ đào hố lót bạt HDPE chống thấm đủ dung tích để chứa lượng nước thải phát sinh, đang tiếp tục đôn đốc các hộ còn lại hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải.
Để chủ động phòng ngừa ô nhiễm môi trường, ngay từ đầu năm 2021, UBND huyện Mai Sơn đã tổ chức ký cam kết giữa Chủ tịch UBND 22 xã, thị trấn với Chủ tịch UBND huyện về tăng cường vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, trong đó, có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi xả thải trái phép gây ô nhiễm.
Giao UBND các xã, thị trấn tổ chức ký cam kết với các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông sản, chăn nuôi với các nội dung: Thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi, sơ chế nông sản với UBND xã; có hệ thống thu gom nước thải riêng biệt với hệ thống thoát nước chung; không xây lắp, lắp đặt thiết bị, đường ống hoặc các đường thải khác để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường; không đổ vật liệu, phế thải, chất thải sau sơ chế ra môi trường, hành lang giao thông; tuyên truyền, vận động gia đình và mọi người chấp hành nghiêm quy định về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước.
Các hộ có hoạt động chế biến cà phê tại xã Chiềng Chung ký cam kết không gây ô nhiễm môi trường. |
Ông Phạm Duy Hùng, Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Mai Sơn cho biết: Trước khi vào niên vụ cà phê 2021-2022, huyện Mai Sơn đã thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước, bảo vệ môi trường với các cơ sở sơ chế, chế biến nông sản, chăn nuôi. Đoàn kiểm tra, giám sát thành lập 2 tổ kiểm tra, giám sát với các cơ sở, trong đó Tổ 1 kiểm tra, giám sát tại các xã Chiềng Mung, Mường Bon, Cò Nòi; Tổ 2 kiểm tra, giám sát tại các xã Chiềng Ban, Chiềng Chung, Chiềng Mai, Chiềng Kheo, Chiềng Dong.
Tổ chức 4 Hội nghị tuyên truyền, hướng dẫn các hộ đăng ký sơ chế cà phê hoàn thiện các thủ tục về bảo vệ môi trường, xây dựng hệ thống xử lý nước thải sơ chế cà phê theo Hướng dẫn số 204/HD-STNMT ngày 4/7/2019 của Sở TN&MT và có lồng ghép nội dung hướng dẫn thực hiện thủ tục về đăng ký kinh doanh.
Tuy nhiên, dự báo sản lượng cà phê quả tươi niên vụ 2021-2022 trên địa bàn huyện Mai Sơn là rất lớn; thời gian sơ chế niên vụ tập trung trong 3 tháng (10, 11 và 12). Như vậy, ước tính sản lượng cà phê tươi phải sơ chế trong ngày là 1.000 tấn/ngày, trong khi 2 nhà máy trên địa bàn là Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La công suất thiết kế 170 tấn/ngày đêm và Hợp tác xã xây dựng và phát triển nông thôn Mường Chanh công suất thiết kế 100 tấn/ngày đêm; chưa đủ công suất để đáp ứng sản lượng cà phê của nhân dân trên địa bàn.
Kiểm tra các cơ sở chế biến cà phê tại xã Chiềng Ban. |
Do đó, còn nhiều cơ sở quy mô nhỏ thực hiện chế biến cà phê. Trong khi, phần lớn các hộ sử dụng máy móc, thiết bị tự chế để sơ chế, gây khó khăn trong việc xác định quy mô, công suất để làm căn cứ hướng dẫn làm thủ tục bảo vệ môi trường. Để đầu tư xây dựng được công trình xử lý nước thải sơ chế cà phê quả tươi đạt quy chuẩn, đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, mặt bằng rộng, thu nhập của các hộ gia đình lại chủ yếu phụ thuộc mùa vụ cà phê, nhiều hộ chưa có điều kiện lắp đặt hệ thống camera giám sát.
Để đảm bảo công tác môi trường trong niên vụ cà phê 2021-2022, huyện Mai Sơn đã giao các xã tiếp tục rà soát, kiểm tra, đánh giá các điều kiện để phục vụ hoạt động sản xuất, yêu cầu các hộ chỉ được phép hoạt động sơ chế cà phê khi có các công trình thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải, công trình bảo vệ môi trường đảm bảo theo quy định.
Thường xuyên kiểm tra, giám sát để phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp cố tình sơ chế cà phê khi chưa có các công trình thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải, công trình bảo vệ môi trường. Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát của Đoàn kiểm tra liên ngành với các cơ sở trong suốt niên vụ 2021-2022 định kỳ và đột xuất.