Rà soát đề xuất điều chỉnh, khoanh định khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia
Tài nguyên - Ngày đăng : 21:21, 05/10/2021
Thứ trưởng Trần Quý Kiên phát biểu chỉ đạo cuộc họp |
Báo cáo tại cuộc họp, ông Trần Mỹ Dũng – Vụ trưởng Vụ Địa chất (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam) cho biết: Thực hiện quy định tại Điều 29 Luật Khoáng sản, Bộ TN&MT đã khoanh định và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 6/5/2014 về việc phê duyệt khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia. Theo đó, đã khoanh định 48 khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia cho 10 loại khoáng sản, gồm: 23 khu vực dự trữ khoáng sản titan; 4 khu vực dự trữ khoáng sản cát trắng; 4 khu vực dự trữ khoáng sản quặng sắt – laterit; 3 khu vực dự trữ khoáng sản bauxit; 6 khu vực dự trữ than; 4 khu vực dự trữ khoáng sản đá hoa trắng; 3 khu vực dự trữ khoáng sản apatit; 1 khu vực dự trữ đất hiếm; 1 khu vực dự trữ khoáng sản chì-kẽm và 1 khu vực dự trữ quặng cromit.
Bộ TN&MT đã có Văn bản gửi 23 Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương (nơi có các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia) đề nghị “rà soát khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia đã được phê duyệt trên địa bàn tỉnh. Qua đó, xác định các diện tích chồng lấn giữa khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia với các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn đã, đang được cấp thẩm quyền xem xét ban hành quyết định chủ trương đầu tư. Đến nay, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã nhận được báo cáo của 15/23 tỉnh.
Bên cạnh đó, Tổng cục cũng rà soát lại toàn bộ tài liệu liên quan các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia theo Quyết định 645/QĐ-TTg, tổng hợp ý kiến của các tỉnh để đề xuất khoanh định các khu vực dự dự trữ khoáng sản quốc gia theo quy định tại Nghị định 51.
Theo đó, đối với titan, Tổng cục đề xuất bổ sung đưa vào khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia 88ha thuộc khu vực Mũi Dinh, tỉnh Ninh Thuận; điều chỉnh khu vực Khao Quế ra khỏi khu vực dự trữ khoáng sản titan do kết quả mới công tác đánh giá khoáng sản đã xác định khu vực này chưa đủ cơ sở để xác định tài nguyên; đưa ra khỏi khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia một số khu vực tại tỉnh Bình Định gồm: các khu vực thuộc Quy hoạch đô thị mới Cát Khánh; khu Kinh tế Nhơn Hội; đưa ra khỏi khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia khu vực sân bay Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Ngoài ra, rà soát, khoanh định chính xác diện tích dự trữ khoáng sản theo ranh giới các khối tài nguyên đã được xác định trong báo cáo Ti.57 (diện tích sau khi rà soát khoanh lại theo ranh giới của các khối tài nguyên là 74 km², giảm 32 km²), theo đó, diện tích loại bỏ có 869ha nằm trong diện tích 1.049ha tỉnh Bình Thuận đề nghị đưa ra khỏi khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, chỉ còn lại 180ha trùng với diện tích dự trữ khoáng sản quốc gia sau rà soát. Tổng cục đề xuất đưa 869ha trên ra khỏi khu vực dự trữ khoáng sản. Đối với các khu vực khác, Tổng cục đề xuất thời gian dự trữ khoáng sản là 50 năm.
Ông Trần Mỹ Dũng – Vụ trưởng Vụ Địa chất (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam) báo cáo tại cuộc họp |
Đối với cát trắng, Tổng cục đề xuất đưa ra khỏi dự trữ khu vực cát trắng thuộc tỉnh Quảng Nam, do kết quả điều tra đánh giá tổng thể tiềm năng cát trắng thuộc đề án “Điều tra, đánh giá tiềm năng khoáng sản cát trắng trên địa bàn các tỉnh ven biển từ Quảng Bình đến Quảng Nam" đã xác định tài nguyên cát trắng trong khu vực thuộc Khu kinh tế mở Chu Lai đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế mở Chu Lai. Với các khu vực khác, Tổng cục đề xuất thời gian dự trữ là 50 năm.
Đối với apatit, Tổng cục đề xuất khoanh định lại cụ thể các khu vực có tài nguyên 1,6 tỉ tấn quặng loại IV và loại II đã phê duyệt trong Quyết định số 645/QĐ-TTg, khoanh định lại diện tích khu vực Ngòi Bo-Bảo Hà (Lào Cai) theo diện tích các khối tài nguyên cấp 333+334a đã phê duyệt. Đồng thời, đề xuất thời gian dự trữ 30 năm cho khu vực Ngòi Bo-Bảo Hà, Bản Vược - Lũng Pô (Lào Cai) là các khu vực có quặng loại I và quặng loại III; các khu vực khác đề xuất thời gian dự trữ là 50 năm.
Đối với than, ông Trần Mỹ Dũng cho rằng, than nâu đồng bằng Sông Hồng sẽ khoanh định cụ thể diện không gian phân bố tài nguyên đã xác định theo mức sâu; giữ nguyên khu vực mỏ than Kế Bào (Quảng Ninh), bổ sung thời gian dự trữ là 30 năm; giữ nguyên các khu vực nằm trong khu vực cấm hoạt động khoáng sản tại khu vực Yên Tử và các khu vực khác, đề xuất thời gian dự trữ 50 năm.
Theo Vụ trưởng Vụ Địa chất, đối với đá hoa trắng, cần chính xác lại diện tích, tài nguyên theo kết quả đề án “Điều tra, đánh giá tổng thể tiềm năng đá hoa trắng trên địa bàn các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nam, Yên Bái, Bắc Kạn, Hà Giang, Tuyên Quang". Đề xuất thời gian dự trữ là 50 năm. Đối với sắt – laterit, bauxit, đất hiếm, chì-kẽm và cromit, đề xuất giữ nguyên diện tích, thời gian dự trữ 50 năm.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên đánh giá cao Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã triển khai các công việc để thực hiện chỉ đạo về việc điều chỉnh khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia theo Nghị định số 51/2021/NĐ-CP ngày 1/4/2011.
Đồng thời, Thứ trưởng yêu cầu Tổng cục sớm xây dựng báo cáo tổng kết 7 năm thực hiện Quyết định số 645/QĐ- TTg, xây dựng tiêu chí lựa chọn các loại khoáng sản, các diện tích để đưa vào dự trữ mới thay thế Quyết định số 645/QĐ- TTg, tuân thủ theo quy định trong Nghị định 51 và Luật Khoáng sản. Rà soát để đưa ra hoặc bổ sung các loại khoáng sản trên cơ sở những kết quả điều tra, đánh giá từ khi ban hành Quyết định số 645/QĐ- TTg cho đến nay và những yêu cầu về nhu cầu nguyên liệu của các ngành công nghiệp chế biến khoáng sản, đảm bảo môi trường bền vững...