Gần 12.000 km2 rạn san hô trên thế giới biến mất do biến đổi khí hậu

Thế giới - Ngày đăng : 14:20, 05/10/2021

(TN&MT) - Theo một nghiên cứu của Mạng lưới Giám sát Rạn san hô Toàn cầu (GCRMN) được công bố ngày 5/10, biến đổi khí hậu đã làm chết hàng loạt rạn san hô trên thế giới và số lượng sẽ còn tăng thêm nếu các đại dương tiếp tục ấm lên.

Ánh sáng mặt trời chiếu sáng một rạn san hô ở Biển Đỏ gần thành phố Jeddah, Saudi Arabia. Ảnh: Reuters

Xu hướng mất mát san hô gia tăng

Nghiên cứu trên cho thấy 14% rạn san hô trên thế giới đã bị mất từ năm 2009 đến 2018, tương đương với khoảng 11.700 km2, con số gấp 2,5 lần diện tích của Vườn quốc gia Grand Canyon (Mỹ).

Các nhà khoa học cho biết, san hô phải đối mặt với một "cuộc khủng hoảng hiện sinh" khi nhiệt độ bề mặt nước biển tăng lên. Nghiên cứu bao gồm dữ liệu trong 40 năm, từ 73 quốc gia và 12.000 địa điểm. Trong điều kiện nước biển ấm lên, các gai nhọn của san hô sẽ gây tác hại rất lớn - một hiện tượng mà các nhà khoa học cho rằng có liên quan đến biến đổi khí hậu do con người gây ra.

Nghiên cứu đã xem xét 10 khu vực có rạn san hô trên khắp thế giới và phát hiện ra rằng sự mất mát chủ yếu là do tẩy trắng san hô. Trong số 10 khu vực trên, các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Nam Á, Australia, Thái Bình Dương, Đông Á, Tây Ấn Độ Dương, Vịnh và Vịnh Oman.

Theo nghiên cứu, một sự kiện tẩy trắng san hô nghiêm trọng vào năm 1998 đã làm chết 8% san hô trên thế giới. Tẩy trắng san hô xảy ra khi trong điều kiện nước ấm hơn, san hô loại bỏ tảo đầy màu sắc sống trong các mô của chúng, khiến chúng chuyển sang màu trắng. Đánh bắt quá mức, phát triển vùng ven biển không bền vững và chất lượng nước suy giảm là những yếu tố khác đang tàn phá các rạn san hô.

Giám đốc điều hành của Viện Khoa học nghiên cứu đại dương Australia Paul Hardisty cho biết: “Sự mất mát san hô là xu hướng đáng lo ngại hiện nay và những xu hướng này dự kiến gia tăng khi đại dương vẫn tiếp tục nóng lên”.

Phục hồi các rạn san hô

Theo một báo cáo mang tính bước ngoặt vào tháng 8/2021, đại dương toàn cầu đã ấm lên nhanh hơn so với thời điểm kết thúc quá trình chuyển đổi băng hà gần đây nhất, khoảng 11.000 năm trước.

Các rạn san hô là hệ sinh thái quan trọng, là nơi cư trú của khoảng một phần ba các loài sinh vật đại dương mặc dù chỉ bao phủ chưa đến 1% đại dương trên thế giới. Chúng hỗ trợ cuộc sống của hơn 25% đa dạng sinh học biển, bao gồm rùa, cá và tôm hùm – các loài cung cấp năng lượng cho ngành đánh bắt cá toàn cầu. Báo cáo này cho biết, giá trị kinh tế toàn cầu của các rạn san hô liên quan đến hàng hóa và dịch vụ ước tính khoảng 2,7 nghìn tỷ USD hàng năm, bao gồm cả du lịch.

Theo các nhà khoa học, khoảng 2% san hô đã phục hồi vào năm 2019 và chúng có thể phục hồi khi có thời gian “nghỉ ngơi” trước sự tấn công của các yếu tố chống lại chúng. Nếu áp lực lên các rạn san hô được giảm bớt, chúng có thể phát triển trở lại trong vòng một thập kỷ và đạt đến mức trước năm 1998.

Gần đây, đã có một dự án phục hồi các rạn san hô ngoài khơi bờ biển quốc gia Caribe Antigua và Barbuda. Dự án này có tên Ocean-Shot, sử dụng công nghệ mô phỏng thiết kế và hình dạng của các rạn san hô tự nhiên để thu hút các san hô và các sinh vật biển khác.

Mai Đan