Huy động trí tuệ của các tổ chức, cá nhân vào thiết chế bảo vệ môi trường

Môi trường - Ngày đăng : 11:21, 05/10/2021

(TN&MT) - Trong quá trình xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020, Bộ TN&MT đã nhận được sự chung sức, chung lòng, chung ý chí, trí tuệ của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các chuyên gia, nhà khoa học tâm huyết với lĩnh vực môi trường. Để hiểu rõ hơn về những đóng góp này, phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Hưng Thịnh - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT).

Ông Nguyễn Hưng Thịnh - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT).

PV: Xin ông cho biết, Bộ TN&MT đã triển khai những hoạt động gì để huy động trí tuệ của các tổ chức, cá nhân vào việc xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020?

Ông Nguyễn Hưng Thịnh:

Như chúng ta đã biết, Luật Bảo vệ môi trường 2020 được Quốc hội thông qua với nhiều đổi mới. Để sớm đưa các quy định của Luật đi vào cuộc sống, đồng thời bảo đảm các điều kiện cho việc tổ chức thi hành Luật một cách hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ TN&MT tổ chức xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Thực hiện nhiệm vụ này, ngay từ tháng 1/2021, Bộ TN&MT đã thành lập Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập Dự thảo Nghị định với sự tham gia của đại diện Văn phòng Chính phủ, đại diện các Bộ; Ủy ban Dân tộc; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; đại diện Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam; đại diện các Hiệp hội (Nhựa Việt Nam, Dệt may Việt Nam, Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Làng nghề Việt Nam, Giấy và Bột giấy Việt Nam, Thép Việt Nam, Bao bì Việt Nam) và nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (BVMT).

Trong quá trình xây dựng Dự thảo Nghị định, ngoài việc nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước trên thế giới và khu vực, Bộ TN&MT còn thường xuyên làm việc với các Bộ, ngành để thống nhất nội dung đối với các quy định mới; triển khai nhiều hoạt động tham vấn trực tiếp ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, hiệp hội, tổ chức doanh nghiệp và ý kiến của địa phương để hoàn thiện Dự thảo Nghị định.

Cụ thể, Bộ đã tổ chức các Hội thảo trực tuyến, lắng nghe đầy đủ ý kiến của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; phối hợp với VCCI tổ chức Hội thảo trực tuyến tham vấn ý kiến của các Hiệp hội, doanh nghiệp. Bộ trưởng Bộ TN&MT đã trực tiếp gửi thư xin ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học, một số Giám đốc Sở TN&MT 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cá nhân có liên quan đối với Dự thảo Nghị định.

Đặc biệt, ngày 30/8/2021, sau khi hoàn thiện một bước Dự thảo Nghị định, Bộ TN&MT đã tiếp tục tổ chức Hội thảo trực tuyến với hơn 100 doanh nghiệp để trao đổi cũng như tham vấn thêm ý kiến đối với các nội dung đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Đến nay, hơn 250 ý kiến góp ý đã được Bộ TN&MT nghiên cứu để tiếp thu, giải trình và hoàn thiện Dự thảo Nghị định.

Tăng cường công tác bảo vệ môi trường tại các địa phương. Ảnh: MH

PV: Sau khi nhận được các ý kiến đóng góp từ các văn bản gửi đến cũng như các ý kiến đóng góp tại Hội thảo, Bộ TN&MT đã tiếp thu, chỉnh sửa và hoàn thiện Dự thảo Nghị định như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Hưng Thịnh:

Sau khi nhận được các ý kiến đóng góp bằng văn bản gửi đến cũng như các ý kiến đóng góp tại Hội thảo, Bộ TN&MT đã rà soát, chỉnh sửa, tập trung làm rõ các nội dung quản lý, xác định rõ vai trò, vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý Nhà nước về BVMT trên nguyên tắc bảo đảm tính thống nhất quản lý Nhà nước về BVMT; tăng cường phân cấp cho địa phương; trách nhiệm, nghĩa vụ của mọi cơ quan, tổ chức và cá nhân đối với công tác BVMT.

Đồng thời, Bộ TN&MT đã tiếp thu nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức, cá nhân để đưa trí tuệ của các cá nhân, tổ chức vào những quy định có tính chuyên môn, kỹ thuật như: BVMT nước, không khí, đất; phân vùng môi trường, ĐTM, Giấy phép môi trường; BVMT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; quản lý chất thải; trách nhiệm tái chế, xử lý sản phẩm, bao bì thải bỏ của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu; quan trắc môi trường; phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; công cụ kinh tế và nguồn lực BVMT…

Đặc biệt, Ban Soạn thảo cũng đã nghiên cứu kỹ lưỡng những nội dung được dư luận quan tâm như: Phân loại dự án đầu tư theo tiêu chí môi trường; Giấp phép môi trường; trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu; quan trắc chất thải để có tiếp thu, giải trình đầy đủ từng ý kiến góp ý.

Đến nay, Dự thảo Nghị định đã được tiếp thu hoàn thiện và gửi Bộ Tư pháp thẩm định với 13 chương, 173 điều và các Phụ lục. Các quy định này được xây dựng, hoàn thiện trên quan điểm: Kế thừa những quy định còn phù hợp của pháp luật về BVMT hiện hành để tạo sự ổn định trong hệ thống pháp luật; bổ sung những quy định mới nhằm cụ thể hóa các chính sách mới của Luật Bảo vệ môi trường 2020; có sự phân công, phân quyền hợp lý, hiệu quả; chú trọng các công cụ hậu kiểm thông qua việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về BVMT; làm rõ vai trò quản lý tập trung, thống nhất của cơ quan quản lý Nhà nước về BVMT trong một số lĩnh vực cụ thể; quy định rõ các nguồn lực để bảo đảm triển khai nhanh chóng, kịp thời các yêu cầu quản lý Nhà nước về BVMT; đồng thời, phải phù hợp với chủ trương chuyển đổi số, cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính của Chính phủ.

Với tinh thần cầu thị, sau khi gửi thẩm định, Bộ TN&MT đã tiếp tục đăng tải Dự thảo Nghị định trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ để tiếp tục đón nhận ý kiến góp ý từ các doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia, nhà khoa học quan tâm đến Dự thảo Nghị định.

PV: Như ông đã nói, Bộ TN&MT đã tiếp thu nhiều ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức, cá nhân. Vậy ông có thể cho biết một số điểm mới đã được Ban Soạn thảo tiếp thu, chỉnh sửa từ các ý kiến đóng góp này?

Ông Nguyễn Hưng Thịnh:

Trong quá trình hoàn thiện Dự thảo, Ban Soạn thảo đã đặc biệt quan tâm nghiên cứu ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân về một số chính sách mới nhằm cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính (TTHC) đối với doanh nghiệp, đặc biệt là chủ trương tích hợp 7 loại giấy phép, giấy xác nhận, đăng ký vào chung 1 loại là giấy phép môi trường; Xác lập hành lang pháp lý về di sản thiên nhiên, bảo đảm đồng bộ, thống nhất và rõ trách nhiệm quản lý; Xây dựng khung nguyên tắc cơ bản để cụ thể hóa chủ trương thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn; Cụ thể hóa các chính sách mới về kinh tế tuần hoàn, tín dụng xanh, trái phiếu xanh,…

Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và tham vấn ý kiến các chuyên gia về kinh tế, môi trường, Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Dự thảo Nghị định được xây dựng có tổng cộng 35 TTHC, so với pháp luật hiện hành đã giảm được 18 TTHC (giảm 34%). Dự thảo Nghị định đã hoàn thiện khung chính sách chung về BVMT đối với di sản thiên nhiên; đồng thời, đã phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý để bảo đảm không chồng chéo, trùng dẫm tại các cơ quan từ Trung ương đến địa phương.

Một số chính sách mới về kinh tế tuần hoàn, tín dụng xanh, trái phiếu xanh cũng được hoàn thiện, cụ thể hóa trong Dự thảo Nghị định như: Quy định về tiêu chí kinh tế tuần hoàn, lộ trình thực hiện kinh tế tuần hoàn, trách nhiệm thực hiện của Bộ TN&MT, các Bộ, ngành và UBND cấp tỉnh, cơ chế khuyến khích thực hiện kinh tế tuần hoàn; quy định cụ thể về Danh mục dự án đầu tư xanh, việc khuyến khích cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh để tạo nguồn lực xã hội cho BVMT.

Hiện nay tỷ lệ chôn lấp rác thải ở Việt Nam còn cao, một trong các nguyên nhân là do rác thải chưa được phân loại dẫn đến khó khăn trong xử lý. Để khắc phục tình trạng này, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã quy định việc thu phí rác thải dựa trên khối lượng hoặc thể tích thay cho việc tính bình quân theo hộ gia đình hoặc đầu người như hiện nay. Cơ chế thu phí này sẽ góp phần thúc đẩy người dân phân loại, giảm thiểu rác thải phát sinh tại nguồn. Để cụ thể hóa một bước chủ trương này, làm cơ sở cho Bộ TN&MT hướng dẫn chi tiết theo phân công của Luật, Dự thảo Nghị định đã có các quy định chung về chi phí/giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH; trách nhiệm của UBND các cấp trong quản lý CTRSH trên địa bàn; đồng thời cũng đã quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức liên quan trong quản lý, xử lý CTRSH.

Có thể khẳng định, các ý kiến của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các chuyên gia, nhà khoa học tâm huyết với lĩnh vực môi trường đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện Dự thảo Nghị định. Từ đó, Dự thảo Nghị định đã được xây dựng theo đúng tinh thần của Luật Bảo vệ môi trường 2020, đồng thời đã bảo đảm được tính đầy đủ, khách quan, khoa học và thực tiễn.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Mai Dung (thực hiện)