Indonesia cảnh báo về cuộc khủng hoảng nhựa đại dương
Thế giới - Ngày đăng : 16:59, 04/10/2021
Các nhà môi trường tại Indonesia đã xây dựng một triển lãm từ 100% rác thải nhựa nhằm nâng cao nhận thức của người dân. Ảnh: Reuters |
Nhằm nâng cao nhận thức của người dân, các nhà môi trường tại Indonesia đã xây dựng một triển lãm từ 100% rác thải nhựa. Thông qua hoạt động này, Ban Tổ chức mong muốn lan truyền thông điệp về cuộc khủng hoảng rác thải nhựa đại dương, đồng thời, nâng cao ý thức của người dân trong suy nghĩ và thói quen sử dụng sản phẩm từ nhựa dùng một lần.
Triển lãm ngoài trời diễn ra ở thị trấn Gresik, phía Đông Java đã mất ba tháng để lắp ráp và được tạo thành từ hơn 10.000 đồ phế thải nhựa, từ chai lọ, túi xách đến gói và ống hút, tất cả đều được thu gom từ các con sông và bãi biển bị ô nhiễm. Trung tâm triển lãm là bức tượng có tên là "Dewi Sri", vị thần tượng trưng cho sự thịnh vượng, được người dân đảo Java tôn thờ. Chiếc váy dài của bức tường được làm từ những gói đồ gia dụng chỉ sử dụng một lần.
Prigi Arisandi, một thành viên của ban tổ chức triển lãm cho biết: "Những loại rác này rất khó tái chế. Việc thải chúng ra môi trường biển đang làm ô nhiễm nguồn nước và môi trường đại dương, đồng thời là nguồn cung cấp thực phẩm thủy hải sản cho con người. Vì vậy, chúng ta cần loại bỏ bằng cách dừng sử dụng các sản phẩm từ nhựa sử dụng một lần".
Triển lãm đã thu hút hơn 400 khách tham quan kể từ khi mở cửa vào đầu tháng trước. Ahmad Zainuri, một sinh viên đến thăm triển lãm chia sẻ, triển lãm đã giúp anh thức tỉnh trước vấn đề môi trường toàn cầu. Anh cho biết sẽ chuyển sang sử dụng túi vải và khi mua đồ uống, anh sẽ mang theo ly của riêng anh để tránh sử dụng ly nhựa của quán.
Triển lãm đã trở thành nơi tham quan đối với nhiều người dân Indonesia và là địa điểm hấp dẫn cho giới trẻ chụp ảnh và đăng tải lên mạng xã hội. Hoạt động này sẽ giúp lan truyền thông điệp bảo vệ môi trường rộng rãi đến nhiều người dân.
Rác thải nhựa là vấn đề nhức nhối đối với Indonesia, nơi chỉ đứng sau Trung Quốc về lượng rác thải ra đại dương trên thế giới.