Ninh Bình: Triển khai mô hình xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình

Quản lý chất thải rắn - Ngày đăng : 14:39, 04/10/2021

(TN&MT) - Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình vừa bàn giao thiết bị, vật tư xây dựng mô hình điểm “Hội Nông dân thu gom, phân loại xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình, cụm dân cư góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới” tại xã Yên Thái (huyện Yên Mô). Mô hình do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ thực hiện.

Theo đó, Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình đã hướng dẫn cách thu gom; phân loại rác thải tại hộ gia đình; quy trình kỹ thuật xử lý rác hữu cơ bằng chế phẩm vi sinh Sumitri. Cụ thể, rác thải sinh hoạt của các hộ dân được thu gom riêng thành 3 loại: rác thải hữu cơ, rác vô cơ và rác độc hại. Mỗi loại rác thải sẽ được chứa trong 1 thùng riêng biệt, rác thải vô cơ có thể tái chế hoặc thu gom tập trung tại điểm tập kết theo quy định, rác độc hại thu gom và xử lý theo quy trình riêng, rác thải hữu cơ được dùng để ủ thành phân bón tại các hộ gia đình.

Ninh Bình tập huấn và triển khai mô hình thu gom, phân loại, xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình

Theo Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình, rác thải hữu cơ sau khi được phân loại sẽ được cho vào thùng ủ, khi rác đạt độ dày từ 20 - 30 cm thì dùng chế phẩm vi sinh Sumitri pha với nước để tưới lên rác ủ. Chế phẩm vi sinh Sumitri được sản xuất bằng quy trình công nghệ hiện đại (công nghệ lên men bề mặt và phân tác bào tử) có tác dụng giảm thiểu mầm bệnh và làm giảm tối đa mùi hôi trong chất thải, phân hủy nhanh rác hữu cơ thành phân bón vi sinh. Sau 30 - 45 ngày, lượng rác trong thùng ủ sẽ tạo thành phân bón giàu dinh dưỡng cho cây trồng.

Hội Nông dân tỉnh đã tiến hành bàn giao các trang thiết bị gồm: thùng đựng rác công cộng, thùng ủ phân, xô phân loại rác và chế phẩm vi sinh Sumitri cho các hộ tham gia mô hình trên địa bàn xóm Dầu, xã Yên Thái.

Mô hình “Hội Nông dân thu gom, phân loại xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình, cụm dân cư góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới” được triển khai nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về lợi ích của việc phân loại, xử lý rác thải hữu cơ ngay tại hộ gia đình thành phân bón cho cây trồng, từ đó giúp người dân thay đổi hành vi, sống thân thiện với môi trường.

Khải Minh