Biển Đông sắp có ATNĐ/bão, diễn biến rất phức tạp, yêu cầu các địa phương sẵn sàng ứng phó
Môi trường - Ngày đăng : 11:05, 04/10/2021
Về diễn biến mưa bão, ngày 3/10, một vùng áp thấp đã hình thành trên vùng biển phía đông nam Philippines. Khoảng ngày 6-7/10, hình thái này đi vào Biển Đông và mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới rồi thành bão trong những ngày tiếp theo.
Không khí lạnh xuất hiện vào ngày 10-11/10 có cường độ mạnh và có thể tương tác với cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông. Vì vậy, diễn biến của hình thái này trong những ngày tới rất phức tạp.
Nhận định ban đầu cho thấy áp thấp nhiệt đới mạnh lên nhanh chóng sau khi vào Biển Đông ngày 7/10. Ban đầu, hình thái này di chuyển theo hướng bắc đông bắc, nhưng sau đó đổi sang hướng tây và mạnh thành bão. Càng tiến gần về khu vực quần đảo Hoàng Sa, cường độ cơn bão càng mạnh.
Ngư dân trên biển cần lưu ý cập nhật tình hình thời tiết thường xuyên để kịp thời di chuyển, tránh trú khi bắt đầu chịu ảnh hưởng của bão.
Trên đất liền, mặc dù chưa chịu ảnh hưởng trực tiếp từ bão nhưng ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới hoạt động mạnh nên các tỉnh Trung Bộ xuất hiện mưa lớn diện rộng trong ngày 5-8/10. Tại Tây Nguyên và Nam Bộ, mưa dông cũng tiếp diễn trong tuần này nhưng tập trung về chiều hoặc tối.
Ngoài ra trong tháng 10 sẽ có 2 - 3 đợt không khí lạnh làm nền nhiệt trung bình ban ngày ở Bắc Bộ xuống dưới 25 độ C. Dự báo xa, cơ quan khí tượng đưa ra nhận định miền Bắc có thể trải qua mùa đông năm nay lạnh hơn so với năm 2020. Rét đậm, rét hại được dự báo xuất hiện sớm trước ngày 25/12. Đến tháng 1/2022, khu vực khả năng hứng chịu 4-5 đợt không khí lạnh cường độ mạnh gây rét đậm, rét hại diện rộng kéo dài 4-6 ngày.
Chủ động các biện pháp sẵn sàng ứng phó
Tại báo cáo nhanh về công tác phòng chống thiên tai ngày 4/10, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa chủ động các biện pháp sẵn sàng ứng phó với khả năng xuất hiện áp thấp, bão trên biển Đông theo nội dung văn bản số 438/VPTT ngày 01/10/2021 của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống thiên tai.
Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế; đồng bằng, ven biển Bắc Bộ, Trung và Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ chủ động ứng phó với mưa lớn, mưa dông, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ.
Tổ chức trực ban phòng chống thiên tai 24/24h, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống xảy ra.
Trước đó, ngày 1/10, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đã ban hành văn bản hỏa tốc số 438 đề nghị Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển theo dõi chặt chẽ thông tin, diễn biến, dự báo về khả năng xuất hiện bão trên Biển Đông để thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh.
Các địa phương phải có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra./.