Phát huy tiềm năng, lợi thế Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà
Tài nguyên - Ngày đăng : 19:45, 02/10/2021
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị chủ trì Hội nghị thẩm định Nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2040. |
Dự Hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính, lãnh đạo UBND tỉnh Yên Bái, đại diện Văn phòng Chính phủ và đại diện các Bộ, ngành Trung ương là thành viên Hội đồng thẩm định.
Hồ Thác Bà – Nhiều lợi thế để phát triển du lịch
Tại Hội nghị, đại diện Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, Bộ Xây dựng (đơn vị tư vấn) đã trình bày báo cáo nội dung Nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2040. Theo đó, hồ Thác Bà thuộc địa bàn hai huyện Yên Bình và Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Hồ và nhà máy thủy điện được xây dựng từ năm 1964 đến năm 1971, là một trong những hồ chứa nhân tạo lớn nhất Việt Nam.
Với hơn 1.300 hòn đảo lớn nhỏ, hồ Thác Bà được mệnh danh là “vùng hồ nghìn đảo” giữa một vùng núi rừng trùng điệp, hùng vĩ, được Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch công nhận là danh thắng quốc gia.
Bên cạnh đó, hồ Thác Bà nằm trong lưu vực sông Chảy, một không gian văn hóa đặc sắc – “Vùng văn hóa sông Chảy”, nơi còn lưu giữ nhiều giá trị độc đáo về đời sống, canh tác, văn hóa, tín ngưỡng… của đồng bào dân tộc thiểu số vùng núi như Dao, Tày, Nùng, Cao Lan… Tất cả tạo nên những lợi thế để phát triển hồ Thác Bà trở thành một điểm đến hấp dẫn trong vùng…
Hồ Thác Bà còn là hồ có nhiều chức năng quan trọng như phát triển du lịch, điều tiết thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, hỗ trợ phát triển lâm nghiệp, thủy điện. Trong “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” và “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, hồ Thác Bà được xác định là một trong 48 địa điểm có tiềm năng phát triển trở thành Khu du lịch quốc gia với định hướng phát triển các sản phẩm du lịch gắn với sinh thái hồ, cảnh quan và các giá trị văn hóa bản địa…
Việc lập nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà đến năm 2040 nhằm cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà dến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1775/QĐ-TTg và Quy hoạch tỉnh Yên Bái đến năm 2030, các quy hoạch khác có liên quan nhằm mục tiêu phát triển hồ Thác Bà và vùng phụ cận trở thành điểm đến hấp dẫn của vùng Trung du và miền núi Bắc bộ với các sản phẩm du lịch đặc trưng, đảm bảo hài hòa các chức năng gắn với văn hóa và hệ sinh thái lòng hồ.
Định hướng phát triển không gian
Theo nhiệm vụ quy hoạch, phạm vi lập quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà đến năm 2040 nằm trên địa phận hành chính các xã, thị trấn thuộc huyện Yên Bình (diện tích 28.800ha, không tính phần mặt nước). Phạm vi lập định hướng phát triển khu vực phụ cận thuộc địa giới hành chính huyện Yên Bình, Lục Yên có diện tích 9.000ha.
Tổng quy mô diện tích lập quy hoạch chung Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà và định hướng phát triển khu vực phụ cận có diện tích khoảng 53.000ha (bao gồm diện tích hồ Thác Bà khoảng 16.000ha và diện tích đất liền bao quanh hồ khoảng 37.800ha).
Trong đó, định hướng phát triển không gian, kiến trúc, cảnh quan và thiết kế đô thị tập trung vào khai thác tối ưu tiềm năng và lợi thế của hồ Thác Bà đó là giá trị cảnh quan mặt nước, cảnh quan rừng núi, môi trường sinh thái, bản sắc văn hóa dân tộc, giá trị phi vật thể và văn hóa tín ngưỡng, giao thông thủy bộ…
Nghiên cứu tác động của tuyến đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, Quốc lộ 70, Quốc lộ 37, Quốc lộ 2D, sân bay lưỡng dụng Yên Bái đến quá trình lập quy hoạch…; xác định cấu trúc phát triển xây dựng không gian chung toàn Khu du lịch quốc gia, hướng phát triển và nguyên tắc phát triển đối với từng phân khu chức năng du lịch.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy phát biểu tại Hội nghị. |
Bên cạnh đó, định hướng tổ chức không gian mạng lưới điểm dân cư – làng bản; định hướng phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng phù hợp với điều kiện giá trị văn hóa, hệ sinh thái tự nhiên, khí hậu và nguồn lực, đặc điểm của Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà và tình hình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái; xác định các đặc trưng và giải pháp đối với các vùng kiến trúc, cảnh quan, các khu vực trung tâm, khu vực cửa ngõ của Vùng lõi tập trung phát triển Khu du lịch quốc gia, trục không gian chính, quảng trường, không gian cây xanh, mặt nước, điểm nhấn không gian và đề xuất nguyên tắc, yêu cầu tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan cho các khu vực hiện hữu và phát triển mở rộng…
Phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà dựa trên tiềm năng, lợi thế sẵn có
Hội nghị cũng đã nghe các ý kiến góp ý từ các thành viên Hội đồng thẩm định liên quan đến cơ sở pháp lý; phạm vi lập quy hoạch và những nội dung nghiên cứu liên quan đến các lĩnh vực: tài nguyên, môi trường, đầu tư, tài chính, công thương, quy hoạch, giao thông, văn hóa, du lịch, nông nghiệp, lâm nghiệp, quốc phòng, an ninh… Về cơ bản, Hội đồng thống nhất với nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà đến năm 2040.
Thay mặt tỉnh Yên Bái, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy tiếp thu ý kiến đóng góp của Hội đồng thẩm định, giải trình một số vấn đề liên quan và tỉnh sẽ phối hợp với đơn vị tư vấn để hoàn thiện nhiệm vụ quy hoạch chung Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà đến năm 2040.
Ông Đỗ Đức Duy cho biết, hồ Thác Bà có chức năng thủy lợi, nuôi trồng thủy sản, giao thông thủy, nước mặt, hoạt động công nghiệp, khai thác khoáng sản, chế biến lâm sản, năng lượng tái tạo… Trọng điểm phát triển công nghiệp của tỉnh Yên Bái là khai thác khoáng sản, bên cạnh đó việc phát triển du lịch được xác định là ngành kinh tế quan trọng, đột phá, hài hòa với phát triển công nghiệp…
Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà và vùng phụ cận có tính tích hợp, đồng bộ, kết hợp giữa phát triển du lịch và đô thị bền vững trên cơ sở bảo tồn, phát huy các giá trị tự nhiên, văn hóa truyền thống, bảo đảm quốc phòng – an ninh, an toàn hồ đập thủy điện ứng phó với biến đổi khí hậu…
Đồng thời, có tính kế thừa, phát huy các giá trị cảnh quan mặt nước và vùng ven hồ, núi non trùng điệp, giá trị của danh thắng và bản sắc văn hóa vùng sông Chảy để hình thành sản phẩm du lịch chủ đạo, đặc trưng, tạo thương hiệu riêng cho du lịch hồ Thác Bà; bảo đảm phù hợp, thống nhất với các Chiến lược quy hoạch tỉnh, quy hoạch liên quan trong vùng và quốc gia.
Đặc biệt, xây dựng Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà gắn với triết lý phát triển của tỉnh Yên Bái, đó là phát triển xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đánh giá cao sự nỗ lực của đơn vị tư vấn trong việc phối hợp với các Sở, ngành thuộc tỉnh Yên Bái trong quá trình đề xuất Nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà.
Bộ trưởng nhấn mạnh vai trò quan trọng của Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà đối với phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Yên Bái nói riêng và với cả vùng Trung du và miền núi phía Bắc nói chung.
Toàn cảnh Hội nghị. |
Để khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, giá trị lịch sử văn hóa Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị yêu cầu quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà đến năm 2040 phải đảm bảo tuân thủ đúng các chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế xã hội; khai thác và sử dụng hiệu quả tài tài nguyên thiên nhiên; giữ gìn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa, lịch sử của địa phương; quan tâm nghiên cứu những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; đảm bảo quốc phòng – an ninh…
Đồng thời, phải đảm bảo khai thác hài hòa, hiệu quả và bền vững các tiềm năng, lợi thế của khu du lịch; đảm bảo thống nhất và đồng bộ với các cấp độ quy hoạch của tỉnh Yên Bái và khu vực.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị đơn vị tư vấn và UBND tỉnh Yên Bái tiếp thu đầy đủ những ký kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng, sớm hoàn thiện Báo cáo thuyết minh Nhiệm vụ, dự thảo Tờ trình và Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện các bước tiếp theo theo quy định.