Ứng dụng viễn thám phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 18:37, 01/10/2021

(TN&MT) - Để thực hiện Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040”, Cục Viễn thám quốc gia đang xây dựng Đề án “Ứng dụng viễn thám phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”. Đề án đang được lấy ý kiến để hoàn thiện trình Chính phủ phê duyệt.

Theo ông Nguyễn Quốc Khánh, Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia, đây là Đề án quan trọng, là cơ sở, tiền đề góp phần đưa công nghệ viễn thám trở thành một công cụ hữu dụng phục vụ công tác quản lý, giám sát đa ngành, đa lĩnh vực.

Đề án đặt mục tiêu ứng dụng viễn thám hiệu quả trong các ngành, lĩnh vực đáp ứng yêu cầu chính phủ điện tử, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về viễn thám.

Ứng dụng viễn thám phục vụ phát triển kinh tế xã hội

Đồng thời, Việt Nam đẩy mạnh ứng dụng viễn thám phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đưa công nghệ viễn thám trở thành một công cụ hữu dụng phục vụ công tác quản lý, giám sát đa ngành, đa lĩnh; cơ sở dữ liệu ảnh viễn thám quốc gia phục vụ chia sẻ cho các Bộ, ngành, địa phương; phục vụ các nhiệm vụ giám sát đa ngành, đa lĩnh vực sử dụng tư liệu viễn thám; đảm bảo giám sát bề mặt Trái đất trên lãnh thổ Việt Nam bằng công nghệ viễn thám phục vụ khai thác, sử dụng có hiệu quả các giá trị, tiềm năng phát triển ngành, lĩnh vực; Cung cấp các thông tin cập nhật về hiện trạng, diễn biến khai thác, sử dụng góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đặc biệt, sản phẩm công nghệ viễn thám để xây dựng, cập nhật, hoàn thiện cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia chia sẻ, dùng chung phục vụ phát triển kinh tế - xã hội: Ứng dụng viễn thám đối với các hoạt động lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp; Ứng dụng viễn thám về quy hoạch xây dựng và quản lý phát triển theo quy hoạch (quy hoạch đô thị; dự báo và thiết kế quy hoạch; đánh giá quá trình đô thị hóa tại Việt Nam và đề xuất các giải pháp cải tạo môi trường đô thị...); ứng dụng viễn thám về giao thông vận tải; ứng dụng viễn thám về công thương (đánh giá tiềm năng điện gió/ năng lượng mặt trời) và các hoạt động khác.

Đề án hoàn thành sẽ tạo lập được hệ thống cho phép kịp thời cập nhật các thông tin, dữ liệu giám sát bằng viễn thám nhằm chia sẻ, khai thác thông tin, dữ liệu không gian thuận tiện, giữa các Bộ, ngành, địa phương, tạo cơ hội cho người dân tiếp cận gần hơn với các thông tin, dữ liệu, góp phần đảm bảo sinh kế và phát triển bền vững.

Việt Khang