Bảo vệ môi trường trong chế biến nông sản tại Sơn La: Ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm

Môi trường - Ngày đăng : 11:48, 30/09/2021

(TN&MT) - Niên vụ 2021 - 2022, sản lượng cà phê trên địa bàn tỉnh Sơn La ước đạt khoảng 400.000 tấn quả tươi. Để đảm bảo tiêu thụ cà phê cho người dân, chủ động phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường, tỉnh Sơn La đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quyết liệt để thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, nguồn nước, không để tái diễn tình trạng ô nhiễm nước thải từ hoạt động chế biến cà phê.

Duy trì kiểm tra, giám sát 24/24h trong suốt niên vụ

Theo số liệu ước tính của Hiệp hội cà phê Sơn La, trong 5 năm gần đây, cây cà phê đã được người dân lựa chọn trồng thay thế diện tích canh tác ngô không còn hiệu quả và không có ưu thế phát triển cây ăn quả trên địa bàn các huyện Thuận Châu, Quỳnh Nhai. Tổng diện tích cà phê trên địa bàn tỉnh đạt trên 30.000ha, tập trung tại thành phố và các huyện: Thuận Châu, Yên Châu, Mai Sơn, Sốp Cộp, Quỳnh Nhai. Dự kiến niên vụ 2021 - 2022, sản lượng cà phê ước đạt khoảng 400.000 tấn quả tươi; 99% sản lượng cà phê tươi được sơ chế thành cà phê nhân phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Hiện, toàn tỉnh có 4 cơ sở chế biến cà phê quy mô lớn được UBND tỉnh phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) với công suất trên 51.000 tấn/năm. Ngoài ra, trên địa bàn 2 huyện Thuận Châu, Mai Sơn có một số cơ sở chế biến cà phê nhỏ, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, công suất trung bình 300 - 500 tấn/năm.

Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Nguyễn Hữu Đông chủ trì cuộc họp bàn về công tác bảo vệ nguồn nước trong niên vụ chế biến nông sản 2021 - 2022.

Để đảm bảo tiêu thụ cà phê cho người dân, đồng thời chủ động phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quyết liệt để thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, không để tái diễn tình trạng ô nhiễm nước thải từ hoạt động chế biến cà phê gây ảnh hưởng tới nguồn nước sinh hoạt trên địa bàn thành phố và huyện Mai Sơn. Ngay từ tháng 1/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đã tổ chức ký cam kết với Chủ tịch UBND các huyện, thành phố về việc tăng cường vai trò, trách nhiệm trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường của chính quyền các cấp. Đã ban hành Quyết định 2150/QĐ-UBND ngày 6/9/2021, thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước với 7 cơ sở chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh.

Bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở TN&MT, Trưởng đoàn kiểm tra cho biết: Đến nay, Đoàn kiểm tra đã họp công bố quyết định kiểm tra việc chấp hành quy địnhh về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước và các lĩnh vực có liên quan với các cơ sở. Đồng thời, để đảm bảo kiểm tra, giám sát 24/24h trong suốt niên vụ, Đoàn đã thành lập 2 tổ kiểm tra, giám sát, trong đó, tổ số 1 kiểm tra giám sát với các cơ sở chế biến cà phê quy mô tập trung; tổ số 2 kiểm tra giám sát với các cơ sở chế biến tinh bột sắn, mía đường. Thành lập 4 tổ công tác giám sát hoạt động sản xuất và bảo vệ môi trường với 4 cơ sở chế biến cà phê quy mô tập trung.

Bên cạnh đó, Sở TN&MT đã tổ chức 2 hội nghị tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng, người dân và doanh nghiệp. Triển khai ký cam kết với 4 đơn vị chế biến cà phê quy mô tập trung trong việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động sản xuất. Yêu cầu 4 cơ sở lắp đặt hệ thống camera giám sát việc xử lý chất thải trong quá trình sản xuất. Hiện, 2/4 đơn vị đã hoàn thành lắp đặt camera, cài đặt phần mềm xem trên máy tính của Sở TN&MT; 2/4 đơn vị đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện để hoàn thành trước 30/9.

Tại các huyện, thành phố đã thành lập các Đoàn liên ngành kiểm tra, giám sát với các cơ sở sản xuất, chế biến nông sản, chăn nuôi trên địa bàn; ký cam kết với các cơ sở chế biến nông sản, chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ trong bảo vệ môi trường, nguồn nước; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Xây dựng Kế hoạch sản xuất, chế biến, tiêu thụ cà phê niên vụ 2021 - 2022, có giải pháp cụ thể, hiệu quả, hỗ trợ giúp bà con thu hoạch, tiêu thụ, khuyến khích chế biến tại các cơ sở lớn đã đầu tư hệ thống xử lý chất thải.

Các nhóm giải pháp trước mắt và lâu dài

Theo đánh giá của Sở TN&MT Sơn La, nhìn chung, các cơ sở chế biến cà phê quy mô tập trung đã đầu tư xây dựng các công trình thu gom, xử lý chất thải theo Báo cáo ĐTM được phê duyệt. Trong quá trình hoạt động, các cơ sở cơ bản chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, nguồn nước. Tuy nhiên, sản lượng cà phê trên địa bàn tỉnh rất lớn, năng lực sơ chế, chế biến của các cơ sở chế biến cà phê tập trung mới đáp ứng khoảng 15% tổng sản lượng. Việc lượng lớn vỏ bã cà phê, nước thải sản xuất từ các cơ sở quy mô nhỏ, hộ gia đình chưa được xử lý đúng quy định vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm nguồn nước.

Các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, rà soát với các cơ sở sơ chế, chế biến nông sản quy mô nhỏ.

Do đó, niên vụ 2021 - 2022, trước mắt, tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp duy trì cấp nước an toàn cho các khu dân cư trên địa bàn thành phố và huyện Mai Sơn. Hướng dẫn các hộ gia đình chế biến cà phê bằng phương pháp ướt thực hiện lưu trữ nước thải, chất thải rắn trong phạm vi cơ sở, tuyệt đối không đưa nước thải ra môi trường dưới mọi hình thức. Kiên quyết đình chỉ toàn bộ các cơ sở không đáp ứng điều kiện về bảo vệ môi trường, nhất là tại các xã Hua La, Chiềng Cọ, Chiềng Đen, Chiềng Xôm, phường Chiềng Sinh - thành phố Sơn La; xã Chiềng Ban, Chiềng Mung - huyện Mai Sơn; xã Muổi Nọi - huyện Thuận Châu.

Khuyến khích các cơ sở chế biến, hộ gia đình đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn tăng cường thu mua, sơ chế cà phê quả tươi. Đẩy mạnh tuyên truyền gắn với xử lý vi phạm. Xây dựng kế hoạch sắp xếp các cơ sở chế biến, bố trí lịch thu hoạch, sản xuất chế biến cụ thể để tránh tập trung nước thải.

Ngày 3/8/2021, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Công văn số 2348/UBND-KT, nêu rõ 4 yêu cầu về bảo vệ môi trường trong hoạt động nông sản, chăn nuôi với các cơ sở, gồm: Các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất sơ chế, chế biến nông sản, chăn nuôi phải chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, đầu tư xây dựng công trình bảo vệ môi trường và các quy định pháp luật khác có liên quan. Nước thải, chất thải rắn từ hoạt động sản xuất, chăn nuôi phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

Các dự án sản xuất, chế biến nông sản, chăn nuôi đã được phê duyệt ĐTM thực hiện rà soát, trường hợp phải vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải; kiểm tra xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường thì phải thực hiện hoàn thành trước khi đi vào vận hành. Mọi hình thức xả thải từ hoạt động sản xuất, chế biến nông sản, chăn nuôi chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường mà xả trực tiếp ra ngoài môi trường là vi phạm pháp luật và phải bị xử lý nghiêm.

Về lâu dài, tỉnh Sơn La đang tập trung rà soát Quyết định số 2415/QĐ-UBND ngày 2/10/2018 của UBND tỉnh về phê duyệt Dự án Lập Phương án cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước sinh hoạt với Nhà máy cấp nước số 1, 2 thành phố Sơn La và Nhà máy cấp nước Mai Sơn. Đánh giá mặt được, chưa được, nút thắt trong tổ chức thực hiện, triển khai giải pháp tháo gỡ để thực hiện hiệu quả phương án bảo vệ nguồn nước sinh hoạt. Theo hướng mở rộng quy hoạch nguồn nước của thành phố từ hồ bản Mòng đến hồ Chiềng Dong - Mai Sơn.

Giao UBND thành phố tiếp tục phối hợp với các huyện lân cận đề xuất xây dựng các cụm công nghiệp, làng nghề có hệ thống xử lý môi trường tập trung để thu gom nông sản vào chế biến tập trung, đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường. Khuyến khích đầu tư tăng năng lực sơ chế, chế biến cà phê tương xứng với năng suất, sản lượng cà phê toàn tỉnh, mục tiêu đến năm 2025 năng lực sơ chế, chế biến cà phê tập trung gắn với đầu tư xử lý môi trường đạt tối thiểu 80% sản lượng cà phê quả tươi toàn tỉnh…

Nhã Thiên