Khi động vật hoang dã là... “thú cưng”

Môi trường - Ngày đăng : 11:46, 30/09/2021

(TN&MT) - Những năm gần đây, tại Việt Nam, nuôi động vật hoang dã (ĐVHD) làm thú cưng đang dần trở nên phổ biến, đặc biệt là trong giới trẻ. Trào lưu này đã được cảnh báo là gây ra nhiều rủi ro không chỉ cho động vật được nuôi, người nuôi mà còn đối với môi trường sinh thái.

Chuyện từ loài rùa…

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có đa dạng sinh học cao trên thế giới, trong đó có rùa cạn và rùa biển, tuy nhiên, nạn buôn bán, nuôi rùa làm thú cưng diễn ra nhức nhối từ nhiều năm nay.

Rùa được bán từ vài cá thể đến hàng trăm cá thể, tập trung ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Tam Đảo, trà trộn tại các khu vực buôn bán thực phẩm. Khi mua rùa làm thực phẩm/thuốc, khách hàng thường chú ý/ưu tiên các loài rùa có kích thước lớn. Đáng lưu ý, việc buôn bán rùa thuận tiện, phong phú hơn trên internet. Theo khảo sát của Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á (ATP), thị trường thú cảnh 12 tháng qua (9/2020 - 9/2021) có 1.912 cá thể bị rao bán trên online, tập trung vào các loài ở miền Nam như rùa ba gờ, rùa núi vàng, rùa hộp lưng đen... Các đối tượng tham gia các hội/nhóm kín, sử dụng thuật ngữ để tránh bị lọc theo từ khóa hoặc bị phát hiện vi phạm. Về phương tiện, xe khách là phương tiện vận chuyển thông dụng cho việc buôn bán động vật trái phép vì dễ che giấu và trà trộn với các hàng hóa khác.

Quảng cáo, buôn bán rùa trực tuyến

Việc buôn bán, nuôi nhốt rùa tiềm ẩn không ít rủi ro về sức khỏe, bệnh tật với người nuôi, nhất là trẻ em do có thể tiếp xúc với mầm bệnh trên cơ thể rùa qua việc cầm nắm, thậm chí ôm ấp, bỏ vào miệng. Ngoài ra, mầm bệnh truyền nhiễm do nhóm vi khuẩn Salmonella spp trên mai và da rùa có thể gây thương hàn, tiêu chảy, sốt…, thậm chí tử vong, như trường hợp ở Mỹ, một bé gái tử vong vì nhiễm Salmonella. Chưa kể, nhiều loài rùa khá hung dữ, có thể cắn người nuôi…

Về tác động tới quần thể loài và hệ sinh thái, việc buôn bán, nuôi rùa làm thú cưng có thể đẩy loài rùa đi vào con đường dẫn đến tuyệt chủng bởi một số loài khó tồn tại và sinh sản trong môi trường nuôi nhốt như rùa hộp trán vàng miền Nam. Một số loài đã trở thành ngoại lai xâm hại, nổi bật là rùa tai đỏ, vốn có nguồn gốc từ Mỹ, thích nghi nhiều nơi nên trở thành 1/100 loài xâm hại nguy hiểm trên thế giới, phát tán dịch bệnh cho các loài bản địa, tăng áp lực và khó khăn đối với công tác bảo vệ thiên nhiên và bảo tồn loài.

Hệ lụy khó lường

Không chỉ loài rùa trở thành “thú cưng”, một số loài ĐVHD khác cũng bị tách khỏi môi trường sống tự nhiên để làm vật nuôi trong nhà như khỉ, voọc, vượn, culi,…

Theo ông Nguyễn Tam Thanh - Tổ chức Động vật châu Á (AAF), việc nuôi nhốt ĐVHD đã khiến các loài này đối mặt với 4 vấn đề chính, đó là: bị tách khỏi môi trường tự nhiên; quá trình vận chuyển khiến động vật không được đảm bảo về sức khỏe, tâm lý; điều kiện nuôi nhốt không phù hợp; động vật có hành vi bất thường, căng thẳng.

Nuôi ĐVHD làm cảnh ảnh hưởng lớn tới đời sống tự nhiên của động vật và sức khỏe của chính con người.

Việc nuôi các ĐVHD này dù phục vụ sở thích cá nhân của một số người, song tiềm ẩn không ít nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người nuôi và cộng đồng xung quanh. Dẫn chứng cho vấn đề này, TS. Phạm Đức Phúc, Đại học Y tế công cộng khẳng định: “Tất cả ĐVHD đều có tác nhân gây bệnh, 60% bệnh truyền nhiễm trên người hiện nay có nguồn gốc từ động vật, 70% bệnh truyền nhiễm mới nổi cũng có nguồn gốc từ ĐVHD”.

“Đáng chú ý, ĐVHD có thể mang vi khuẩn và các gen như gen kháng kháng sinh do việc dùng kháng sinh bừa bãi trong chăn nuôi, thú y và cả cho con người, thậm chí dùng loại bị cấm. Khi ĐVHD như chuột, dơi vô tình bay khắp nơi vô tình mang chủng gen kháng thuốc thì con người bị nhiễm trùng không thể điều trị được. Hiện nay, mỗi năm, có khoảng 1 triệu người chết vì không có thuốc kháng sinh điều trị. Dự báo 2030 có 10 triệu người tử vong do không có thuốc kháng sinh điều trị” - TS. Phúc cảnh báo.

Hơn 70% bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi ở người có nguồn gốc từ động vật, đặc biệt là ĐVHD. Đại dịch Covid-19 với nguồn gốc được nghi ngờ lây nhiễm từ động vật sang người có thể là một hồi chuông cảnh tỉnh sâu sắc nhất.

Trước những mối nguy hại từ việc buôn bán, nuôi ĐVHD làm cảnh, bà Bùi Nga, Quản lý Chương trình ĐVHD, Traffic đề nghị, cần rà soát các loài hoang dã chưa được bảo vệ, nghiên cứu thực trạng để đưa vào các phụ lục IB, IIB (thuộc Danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm); rà soát cơ sở gây nuôi; phối hợp nâng cao năng lực thực thi cho các cơ quan bảo tồn loài; khảo sát thị trường để xác định điểm nóng và có can thiệp phù hợp; giám sát khu vực nhạy cảm (sân bay, bến xe, nhà hàng…); hợp tác quốc tế để giải quyết vấn nạn nhập khẩu ĐVHD làm thú cưng từ các quốc gia; đồng thời tích cực truyền thông thay đổi ý thức, hành vi.

Nhìn nhận ở góc độ phúc lợi động vật, ông Nguyễn Tam Thanh (AAF) cho rằng, con người đang hấp thụ toàn bộ thiên nhiên và quá tham lam trước các nhu cầu vô độ đối với ĐVHD khiến các bệnh truyền nhiễm dễ phát sinh. Trong bối cảnh Covid-19 hạn chế đi lại, con người cần đặt mình vào hoàn cảnh của các loài động vật khác để hiểu cảm xúc của động vật và quyết định nuôi động vật làm cảnh hay không.

Tống Minh