Biến đổi khí hậu là một “đại dịch” với tác động tàn khốc

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 11:44, 30/09/2021

(TN&MT) - “Bên cạnh những hậu quả thảm khốc về kinh tế, đại dịch Covid-19 còn làm gia tăng cuộc khủng hoảng an ninh và khí hậu ở khu vực Sahel”, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Niger, ông Hassoumi Massoudou cho biết trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) mới đây.

Ông Hassoumi Massoudou nhấn mạnh rằng, đất nước Niger và khu vực Sahel đang phải chịu hạn hán và lũ lụt thường xuyên, cũng như nạn châu chấu xâm nhập và hàng năm mất hàng nghìn ha đất nông nghiệp do suy thoái.

Dẫn lời Tổng thống Niger Mohamed Bazoum, ông Massoudou cho biết, để giành chiến thắng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, thế giới cần có thêm ý chí chính trị.

Ông Massoudou hy vọng Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) ở Glasgow (Anh) tới đây sẽ đóng vai trò như một khuôn khổ để tái khẳng định ý chí chính trị trong việc chống lại các tác động của biến đổi khí hậu, đồng thời ông chỉ rõ một số rào cản lớn, bao gồm tài chính và chuyển giao công nghệ cho các nước đang phát triển.

Khí hậu và xung đột

Với tư cách là thành viên không thường trực hiện tại của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Niger cho hay, Niger đang đồng chủ trì với một nhóm chuyên gia Ireland để thông qua 1 Nghị quyết liên quan đến khủng hoảng khí hậu.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Niger Hassoumi Massoudou phát biểu tại cuộc thảo luận chung của phiên họp thứ 76 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Ảnh LHQ/Cia Pak

Ông nói: “Chúng tôi chắc chắn rằng, sự mong manh liên quan đến biến đổi khí hậu là một nhân tố làm trầm trọng thêm các cuộc xung đột và khủng hoảng nhân đạo. Niger hiểu rõ mối tương quan này bởi Niger hiện đang chịu ảnh hưởng từ những “điểm nóng của sự bất ổn” và phải đối mặt với các cuộc tấn công khủng bố”.

Tuy nhiên, ông Massoudou cho rằng, mặc dù thiếu hụt tài nguyên, nhưng Niger đã thể hiện là một đất nước kiên cường bằng cách bảo vệ sự ổn định và toàn vẹn lãnh thổ của mình. “Điều này là do tầm nhìn xa của Chính phủ Niger, lòng dũng cảm và quyết tâm của lực lượng quốc phòng và an ninh cũng như sự hỗ trợ vô giá của các đối tác song phương như các tổ chức đa phương”, ông giải thích.

Sự trở lại của các cộng đồng đã di dời

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Niger cũng cho biết, như một phần của chương trình thử nghiệm vào tháng 6 năm ngoái, Niger đã có thể đưa gần 6.000 người trở về nhà của họ sau 6 năm di dời. “Chúng tôi cũng đặt mục tiêu sẽ đưa khoảng 130.000 người di tản từ Diffa đến bang Borno ở Nigeria”, ông nói.

Theo ông Massoudou, Chính phủ Niger vẫn tin rằng, chủ nghĩa khủng bố và tội phạm có tổ chức là hậu quả của những thách thức khác đang tồn tại và cần phải vượt qua, đặc biệt là nghèo đói và bất bình đẳng.

Ông nhấn mạnh: “Hành động quân sự sẽ cho phép chúng ta đánh bại chủ nghĩa khủng bố, đồng thời còn thể hiện khả năng của chúng ta trong việc thực hiện các chương trình phát triển và đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của người dân”.

Một bước ngoặt cho nền dân chủ

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Niger nói rằng, mặc dù năm 2021 tiếp tục chịu tác động lớn của đại dịch Covid-19, nhưng năm nay là một bước ngoặt đối với việc củng cố nền dân chủ ở đất nước của ông. Ông nói rõ: “Niger đã có thể thành công trong cuộc chuyển giao chính trị hòa bình đầu tiên từ Tổng thống được bầu này sang Tổng thống kế nhiệm khác”.

Cuối cùng, ông Massoudou kêu gọi cộng đồng quốc tế nhất trí quan điểm trong cuộc chiến chống lại Covid-19 để giải quyết những thách thức khác như biến đổi khí hậu - “một đại dịch khác với những tác động tàn khốc”.

“Tại Niger, chúng tôi tin rằng cam kết bảo vệ các lý tưởng của Hiến chương Liên Hợp Quốc và các giá trị hòa bình, đoàn kết được thể hiện, sẽ cho phép chúng tôi kiên cường trong cuộc chiến này để xây dựng một thế giới hòa bình, công lý và thịnh vượng”, ông Massoudou kết luận.

Mai Đan (Tổng hợp từ UN News)