Chính sách đất đai trong phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp: Góp phần sử dụng đất đai tiết kiệm, hiệu quả

Tổng kết Luật Đất đai 2013 - Ngày đăng : 11:43, 30/09/2021

(TN&MT) - Chính sách đất đai có vai trò quan trọng trong phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, là cầu nối kinh tế Việt Nam với kinh tế thế giới, thu hút thương mại, đầu tư, đẩy nhanh tiến trình hội nhập kinh tế, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng tăng trưởng, đảm bảo phát triển bền vững.

Trong những năm qua công tác quản lý đất đai có những tiến bộ đáng kể, trong đó quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất khu công nghiệp, khu kinh tế là một công cụ quan trọng, góp phần sử dụng đất đai tiết kiệm, hiệu quả và đảm bảo phát triển bền vững.

Nhiều hiệu quả

Năm 2020, cả nước có 381 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích quy hoạch là 114 nghìn ha, trong đó diện tích khu công nghiệp đã được giao đất và đưa vào sử dụng là 90,83 nghìn ha, chiếm 2,31% diện tích đất phi nông nghiệp, tăng 18,83 nghìn ha so với năm 2010.

Bên cạnh đó, cả nước hiện có 331 khu (4 khu chế xuất, 327 khu công nghiệp) đã đi vào hoạt động, chiếm gần 87% số khu đã thành lập; tỷ lệ lấp đầy bình quân đối với các khu đã đi vào hoạt động khoảng 75% (riêng khu chế xuất Linh Trung III thuộc tỉnh Tây Ninh và khu chế xuất Linh Trung II, khu chế xuất Linh Trung thuộc TP.HCM đều có tỷ lệ lấp đầy đạt 100%, còn khu chế xuất Tân Thuận có tỷ lệ lấp đầy đạt 81%).

Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất khu công nghiệp, khu kinh tế là công cụ quan trọng, góp phần sử dụng đất đai tiết kiệm, hiệu quả.

Các khu công nghiệp, khu chế xuất trong cả nước thu hút được khoảng 820 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký mới và điều chỉnh tăng vốn, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 14,7 tỷ USD; thu hút được 9.381 dự án FDI với tổng số vốn đầu tư đạt 191,6 tỷ USD; vốn đầu tư thực hiện đạt khoảng 60%.

Tuy nhiên, việc phát triển các khu công nghiệp trong thời gian qua vẫn còn những tồn tại, bất cập: quy hoạch khu công nghiệp chưa đảm bảo tiếp cận cảnh quan, hệ sinh thái, dựa trên nền tảng kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng công cộng vườn hoa, cây xanh, mặt nước, khoảng không, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đảm bảo sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường nhằm đảm bảo việc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế hài hòa và bền vững; Việc quy hoạch và phát triển các khu công nghiệp còn thiếu sự thống nhất trên quy mô liên vùng, liên tỉnh.

Đặc biệt, tỷ suất thu hút đầu tư trung bình của dự án đầu tư trong khu công nghiệp là 4,61 triệu USD/ha đất công nghiệp đã cho thuê, tương đối thấp, bên cạnh đó tình trạng dự án chậm triển khai, xin giao đất, cho thuê đất vượt quá nhu cầu còn khá phổ biến, làm ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư.

 Một số khu công nghiệp triển khai không đúng tiến độ nên diện tích đất sử dụng cho dự án chưa được khai thác; Việc bố trí đất đai cho các khu công nghiệp nhiều nơi còn chưa hợp lý và tiết kiệm; Công tác đền bù giải phóng mặt bằng ở một số khu công nghiệp còn khó khăn, ảnh hưởng tới tốc độ triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp và làm chậm tiến độ khai thác quỹ đất khu công nghiệp; nhu cầu về nhà ở của người lao động rất lớn và bức xúc; việc phát triển nhanh các khu công nghiệp trong thời gian qua đã tạo sức ép không nhỏ đối với môi trường, lượng thải và các chất gây ô nhiễm môi trường cũng gia tăng, gây tác hại đến sức khỏe người dân, ảnh hưởng xấu tới tăng trưởng bền vững của đất nước.

Ngoài ra, công tác tổ chức thực hiện và thanh tra, kiểm tra, giám sát triển khai quy hoạch phát triển khu công nghiệp cần tiếp tục được đẩy mạnh. Nhiều dự án chậm tiến độ, vi phạm pháp luật về đất đai chưa được rà soát, xử lý kịp thời, một số dự án chậm triển khai nhiều năm mà không bị thu hồi, chưa có hướng xử lý.

Đến năm 2030 sẽ có khoảng 205,79 nghìn ha đất khu công nghiệp

Thời kỳ 2021 - 2030, việc phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn cả nước được xem là mô hình, giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng tới công nghiệp hóa đất nước theo hướng hiện đại, hài hòa giữa các vùng miền, ngành, nghề; đảm bảo sự phát triển bền vững.

 

 Trong đó, đổi mới và đa dạng hóa các loại hình khu công nghiệp, khu kinh tế để thích ứng với yêu cầu trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế; đảm bảo sức hấp dẫn, cạnh tranh quốc tế trong thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, thuận lợi hóa thương mại, thu hút hợp tác đầu tư, trong đó lấy đổi mới mô hình phát triển, phương thức quản lý tiên tiến, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số làm nền tảng.

Việc quy hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng và thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp, khu kinh tế phải đảm bảo yêu cầu quản lý đồng bộ, thống nhất, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển; giữa thế hệ hôm nay và thế hệ mai sau; giữa các mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; đối tác hiệu quả giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; gắn kết chặt chẽ với đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn, an sinh xã hội và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động; thực hiện các cam kết quốc tế về kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế các-bon thấp; bảo đảm phát triển bền vững.

Công tác quản lý môi trường trong các khu công nghiệp, khu chế xuất được các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương và các chủ đầu tư hạ tầng quan tâm và có nhiều cải thiện đáng kể. Đến nay trong số 256 khu công nghiệp đã có nhà máy xử lý nước thải tập trung, chiếm 87% số khu công nghiệp đã đi vào hoạt động.

Đến năm 2030, diện tích đất khu công nghiệp sẽ có khoảng 205,79 nghìn ha (trong đó có khoảng 60% là đất trực tiếp sản xuất công nghiệp, còn 40% diện tích xây dựng cơ sở hạ tầng trong khu công nghiệp gồm: giao thông, điện, nước, khu xử lý chất thải, cây xanh,...), tăng 114,96 nghìn ha so với năm 2020 với 558 khu công nghiệp (kể cả 95 khu công nghiệp nằm trong các khu kinh tế ven biển và các khu kinh tế cửa khẩu).

Việc quy hoạch, bố trí diện tích quỹ đất các khu công nghiệp của cả nước như trên là tính tới lâu dài, tránh tốn kém kinh phí trong bồi thường, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư. Sau khi được Quốc hội quyết định, trong quá trình thực hiện, Chính phủ sẽ chủ động điều tiết, phân bổ chỉ tiêu cho các địa phương với các điều kiện và tiêu chí đã nêu, ưu tiên cho phép các địa phương mở rộng các khu công nghiệp khi đã thực hiện tỷ lệ lấp đầy đã đạt trên 60%.

Ngoài ra, đến năm 2030 cả nước còn 85 nghìn ha đất cụm công nghiệp do các địa phương thành lập (tăng thêm 29 nghìn ha so với năm 2020). Chỉ tiêu này sẽ được Chính phủ và UBND các cấp xét duyệt trong quy hoạch tỉnh và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các địa phương.

Theo báo cáo mới nhất (ngày 8/8/2019) của Ủy ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) thuộc Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, biến đổi khí hậu sẽ trở thành thảm họa đe dọa tới sự tồn tại, phát triển của nhân loại trên trái đất nếu ngay từ bây giờ không có các giải pháp ứng phó hiệu quả tới các hiện tượng suy kiệt nguồn nước ngầm, thay đổi lượng mưa, nhiệt độ tăng, và tần suất các hiện tượng cực đoan làm gia tăng sức ép lên hệ thống đất đai dẫn tới nguy cơ cao bị sụt lún, sạt lở đất, hoang mạc hóa, xâm nhập mặn và suy thoái đất.

Bối cảnh quốc tế và trong nước đã có những sự tác động không nhỏ đến việc định hướng phát triển khu công nghiệp. Việc tham gia Tổ chức thương mại thế giới (WTO), các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới đòi hỏi Việt Nam cần phải hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật. Phải xây dựng được các chính sách ưu đãi đặc biệt để đảm bảo thu hút đầu tư phát triển khu công nghiệp một cách hiệu quả nhưng vẫn không trái với các cam kết với WTO và FTA. Phát triển kinh tế phải song hành với ổn định chính trị xã hội và bảo vệ môi trường. Phát triển các khu công nghiệp trở thành vùng động lực phát triển của các vùng kinh tế trọng điểm, bên cạnh định hướng thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông thôn, phải song song với quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, nhằm mục tiêu phát triển bền vững.

PGS.TS.  Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sá