Phòng, chống dịch Covid-19 và khôi phục sản xuất: Phải thích ứng linh hoạt, an toàn.

Xã hội - Ngày đăng : 20:09, 29/09/2021

(TN&MT) - Đó là quan điểm đã được Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia và các địa phương thống nhất trong các cuộc họp tổng kết rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống dịch thời gian qua, đồng thời triển khai thực hiện nhiệm vụ nhiệm vụ phòng, chống dịch và khôi phục sản xuất trong thời gian tới.

Khôi phục sản xuất phải thích ứng linh hoạt, an toàn.

Bài học kinh nghiệm từ công tác phòng, chống dịch

Từ thực tiễn chuyển biến, điều chỉnh kịp thời của Kiên Giang, Hà Nam; từ hiệu quả chống dịch thành công của Đà Nẵng và công tác phòng, chống dịch tại các địa phương cũng như yêu cầu đặt ra trong tình hình mới, Thủ tướng nhấn mạnh: Phải thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh một cách hiệu quả thay vì khoanh vùng rộng, kéo dài mà không dập được dịch; không lập rào cản một cách máy móc; không để đại dịch “kìm chân” nhưng mở cửa phải an toàn.

Theo Thủ tướng, vừa qua, tại Hà Nam, ca bệnh đầu tiên phát hiện là người đã cách ly 14 ngày. Lý do do biến chủng Delta có đặc điểm sinh học rất khác biệt so với các biến chủng trước đó, lây nhanh, kéo dài (18 ngày thay vì 13 ngày như chủng trước), nồng độ virus đậm đặc, tải lượng virus cao hơn 1.000 lần so với chủng cũ, người mắc bệnh ít có triệu chứng nhưng chuyển bệnh nhanh. Do đó, với chủng cũ, chúng ta áp dụng cách ly 14 ngày, nhưng với chủng mới, phải cách ly ít nhất 19 ngày.

Đối với các địa phương chưa có dịch hoặc mới kiểm soát được tình hình, Thủ tướng lưu ý, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Đồng thời, hết sức tránh khuynh hướng khi có dịch lại hoảng hốt, mất bình tĩnh, thực hiện các biện pháp cực đoan.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải tập trung, thống nhất; kiên trì thực hiện nhất quán các nguyên tắc cơ bản, các biện pháp phòng, chống dịch đã được đúc rút; Tổ chức thực hiện linh hoạt phù hợp với từng địa bàn, từng cấp, từng đối tượng; kết hợp hài hòa giữa cái chung và cái riêng, giữa tổng thể và cụ thể, giữa bao quát và đặc thù.

Về vấn đề xét nghiệm, Theo Thủ tướng, phải xét nghiệm tầm soát thần tốc và chi tiết tại các địa bàn có nguy cơ cao theo hướng dẫn của Bộ Y tế; từ đó khoanh vùng, dập dịch ở phạm vi nhỏ nhất có thể. Tinh thần là phòng dịch tốt thì không phải chống dịch, một đồng phòng dịch hiệu quả thì không mất hàng triệu đồng chống dịch và nhiều mất mát khác, nhất là về tinh thần, sức khỏe, tính mạng người dân.

Bên cạnh đó, trong việc phân cấp tổ chức thực hiện xuống tận cơ sở, lấy xã phường là pháo đài, người dân là chiến sĩ, ý thức của người dân là hết sức quan trọng. Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của người dân, tích cực tham gia thực hiện các biện pháp phòng chống dịch vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ, vừa là trách nhiệm của mỗi người dân.

Công tác phòng dịch luôn được các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT chú trọng

“Không phải cứ lập rào cản là chống được dịch”

Theo Thủ tướng, lập rào cản mà người dân không có ý thức thì lực lượng chức năng có duy trì chốt gác 24/24 giờ không? Có thể làm được cả tuần, cả tháng, cả năm không? Vì thế, phải tăng cường tuyên truyền, vận động để nâng cao ý thức người dân, để “dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo, dân làm”; phải làm sao để người dân hiểu rằng dịch bệnh rất nguy hiểm, diễn biến nhanh; kiên quyết biện pháp phòng dịch hơn chống dịch, phòng dịch tốt thì tránh được lây nhiễm; nếu thực hiện các biện pháp y tế tốt, bảo đảm y tế từ sớm, từ xa, từ cơ sở thì sẽ giảm bớt các ca nặng và hạn chế được tử vong.

Thủ tướng nhắc lại và tiếp tục nhấn mạnh các nguyên tắc cơ bản để thích ứng với tình hình mới: Y tế là trụ cột, là trung tâm; kinh tế là cơ sở, là nền tảng; dữ liệu khoa học, công nghệ là then chốt; bảo đảm an sinh, ổn định chính trị - xã hội là trọng yếu và thường xuyên; ý thức người dân, vắc-xin, thuốc chữa bệnh là điều kiện tiên quyết; tranh thủ tối đa, coi việc thích ứng với dịch Covid-19 là động lực để phấn đấu vươn lên và thay đổi, thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao năng lực cấp cơ sở…

Trên nguyên tắc y tế là trụ cột, là trung tâm, Thủ tướng yêu cầu  Bộ Y tế phải xây dựng kế hoạch chủ động về vắc-xin, thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế cho năm 2022; tích cực tuyên truyền cho dân hiểu “vắc-xin tốt nhất là vắc-xin được tiêm sớm nhất”, không phân biệt các loại vắc-xin; sử dụng vắc-xin an toàn, hiệu quả, khoa học, tập trung cho đối tượng ưu tiên. Thủ tướng nhấn mạnh, vắc-xin là một trong các giải pháp tối ưu để chúng ta có thể xóa bỏ rào cản một cách hiệu quả ở cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Một trong những vấn đề quan trọng đặt ra đó là thích ứng dạy và học trong tình hình mới. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương căn cứ tình hình thực tiễn, những nơi đã an toàn thì cho học sinh đi học bình thường, đặc biệt lưu ý nhà trường và thầy cô theo sát, hướng dẫn học sinh thực hiện nghiêm các biện pháp 5K, bố trí giờ học theo hướng tăng ca, giảm mật độ học sinh trong lớp; Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương thực hiện chương trình “Sóng và máy tính cho em” để bàn giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo; nhanh chóng hoàn thành việc thống nhất các ứng dụng phòng, chống dịch để thuận tiện nhất cho người dân và có giải pháp cả cho những người không có điện thoại thông minh.

Về tình hình, nhiệm vụ sản xuất thời gian tới, Thủ tướng đề nghị tất cả các địa phương phải thành lập ngay Tổ công tác phục hồi sản xuất do Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách; Địa phương nào an toàn, đã kiểm soát được dịch bệnh thì phải vừa tiếp tục kiểm soát an toàn, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở các nguyên lý chung, đánh giá tình hình thực tế, phát huy tính năng động, sáng tạo và dựa vào kinh nghiệm có được trong thời gian qua; đặc biệt, tránh tình trạng mở cửa rồi lại đóng cửa ngay vì tái dịch.

 

 

Trí Việt