Nỗi lo từ rác thải thực phẩm
Thế giới - Ngày đăng : 18:10, 29/09/2021
Rác thải thực phẩm ở chợ Lira ở Uganda là một thách thức lớn đối với nông dân và người bán hàng. Ảnh: FAO/Sumy Sadurni |
Lời kêu gọi được đưa ra khi Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) cho biết, 17% thực phẩm cung cấp cho người tiêu dùng vào năm 2019 đã bị vứt bỏ. Trước Ngày Quốc tế Nhận thức về Thất thoát và Lãng phí Thực phẩm vào ngày 29/9, FAO cho biết, hiện, 132 triệu người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực và dinh dưỡng vì đại dịch COVID-19.
Lãng phí lớn
Theo bà Nancy Aburto, Phó Giám đốc phụ trách Phát triển kinh tế và Xã hội của Bộ phận Lương thực và Dinh dưỡng thuộc FAO, lãng phí thực phẩm là vấn đề toàn cầu và không chỉ giới hạn ở các quốc gia giàu có.
“Tình trạng mất an ninh lương thực, nạn đói và suy dinh dưỡng đang ảnh hưởng đến mọi quốc gia trên thế giới và không quốc gia nào là không bị ảnh hưởng; 811 triệu người bị đói, hai tỷ người bị thiếu vi chất dinh dưỡng - tức là thiếu vitamin và khoáng chất - và hàng triệu trẻ em bị còi cọc và gầy còm, các dạng thiếu dinh dưỡng gây chết người” - bà Aburto nhấn mạnh.
Bà Aburto cảnh báo, chi phí cao của các chế độ ăn uống “lành mạnh” khiến các chế độ ăn này “nằm ngoài tầm với” của mọi khu vực trên thế giới, bao gồm cả châu Âu.
Bà Aburto cũng cho rằng, cần có nhiều quốc gia áp dụng đổi mới để giảm lãng phí, chẳng hạn như bao bì mới có thể kéo dài thời hạn sử dụng của nhiều loại thực phẩm, trong khi các ứng dụng điện thoại thông minh có thể đưa người tiêu dùng đến gần hơn với nhà sản xuất, giảm thời gian giữa thu hoạch và chế biến.
Những hệ lụy
Giảm thất thoát và lãng phí thực phẩm sẽ cải thiện hệ thống nông sản thực phẩm và giúp đạt được an ninh lương thực, an toàn thực phẩm và chất lượng thực phẩm, đồng thời, mang lại hiệu quả dinh dưỡng.
Theo FAO, việc giảm thất thoát và lãng phí thực phẩm cũng sẽ đóng góp đáng kể vào việc giảm phát thải khí nhà kính, cũng như giảm áp lực lên tài nguyên đất và nước.
Chỉ còn chưa đầy 9 năm nữa để đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) 12 về đảm bảo tiêu dùng bền vững và mục tiêu 12,3 về giảm 50% chất thải thực phẩm bình quân đầu người trên toàn cầu ở cấp độ bán lẻ và tiêu dùng, do đó, cần phải đẩy nhanh hành động, đến hạn chót năm 2030.
Tuy vậy, điều này đòi hỏi các chính quyền quốc gia và địa phương cùng với các doanh nghiệp và cá nhân phải ưu tiên hành động, đồng thời nỗ lực khôi phục và cải thiện hệ thống nông sản thực phẩm.
Lãng phí thực phẩm trong ngành trái cây và rau quả
Chỉ còn ba tháng nữa, trong Năm Quốc tế về rau và trái cây 2021, FAO nhấn mạnh về các sản phẩm cung cấp dinh dưỡng cho con người và an ninh lương thực, đồng thời cần nỗ lực để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Theo Tổng Giám đốc FAO QU Dongyu, trong cuộc khủng hoảng sức khỏe hiện nay mà chúng ta đang phải đối mặt trên toàn thế giới, việc thiết lập chế độ ăn uống lành mạnh để tăng cường hệ thống miễn dịch của chúng ta là rất phù hợp.
Ông cho rằng, sự thất thoát và lãng phí thực phẩm trong ngành trái cây và rau quả vẫn là một vấn đề với những hậu quả rất lớn. Các công nghệ và phương pháp tiếp cận đổi mới rất quan trọng vì chúng có thể giúp duy trì chất lượng và an toàn, tăng thời hạn sử dụng của các sản phẩm tươi sống và bảo tồn giá trị dinh dưỡng cao của chúng.