Thanh Hóa kiên quyết thu hồi nhiều dự án chậm tiến độ: Bài 2: “Tối hậu thư” cho những dự án rùa bò
Đất đai - Ngày đăng : 16:35, 28/09/2021
Nhiều dự án chậm tiến độ
Trong số 77 dự án vi phạm có 05 dự án đã được UBND tỉnh cho gia hạn tiến độ đầu tư 24 tháng, hết thời gia gia hạn nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành như Dự án Nhà máy liên hiệp chế biến gỗ xuất khẩu rừng Toàn Cầu tại xã Trung Hạ, huyện Quan Sơn của Công ty cổ phần đầu tư phát triển rừng Bền Vững Toàn Cầu; Dự án Showroom trưng bày, giới thiệu sản phẩm ô tô tại xã Quảng Tân, Quảng Xương của Công ty CP Mai Linh Đông Đô; Dự án Kinh doanh dịch vụ thương mại, khách sạn tại phường Quảng Hưng, TP. Thanh Hóa của Công ty cổ phần Thảo Trung; Trung tâm giới thiệu sản phẩm, dịch vụ bảo hành sửa chữa ô tô, xe máy P. Đông Vệ, TP. Thanh Hóa của Công ty TNHH Tân Hoàng Minh…
Có 20 dự án vi phạm hành chính về đất đai, xây dựng đã được Đoàn thanh tra xử lý vi phạm hoặc kiến nghị UBND cấp huyện, cấp xã xử lý theo quy định. Có 33/231 dự án được thanh tra được UBND tỉnh, Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN cho giãn tiến độ, điều chỉnh thời gian đầu tư.
Hàng chục hec-ta đất Nhà máy xi măng Thanh Sơn tại xã Thúy Sơn, huyện Ngọc Lặc bỏ hoang, trong khi người dân không có đất sản xuất |
Có 02 trường hợp đã được gia hạn sử dụng đất 24 tháng, đã đầu tư xây dựng các công trình, còn một số hạng mục chưa hoàn thiện (Nhà máy liên hiệp chế biến gỗ xuất khẩu rừng Toàn Cầu tại xã Trung Hạ, huyện Quan Sơn của Công ty cổ phần đầu tư phát triển rừng bền vững Toàn Cầu; Trung tâm giới thiệu sản phẩm, dịch vụ bảo hành sửa chữa ô tô, xe máy tại phường Đông Vệ, TP. Thanh Hóa của Công ty TNHH Tân Hoàng Minh): Đây là trường hợp đủ điều kiện thu hồi đất theo quy định tại điểm i, khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai 2013 (thu hồi không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất). Tuy nhiên, do thực tế các doanh nghiệp đã đầu tư nhiều hạng mục công trình với số vốn lớn; do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên ảnh hưởng đến việc đầu tư xây dựng. Căn cứ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 15 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ, dịch bệnh thuộc trường hợp bất khả kháng. Đề nghị UBND tỉnh xem xét chưa thu hồi đất, chỉ đạo chủ đầu tư có văn bản báo cáo UBND tỉnh đề xuất gia hạn thêm thời gian và cam kết hoàn thành công trình còn lại của dự án; UBND tỉnh chỉ đạo các ngành xem xét tham mưu trường hợp bất khả kháng quyết định cho gia hạn thêm thời gian sử dụng đất để đầu tư hoàn chỉnh dự án đối với 02 dự án nêu trên.
Đặc biệt, dự án Nhà máy xi măng Thanh Sơn tại xã Thúy Sơn, huyện Ngọc Lặc của Công ty cổ phần Xi măng Thanh Sơn đã được UBND tỉnh đồng ý cho gia hạn thời gian thực hiện đầu tư dự án thêm 24 tháng tại Công văn số 9083/UBND-NN ngày 09/8/2015. Thời gian gia hạn tiến độ đầu tư được tính từ ngày 01/7/2014 đến ngày 01/7/2016 (áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 100 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ). Tuy nhiên, thời gian thực tế gia hạn cho Công ty tính từ khi có văn bản gia hạn số 9083/UBND- NN ngày 9/8/2015 của UBND tỉnh Thanh Hóa đến ngày 01/7/2016 là 10 tháng 22 ngày, chưa đủ 24 tháng theo quy định.
Mặt khác, ngày 03/4/2013, Thủ tướng Chính phủ có Văn bản số 485/TTg-KTN giãn tiến độ dự án Nhà máy xi măng Thanh Sơn sang giai đoạn sau năm 2015; tiếp đó ngày 28/8/2014, Thủ tướng Chính phủ có Văn bản số 1592/TTg-KTN đồng ý điều chỉnh tiến độ một số dự án nhà máy xi măng trong quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, trong đó: hoãn triển khai dự án Xi măng Thanh Sơn. Do đó, chưa đủ cơ sở để xác định dự án chậm tiến độ phải gia hạn tiến độ sử dụng đất thực hiện dự án 24 tháng theo quy định; chưa đủ cơ sở để thu hồi đất đối với dự án Nhà máy xi măng Thanh Sơn.
Đối với 71 trường hợp chậm tiến độ đầu tư quá 24 tháng, hoặc không sử dụng quá 12 tháng thì việc gia hạn tiến độ sử dụng đất là quyền của chủ đầu tư khi đất không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng theo quy định tại điểm i, khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai 2013; khoản 12 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ. Trong thời gian gia hạn, chủ đầu tư phải nộp khoản tiền tương ứng với tiền thuê đất và hết thời gian gia hạn, chủ đầu tư không hoàn thành dự án sẽ bị thu hồi đất mà không được bồi thường về đất, chi phí đầu tư vào đất theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017. Do đó việc gia hạn cho doanh nghiệp khi có văn bản đề nghị là quy trình bắt buộc, là cơ sở pháp lý để thu hồi đất.
Cần có giải pháp “căn cơ”
Từ kết quả thanh tra và căn cứ pháp lý nêu trên, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất UBND tỉnh quyết định xem xét, xử lý đối với 71 dự án chậm tiến độ đầu tư 24 tháng, gồm: có 04/71 dự án chậm tiến độ nhưng không thuộc trường hợp phải gia hạn 24 tháng; 67/71 dự án chậm tiến độ quá 24 tháng hoặc không sử dụng đất 12 tháng liên tục thuộc trường hợp gia hạn tiến độ 24 tháng. Trong đó đến nay UBND tỉnh đã quyết định cho gia hạn đối với 08/67 dự án (07 dự án thuộc khu kinh tế Nghi Sơn và 01 dự án tại thị xã Bỉm Sơn); còn lại 59/67 dự án đề nghị UBND tỉnh tiếp tục cho gia hạn.
Chủ đầu tư các dự án nêu trên phải nộp bổ sung khoản tiền trong thời gian chậm tiến độ hoặc không đưa đất vào sử dụng theo quy định tại khoản 2, Điều 1 Thông tư 332/TT-BTC ngày 26/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 76/2014/TT-BTC ngày 16/6/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất (đối với trường hợp giao đất có thu tiền); khoản 4, Điều 2 Thông tư 333/TT-BTC ngày 26/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 77/2014/TT- BTC ngày 16/6/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước (đối với trường hợp thuê đất).
Đối với 46 trường hợp chậm tiến độ đầu tư nhưng chưa quá 24 tháng chưa thuộc trường hợp vi phạm pháp luật đất đai quy định tại điểm i, khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai thì yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương đầu tư các hạng mục công trình theo Mặt bằng quy hoạch chi tiết xây dựng; tập trung nguồn lực đầu tư sớm hoàn thành dự án, đưa vào sử dụng; chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư xây dựng, bảo vệ môi trường.
Trao đổi với Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: Sau khi UBND tỉnh Thanh Hóa nhận được Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, tỉnh sẽ rà soát lại các dự án, những dự án nào đủ điều kiện sẽ cho gia hạn, nhưng trong thời gia hạn, doanh nghiệp phải nộp bổ sung khoản tiền trong thời gian chậm tiến độ hoặc không đưa đất vào sử dụng. Hết thời gian gia hạn mà các doanh nghiệp vẫn không thực hiện dự án tỉnh sẽ cương quyết cương quyết thu hồi đất./.
Các dự án nếu không hoàn thành sẽ chậm tiến độ 24 tháng trong năm 2021 và quý I/2022: Sở đã kiến nghị UBND tỉnh giao UBND các huyện, thị xã, thành phố nơi có dự án chủ động theo dõi, tổ chức kiểm tra, thanh tra để xác định hành vi vi phạm theo quy định tại khoản 44, Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 (sửa đổi, bổ sung điểm a, khoản 1 Điều 66 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP) tham mưu, báo cáo UBND tỉnh. Tuy nhiên, tại Thông báo số 218/TB-UBND ngày 30/8/2021, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục theo dõi, thanh tra, kiểm tra.