Petrovietnam: Quyết liệt gỡ khó bằng trí tuệ và tinh thần của người Dầu khí

Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 11:13, 28/09/2021

(TN&MT) - Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 như trận cuồng phong khiến nhiều doanh nghiệp dầu khí trên thế giới gục ngã hoặc hoạt động cầm chừng… Thế nhưng bằng trí tuệ và tinh thần của người Dầu khí, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị thành viên đã chủ động lựa chọn cho mình một giải pháp hữu hiệu: “Quản trị biến động, tối ưu giá trị, đẩy mạnh tiêu thụ, nỗ lực vượt khó, nắm bắt cơ hội, an toàn về đích” để vững vàng tiến về phía trước.

Khó khăn tứ bề

Từ đầu năm 2021 đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhu cầu huy động khí cho phát điện ở mức thấp so với kế hoạch và cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực Đông Nam Bộ đạt 87,5%; Tây Nam Bộ đạt 72,7% kế hoạch huy động khí cho sản xuất điện. Tình hình trầm trọng hơn trong đợt bùng phát dịch ở nước ta từ cuối tháng 4/2021, với chính sách giãn cách xã hội trên diện rộng, kéo dài, đặc biệt tại các tỉnh thành phía Nam. Đến tháng 7, tháng 8, mức độ tác động của dịch bệnh đến tiêu thụ khí cho thấy càng mạnh mẽ hơn. Dự báo trong những tháng cuối năm 2021, dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, việc trở lại hoạt động bình thường khó khả thi; đồng thời nhu cầu khí tiếp tục ở mức thấp, đặc biệt từ tháng 9, 10/2021 khi sức chịu đựng của nhiều doanh nghiệp tới hạn sau một thời gian dài chống đỡ với dịch Covid-19.

 

Cùng với việc giảm huy động khí cho phát điện thì tồn kho sản phẩm cao dẫn đến các nhà máy lọc dầu đã phải giảm công suất, nguy cơ dừng sản xuất trong thời gian tới là rất lớn, cụ thể: sản lượng khí khô cung ứng và tiêu thụ 8 tháng đầu năm 2021 giảm 15% so với cùng kỳ năm 2020; kinh doanh xăng dầu và các sản phẩm hóa chất, phân bón đều giảm mạnh so với cùng kỳ; tồn kho xăng dầu của các Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn tăng cao dẫn đến phải giảm công suất xuống mức tối thiểu và đứng trước nguy cơ phải dừng hoạt động, một điều mà từ khi đi vào sản xuất đến nay chưa nghề nghĩ tới… Trên các công trình dầu khí cũng đối mặt với nhiều khó khăn do việc nhập cảnh chuyên gia nước ngoài vào các nhà máy, công trình dầu khí gặp nhiều khó khăn làm ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm như Sông Hậu 1, Thái Bình 2... và tiến độ bảo dưỡng tổng thể, sửa chữa tại một số nhà máy, công trình tại các đơn vị thành viên.

Và không chỉ khó khăn từ dịch bệnh Covid-19, Petrovietnam còn gặp phải những vướng mắc không nhỏ do cơ chế, chính sách chưa được điều chỉnh kịp thời như Luật Dầu khí, cơ chế đầu tư cho lĩnh vực E&P,… Cùng với việc phải đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động, duy trì ổn định hoạt động SXKD, Petrovietnam còn phải chịu áp lực hết sức nặng nề đối với các chỉ tiêu, nhiệm vụ mới được giao.

Đưa ra từng quyết sách

Những khó khăn đó có làm nao núng tính thần người Dầu khí không? Chắc chắn là không! Bởi trong những lúc căng thẳng cam go nhất, người Dầu khí bình tĩnh xem xét thấu đáo cặn kẽ các vấn đề và đưa ra từng quyết sách.

Những cuộc giao ban hàng tuần ngay tại công trình để kịp thời giải quyết các nút thắt, điểm nghẽn làm cho các công trình như Nhiệt điện Sông Hậu 1, Nhiệt điện Thái bình 2… nóng lên từng ngày. Nhiều cuộc họp chuyên đề, cập nhật tình hình diễn biến dịch bệnh Covid-19, diễn biến thị trường ảnh hưởng đến hoạt động của Tập đoàn… đến những yêu cầu gắt gao trong việc thực hiện nghiêm túc các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 các cấp, ngành, địa phương… Với 53 thông báo, 43 chỉ thị, văn bản chỉ đạo các đơn vị thành viên theo từng lĩnh vực, khối theo chuỗi giá trị được Tập đoàn ban hành với mục tiêu “Đảm bảo sức khỏe cho người lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh đầu tư tiếp tục duy trì ổn định, an toàn, tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm thông suốt”.

Bài toán giải quyết tiêu thụ cho các sản phẩm sau dầu khí được Tập đoàn triển khai mạnh mẽ. Chuỗi liên kết giá trị (chuỗi) tại Petrovietnam đang được các đơn vị triển khai và nghiên cứu thực hiện. Có 6 chuỗi đã, đang thực hiện, các chuỗi khác đã được các đơn vị ký kết hợp tác và đang được nghiên cứu triển khai và xem xét cơ hội. Bên cạnh đó, các đơn vị đang tích cực đề xuất xây dựng, tham gia các chuỗi, như PV GAS, BSR, PV OIL, PTSC, PVChem...  Một số chuỗi liên kết đã đi vào hoạt động như: Hợp tác sản xuất thành phẩm xăng nền, DO; Hợp đồng cung cấp tàu và dịch vụ vận hành kho nổi chứa LPG lạnh tại khu vực phía Bắc; Cung cấp dầu thô cho BSR; Nhập khẩu dầu thô cho BSR; Hợp đồng thuê sức chứa và dịch vụ tiếp nhận bơm rót, bảo quản hàng hóa tại một số tổng kho đầu nguồn lớn của PV OIL...  Các đơn vị trong các khối đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, tạo ra chuỗi liên kết giá trị, thường xuyên chia sẻ thông tin để cân đối giữa sản xuất - tồn kho - phân phối sản phẩm.

Đặc biệt, khối Lọc hóa dầu - Phân phối sản phẩm xăng dầu phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, thời gian qua đã có những biện pháp triển khai tích cực, hiệu quả giữa các đơn vị. BSR đã tổ chức sản xuất kinh doanh tiêu thụ sản phẩm trong bối cảnh cực khó khăn, có giải pháp sáng tạo. PVOIL đã bám sát hệ thống khách hàng, tận dụng sức chứa các kho chứa, kịp thời hỗ trợ 2 đơn vị BSR và PVNDB trong việc tồn trữ sản phẩm trong lúc cầu thị trường xuống thấp, đảm bảo an toàn cho hoạt động của 2 nhà máy lọc dầu... Đến thời điểm này, điều đáng mừng nhất là người lao động dầu khí ở các công trình, dự án, nhà máy được an toàn trước đại địch Covid-19, gần 90% người lao động trên các công trình, dự án được tiêm vắc-xin mũi 1.

 

Về đích an toàn

Sự quyết liệt của Ban lãnh đạo và người đứng đầu Tập đoàn đã tạo chuyển động vững chắc cho các đơn vị thành viên trước sự khốc liệt của đại dịch Covid-19 và của cơ chế thị trường… Thật mừng khi kết quả 8 tháng năm 2021, các chỉ tiêu SXKD của Petrovietnam đều đạt kế hoạch đề ra, khai thác dầu thô vượt 12,7% so với kế hoạch 8 tháng; sản xuất các sản phẩm như đạm, xăng dầu, LPG… đều vượt từ 2 - 11%. Các chỉ tiêu tài chính của Petrovietnam đều vượt và tăng trưởng so với cùng kỳ. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn 8 tháng đạt hơn 390,7 nghìn tỷ đồng, vượt 17% so với kế hoạch 8 tháng, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2020. Nộp NSNN toàn Tập đoàn 8 tháng đạt 56,9 nghìn tỷ đồng, vượt 38% so với kế hoạch 8 tháng, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt, Petrovietnam đã tham gia ủng hộ công tác phòng chống Covid-19 tổng số tiền là 733,8 tỷ đồng, trong đó đóng góp Quỹ vắc-xin 554,9 tỷ đồng.

Mới thấy rằng, càng áp lực khó khăn, những người chèo lái một tập đoàn lớn như Petrovietnam càng phải bản lĩnh và trí tuệ. Bản lĩnh và trí tuệ để không bị cuốn vào vòng xoáy của cuồng phong đại dịch Covid-19 và đồng thời có những phán quyết thông minh trong điều hành sản xuất kinh doanh.

Khó khăn không hề nhỏ. Thách thức đâu có ít. Nhưng những chỉ đạo từ Tập đoàn xuống các đơn vị thành viên đều nhất nhất tuân thủ như mệnh lệnh tác chiến. Gỡ từng nút thắt, điểm nghẽn trên các công trình, dự án đến thực hiện chuỗi liên kết giá trị để hướng các đơn vị thành viên biết vì nhau, cùng nhau tiếp tục giữ vững vị thế, vai trò của Tập đoàn kinh tế Nhà nước. Nhưng trên hết là sự đi lên bền vững của Tập đoàn lớn đảm trách nhiệm vụ trước đất nước: Trụ cột kinh tế, an ninh năng lượng, an ninh quốc phòng và hơn cả là biết chăm lo cho người lao động, vì lợi ích chung của đất nước!

Petrovietnam có 48 nhóm việc đang kiến nghị cần được Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan tháo gỡ.

Thương Trịnh