Bảo hiểm thất nghiệp chia sẻ gánh nặng với người lao động mất việc do Covid-19
Kinh tế - Ngày đăng : 11:13, 28/09/2021
Phát huy hiệu quả vai trò đảm bảo an sinh xã hội
Báo cáo từ BHXH Việt Nam cho thấy, tính đến ngày 17/9, cơ quan này đã xác nhận danh sách cho trên 1,2 triệu lao động của 38.242 đơn vị sử dụng lao động tại 62/63 tỉnh, thành phố để hưởng các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ.
Trong đó, có 945.559 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương của 35.045 đơn vị và 152.817 lao động ngừng việc để nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/người của 2.136 đơn vị, 1.293 lao động được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm của 14 đơn vị.
Bên cạnh đó, có 53.745 lao động ngừng việc do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 của 690 đơn vị, được người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc; 21.589 NLĐ được người sử dụng lao động đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất…
BHXH Việt Nam cũng tiếp nhận hồ sơ và giải quyết cho 552 đơn vị với 97.840 lao động tạm dừng đóng vào Quỹ Hưu trí và tử tuất với số tiền 674 tỷ đồng tại 51/63 tỉnh, thành phố.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, chưa thể dự báo thời điểm kết thúc, thị trường lao động từ nay đến cuối năm diễn ra theo kịch bản rất khó nhận định. Những số liệu thống kê về tình hình việc làm, thất nghiệp thời gian qua có thể thấy rõ tác động của dịch bệnh đến thị trường lao động. Trước tình hình đó, chính sách BHXH và chính sách BHTN đã phát huy hiệu quả trong việc đảm bảo an sinh xã hội, giúp NLĐ ổn định cuộc sống, thực sự trở thành “chỗ dựa” cho NLĐ, giúp họ có nguồn tài chính vượt qua khó khăn.
Chính sách BHXH và chính sách BHTN đã phát huy hiệu quả trong việc đảm bảo an sinh xã hội. Ảnh minh họa |
Hỗ trợ an sinh tận dụng nền tảng công nghệ số
Ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TP.HCM cho biết, thời gian qua, BHXH thành phố đã phối hợp với cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) xác nhận cho 112.000 lao động nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, không đủ điều kiện hưởng BHTN để được nhận hỗ trợ từ 1.800.000 đồng đến 3.710.000 đồng.
“Chính từ chính sách hỗ trợ nêu trên đã giúp cho doanh nghiệp và NLĐ bớt phần khó khăn để vươn lên”, ông Mến nói.
Chị Nguyễn Thị Thùy Anh (sinh năm 1984, công nhân may tại Công ty ở quận Bình Tân, TP.HCM) cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, từ tháng 5/2021 công ty đóng cửa, các công nhân đều mất việc, chị đến Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM để làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp. Với thời gian tham gia BHTN hơn 7 năm, chị sẽ được hưởng một khoản tiền trợ cấp tương đối khá.
“Trong giai đoạn khó khăn này, có được số tiền mỗi tháng nó rất có ý nghĩa và quan trọng, như phao cứu sinh cho cả nhà tôi vậy. Không ngờ dịch bệnh kéo dài như hiện nay, nếu không có khoản tiền trợ cấp thất nghiệp không biết cả gia đình bốn người nhà tôi phải sống sao nữa", chị Thùy Anh tâm sự.
Cũng giống như chị Thùy Anh, anh Trần Đức Thuận, sinh năm 1990 (tỉnh Hậu Giang, làm việc tại TP.HCM), sau 6 năm làm việc, đến tháng 3/2021, công ty cắt giảm nhân viên nên anh Thuận trở về địa phương. Trong thời gian làm việc tại công ty, anh Thuận được công ty đóng BHTN đầy đủ, nên nghỉ việc anh đã làm đơn để hưởng trợ cấp thất nghiệp, với số tiền 7,3 triệu đồng/tháng, thời gian hưởng là 6 tháng.
Anh Thuận cho hay: “Với số tiền được trợ cấp, cùng tiền tích cóp được, gia đình tôi đã vượt qua được những khó khăn do dịch Covid-19. Hết dịch, tôi xin việc để làm gần nhà cho tiện”.
Để phát huy hơn nữa hiệu quả và tính ưu việt của chính sách BHXH, BHTN, thời gian tới, với vai trò là cơ quan tổ chức thực hiện, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục tận dụng nền tảng công nghệ thông tin tiên tiến hiện có, cải cách thủ tục hành chính để đảm bảo kịp thời, đầy đủ quyền lợi cho người tham gia.