Bài dự thi “Cùng giữ màu xanh của biển”: Những con tàu không… rác

Biển đảo - Ngày đăng : 11:12, 28/09/2021

(TN&MT) - Cứ sau mỗi chuyến ra khơi, ngư dân cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng) lại mang bao tải chứa rác trên tàu nộp cho lực lượng thu gom để lấy… “Giấy xuất bến”. Việc làm nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn của các ngư dân đã trở thành một thói quen để biển luôn trong xanh và phía bờ không còn rác.

Đổi rác lấy… giấy xuất bến ra khơi

Âu thuyền, cảng cá Thọ Quang thuộc địa phận phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng. Gọi là cảng cá nhưng thực tế nơi đây có nhiệm vụ “kép” vừa là nơi neo đậu, tránh trú bão đồng thời là nơi dừng chân tàu thuyền của ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Bình, Bình Định… để mua bán thủy, hải sản và tiếp nhiên liệu, thực phẩm vươn khơi.

Trước đây, đến cảng cá Thọ Quang, tôi luôn có ấn tượng không tốt bởi rác, chai nhựa, túi ni lông nổi lềnh phềnh trên mặt nước xanh đen. Rác nhiều đến mức chạy bo bo trong âu thuyền, chỉ tầm mươi phút đã phải dừng lại để tháo rác vướng vào chân vịt. Ngư dân sống trên tàu trong khu neo đậu cứ tiện tay là vứt rác xuống nước, lâu ngày trở nên ô nhiễm, mùi hôi nồng nặc. Thật sự cực chẳng đã có việc mới phải đến khu vực này.

Thế nhưng, giờ trở lại khu neo đậu tàu thuyền lớn nhất miền Trung, điều đó đã không còn nữa. Từ bờ kè đến bề mặt nước âu thuyền sạch sẽ, trong xanh, mùi hôi đã không còn hiện hữu.

Vùng nước “chết” Thọ Quang nay đã được “hồi sinh” từ sự thay đổi ý thức của ngư dân

Như hiểu được sự ngỡ ngàng xen lẫn tò mò của tôi, lão ngư Phan Văn Định (trú Quảng Ngãi) tạm gác công việc đang dở trên tàu cá QNg 98308 TS, tranh thủ thời gian lên bờ trò chuyện cùng tôi. Nét mặt người đàn ông miền biển từng trải sương gió như giãn hẳn ra, ông hồ hởi nói: Trước kia vẫn có người xả rác, chất thải. Nhưng rồi, chính rác, chất thải do mình đổ ra làm âu thuyền ô nhiễm, mỗi lần cập bến là mùi xộc lên mũi, đến nỗi ăn uống, sinh hoạt phải lên bờ. Từ khi Ban Quản lý cảng cá Thọ Quang và anh em Biên phòng Mân Quang vận động ngư dân bỏ rác trên tàu vào bao hoặc thùng đựng rồi bàn giao cho lực lượng thu gom để lấy phiếu xuất bến ra khơi, người nọ nói với người kia và cam kết không xả rác giữ cho biển sạch. Phiếu xuất bến ra khơi đã trở thành “giấy thông hành xanh” cho những ngư dân nơi đây.

“Không chỉ tôi mà cả anh em bạn thuyền cũng từ bỏ thói quen xấu xả rác bừa bãi rồi. Trách nhiệm mà. Ăn của biển, sống bởi biển thì phải bảo vệ biển chứ” - lão ngư Phan Văn Định không giấu niềm tự hào khi nói về công việc gom rác ý nghĩa này.

Buổi sáng ở âu thuyền Thọ Quang, ghe tàu về bến nhiều. Tàu nào cũng nặng tôm cá. Sau khi bán hết cá cho “nậu”, ông Chiến cùng các thuyền viên mỗi người xách theo một túi rác khá to lên bờ. Nhiều người khá ngạc nhiên, hỏi đi kiếm cá hay đi lượm rác? Hoặc mới đi biển về, rác ở đâu lắm thế, ông Chiến hào sảng bảo: “Rác trong thời gian chúng tôi đi đánh bắt trên biển đấy. Tôi nghĩ từ giờ cũng không nên vứt gì xuống biển nữa. Mỗi lần bão vào, bờ biển Đà Nẵng lại ngập rác, đó chẳng phải là rác chúng ta vứt xuống biển hay sao?”.

Sạch âu thuyền, sạch biển và sạch trong cách nghĩ của ngư dân. Giờ nếu vứt rác bừa bãi, họ sẽ cảm thấy có lỗi với người xung quanh và mất công cho chính mình. Thậm chí, các ngư dân còn dành thời gian để nhặt nhạnh rác, dọn vệ sinh ở taluy, bờ kè âu thuyền. Không cần “đao to búa lớn”, việc nhặt rác, không xả rác bừa bãi của các ngư dân ở cảng cá Thọ Quang trước hết là để bảo vệ chính mình, đồng thời bảo vệ môi trường biển - hành động dù rất nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn.

Trong quãng thời gian sinh hoạt tại âu thuyền, các chủ phương tiện và các thuyền viên thu gom rác bỏ vào túi và giao nộp cho Ban Quản lý

Tìm lại màu xanh cho biển

Vùng nước “chết” Thọ Quang nay đã được “hồi sinh” từ chính sự thay đổi ý thức và hành động của ngư dân. “Hơn 3.000 phiếu thu gom rác được phát ra tương ứng việc hơn 3.000 chuyến tàu ra khơi cam kết không thải rác trong suốt hải trình bám biển. Từ chỗ là một trong những loại giấy tờ bắt buộc khi làm thủ tục xuất bến ra khơi, đến nay ngư dân đã tự nguyện làm sạch biển như làm sạch chính ngôi nhà của mình. Với họ, thói quen ấy đã trở thành mục tiêu, giúp chất lượng đời sống tăng lên, đồng thời có thể dung hòa với tự nhiên” - anh Phạm Trung Thành, Phó Trưởng Ban quản lý Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang phấn khởi chia sẻ.

Và để duy trì môi trường biển một cách lâu dài, Ban quản lý Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang còn có nhiều giải pháp mạnh như giám sát bằng camera 360 độ, “nói thật làm thật” xử phạt những trường hợp vi phạm các quy định. Hiện Tổ công tác Biên phòng cảng cá Thọ Quang chia làm 3 ca trực vào thời gian cao điểm diễn ra phiên chợ hải sản: từ 7 giờ 30 phút - 10 giờ, từ 12 giờ - 17 giờ và từ 23 giờ 30 phút đến 4 giờ sáng hôm sau. Trong thời gian đó, ngoài việc đảm bảo, giữ gìn an ninh, trật tự, những người lính Biên phòng vừa giám sát việc xả thải trái quy định trong âu thuyền, cảng cá, vừa kết hợp tuyên truyền. Tới nay, gần như không còn trường hợp nào vi phạm xả thải ra môi trường.

Ngư dân ở cảng cá Thọ Quang tích cực hưởng ứng gom rác lấy phiếu xuất bến

Tôi đi một vòng quanh cảng cá, vẫn đoạn đường y hệt trước đây nhưng rác đã được dọn sạch. Hướng mắt về phía những con thuyền gần bờ, những chiếc tàu xa xa, Phó Trưởng Ban quản lý Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang Phạm Trung Thành tự tin chia sẻ: Câu chuyện ngư dân “đổi” rác để lấy “giấy xuất bến” ra khơi đã giúp làm sạch trở lại một “điểm nóng” về môi trường cho thành phố Đà Nẵng. Nếu việc làm này được duy trì thường xuyên, liên tục cùng với hoạt động dọn rác của các đơn vị môi trường thì chỉ cần 2 năm sau, âu thuyền và cảng cá Thọ Quang sẽ trở thành nơi “đáng sống”.

Việt Nam có gần 30 tỉnh, thành phố giáp biển. Bên cạnh những bãi biển chủ yếu thu hút khách du lịch, thì hầu như tất cả đều làm nghề ngư, lượng chất thải khá nhiều. Thế nhưng những năm gần đây, ý thức làm sạch biển, bảo vệ môi trường đã thấm vào ý nghĩ của ngư dân để từ đó thay đổi cách ứng xử với biển. Những câu chuyện sống xanh ở làng chài không rác Ninh Hòa (Khánh Hòa), Chiến dịch “Tử tế với Sa Cần” (Quảng Ngãi) hay cách làm “nói không với rác thải nhựa” ở đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam) và câu chuyện mà tôi đang chứng kiến ở cảng cá Thọ Quang… được ngư dân xem như cách để trả ơn biển. Bởi với ngư dân, biển là máu, là tim, là “mẹ lớn” bao bọc, mang lại ấm no muôn đời.

Chia tay cảng cá Thọ Quang giữa lúc những con tàu nối đuôi nhau đi về phía biển, tiếng gọi nhau, tiếng sóng vỗ mạn tàu không pha tạp làm cho không khí của một góc cảng cá nhộn nhịp mà xao xuyến lạ. Ngắm nhìn những ngư dân đang ngày đêm kiên cường bám biển và giữ biển đến cùng bằng cả những việc làm bình dị mà tử tế với biển, tôi có một niềm tin mãnh liệt về một “ngôi nhà xanh của biển”, cá tung tăng bơi lội sẽ đến thật gần, thật gần…

 Hòa Thuận Tây, Hải Châu, Đà Nẵng

 

Bài dự thi xin gửi về địa chỉ

Email: thukytoasoan.monre@gmail.com

Điện thoại liên hệ: 0243.7738729 (máy lẻ 305)

Trần Lan Anh