Những lán cách ly vùng cao góp phần phòng chống Covid-19 ở Sơn La
Xã hội - Ngày đăng : 15:29, 26/09/2021
Người dân góp công, góp vật liệu để xây dựng các lán trại cách ly đón công dân. |
Lán cách ly đảm bảo quy định như thực hiện cách ly tại gia đình
Bản Trung Thành, xã Kim Bon, huyện Phù Yên là địa phương đầu tiên được lựa chọn để xây dựng thí điểm 10 lán trại cách ly. Quá trình triển khai thực hiện đã được bà con trong bản đồng tình ủng hộ cao, mỗi hộ góp cây, góp công để cùng phối hợp làm lán.
Theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 huyện Phù Yên, việc thực hiện các lán trại cách ly nhằm huy động, khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn lực tại chỗ (4 tại chỗ) trong chuẩn bị cơ sở vật chất đón công dân về cách ly tại xã, gia đình; nâng cao trách nhiệm của các lực lượng tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19 của xã, bản; trách nhiệm của gia đình và công dân diện phải cách ly theo quy định.
Các lán trại được xây dựng đảm bảo theo các quy định như thực hiện cách ly tại gia đình (theo chuẩn của Bộ Y tế ban hành). Việc xây dựng lán trại do gia đình có công dân thuộc diện cách ly chuẩn bị là chính, với sự hỗ trợ của các lực lượng khác do huyện, xã Kim Bon và các bản bố trí. Vị trí xây dựng lán được chọn với các tiêu chí: An toàn tuyệt đối cho công dân khi thực hiện cách ly; thuận lợi cho các lực lượng thực hiện công tác quản lý đối với khu vực cách ly và công tác phục vụ của gia đình (do gia đình và chính quyền địa phương thống nhất và đảm bảo quy mô gọn, tập trung).
Lực lượng Bộ đội, dân quân tự vệ hăng hái làm việc. |
Về quy cách xây dựng, mỗi lán trại cách nhau tối thiểu 10m; thoáng về ban ngày; kín đáo, ấm áp về đêm. Diện tích sử dụng tối thiểu 6m2/người và 8m2/2 người (không bố trí quá 2 người/lán trại). Mặt sàn cách mặt đất ít nhất 0,6m. Tường bao quanh nơi thấp nhất tối thiểu 1,7m. Có một cửa vào duy nhất và ít nhất một cửa sổ thoáng phía trước…
Vật liệu làm mái, tường vách xung quanh và vật liệu khác để xây dựng lán trại đảm bảo an toàn chắc chắn và chịu được nắng, gió, mưa khi mùa mưa, lũ tới. Vật dụng phải đảm bảo cho các sinh hoạt tối thiểu cho công dân trong thời gian cách ly, gồm: Vật dụng đun nấu, ăn, uống, tắm, giặt, vệ sinh…(do nhu cầu gia đình và cá nhân diện cách ly quyết định). Có 1 hộp thuốc nhỏ gồm một số thuốc thông thường do gia đình tự chuẩn bị. Đảm bảo các công trình phụ và nhà tắm theo quy định, bố trí hợp lý và giữ gìn vệ sinh chung.
Nhân rộng mô hình lán trại cách ly để đón công dân trở về
Đến thời điểm này, tình hình dịch bệnh trên địa bàn huyện Phù Yên đã cơ bản được kiểm soát. Tính đến 7h ngày 26/9, đã có 175 bệnh nhân khỏi bệnh ra viện, hiện còn 77 ca đang điều trị (1 ca tái dương tính). Từ ngày 24/9, toàn huyện chỉ còn 2 bản áp dụng Chỉ thị 16 tại xã Huy Thượng; 4 bản tại 3 xã Huy Thượng, Mường Thải, Kim Bon áp dụng Chỉ thị 15; các địa phương còn lại áp dụng Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài việc quản lý theo dõi sức khỏe hàng ngày đối với những trường hợp F0 đã điều trị khỏi, và F1 sau khi hoàn thành cách ly tập trung trở về, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 huyện đã giao các xã, thị trấn tiếp tục tuyên truyền, vận động, liên hệ, rà soát, nắm chắc số lượng công dân địa phương đi làm ăn xa có nhu cầu trở về để làm cơ sở chỉ đạo, triển khai xây dựng lán trại, khu cách ly y tế tập trung.
Các lán cách ly được xây dựng đảm bảo quy định như thực hiện cách ly tại gia đình. |
Ông Bàn Văn Châu, Chủ tịch UBND xã Kim Bon cho biết: Thực hiện chỉ đạo của huyện, xã đã triển khai thống kê, rà soát số người không có mặt tại địa phương. Qua đó, toàn xã có trên 1.000 người làm ăn xa, trong đó lao động tại Bình Dương có 678 người với 657 người có nguyện vọng trở về.
Để chủ động trong công tác phòng chống dịch, khi lượng công dân từ vùng dịch về có thể tăng đột biến thời gian tới, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 xã Kim Bon đã lựa chọn các địa điểm phù hợp tại 3 bản khác gồm: Suối Pa, Kim Bon và Suối On để nhân rộng mô hình lán trại tập trung.
Anh Giàng A Súa, Trưởng bản Kim Bon chia sẻ: Sau khi học hỏi mô hình tại bản Trung Thành về, chúng tôi đã hướng dẫn bà con thực hiện, bà con tự đóng góp cây tre, cây nứa để làm lán trại đón anh em, con cháu đi làm ăn xa về. Đến thời điểm hiện tại, bản Kim Bon đã hoàn thành 65 nhà lán để sẵn sàng đón khoảng 165 công dân của bản trở về. Đồng thời, thành lập chốt ở trong khu cách ly, triển khai trực 24/24 để đảm bảo an toàn, không cho dịch lây lan.
Theo Chủ tịch UBND xã Kim Bon, trước đây, xã cũng tận dụng các nhà văn hóa tại các bản để cách ly cho công dân. Sau đó, xây dựng tại các điểm nương, tuy nhiên phương án này khó khăn cho việc lấy mẫu và thăm khám. Hiện nay, phương án xây dựng các lán tập trung để cách ly rất phù hợp, thuận tiện cho công tác phòng chống dịch. Xã đã chỉ đạo các ban ngành đoàn thể, chính quyền các bản và lực lượng tình nguyện hướng dẫn, giúp đỡ người dân trong việc chọn mặt bằng xây dựng, cách thức thực hiện lán trại, đảm bảo các quy định phòng chống dịch như khoảng cách, kích thước nhà lán, vệ sinh môi trường… Kết quả, đã hoàn thành 260 lán trại dự kiến bố trí cho 547 người; đang triển khai xây dựng 20 lán trại cho khoảng 40 công dân.
Khu vực triển khai mô hình lán trại cách ly tại xã Kim Bon, huyện Phù Yên. |
Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, số lượng lao động ngoại tỉnh trở về địa phương lớn, việc triển khai xây dựng lán trại cách ly Covid-19 đã góp phần quan trọng giảm tải cho các cơ sở cách ly tập trung của huyện Phù Yên, đáp ứng linh hoạt các cấp độ phòng chống dịch, sớm đưa Phù Yên trở lại trạng thái bình thường trong thời gian tới.
Theo số liệu tổng hợp từ Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 huyện Phù Yên, toàn huyện Phù Yên có 2.693 lao động đang làm việc, sinh sống tại tỉnh Bình Dương, trong đó, 2.372 người có nhu cầu trở về.
Để đảm bảo an toàn cho công dân khi thực hiện cách ly, toàn huyện hiện có 13 khu cách ly tập trung. Đồng thời, đã triển khai xây dựng được 680 lán trại đủ điều kiện, dự kiến bố trí khoảng 1.277 công dân; tập trung ở các xã Kim Bon (260 lán trại), Suối Bau (192 lán trại), Suối Tọ (30 lán trại), Mường Bang (41 lán trại)… Đang tiếp tục triển khai xây dựng 145 lán trại cho 236 công dân.
|