Sri Lanka sẽ ngừng xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới

Thế giới - Ngày đăng : 19:19, 25/09/2021

(TN&MT) - Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa mới đây cho biết, quốc gia này sẽ ngừng xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới và phấn đấu đạt mục tiêu không phát thải ròng vào năm 2050.

Ảnh minh họa

Sri Lanka đã đặt mục tiêu đạt được 70% nhu cầu năng lượng từ các nguồn tái tạo vào năm 2030. Các nguồn năng lượng tái tạo như gió và mặt trời, và các nhà máy thủy điện lớn và nhỏ cùng chiếm một nửa công suất điện lắp đặt của đảo quốc Sri Lanka, phần còn lại là điện than và nhiệt điện. Năng lượng tái tạo và thủy điện hiện chiếm khoảng 35% nhu cầu điện năng của cả nước.

Theo Tổng thống Gotabaya Rajapaksa, quốc gia này đặt mục tiêu loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch, thúc đẩy quá trình khử carbon và hướng tới trung hòa carbon vào năm 2050.

Theo tổ chức Năng lượng bền vững cho tất cả mọi người, các chính phủ bao gồm Sri Lanka, Chile, Đan Mạch, Pháp, Đức, Montenegro và Anh đã công bố Thỏa thuận Không có Điện than Mới để tạm dừng việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện than.

Đối mặt với những gì được cho là một mối đe dọa hiện hữu, các nhà lãnh đạo từ các quốc đảo và vùng trũng thấp đã thúc giục các nước giàu có tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hành động mạnh mẽ hơn để chống lại sự nóng lên toàn cầu.

Sri Lanka là quốc gia châu Á mới nhất cam kết chấm dứt xây dựng nhiệt điện than mới, sau những động thái tương tự của Hàn Quốc và Nhật Bản hồi đầu năm. Châu Á chiếm một tỷ trọng lớn trong tiêu thụ than toàn cầu.

Tuyên bố của Sri Lanka được đưa ra sau cam kết của Trung Quốc về việc không xây dựng các dự án nhiệt điện than mới ở nước ngoài tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc mới đây. Trung Quốc đã đầu tư đáng kể vào các dự án cơ sở hạ tầng và năng lượng ở các nước châu Á như Sri Lanka và Pakistan và ở các nước châu Phi như Kenya.

Theo Tổng thống Rajapaksa, Sri Lanka cũng sẽ không khuyến khích nhập khẩu các loại xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, khuyến khích sử dụng ô tô điện và đầu tư vào năng lượng xanh. Ông mong muốn các quốc gia có đủ năng lực cần thiết để hỗ trợ các nước đang phát triển khi các nước này nỗ lực chuyển đổi sang sản xuất năng lượng bền vững hơn.

Mai Đan