Yên Bái: Ấn tượng sau 30 năm tái lập tỉnh
Xã hội - Ngày đăng : 17:53, 25/09/2021
Những ngày đầu gian khó
30 năm trước với dấu mốc đặc biệt quan trọng khi ngày 12/8/1991, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII ra quyết định mang tính lịch sử, chia tỉnh Hoàng Liên Sơn thành 2 tỉnh Yên Bái và Lào Cai.
Ngày 01/10/1991, tỉnh Yên Bái chính thức tái lập với 8 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm thị xã Yên Bái và 7 huyện: Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, Yên Bình, Trấn Yên, Văn Yên và Lục Yên với diện tích tự nhiên gần 6.900km2, dân số gần 700.000 người.
Ngày 01/10/1991, tỉnh Yên Bái chính thức tái lập với 8 đơn vị hành chính |
Những ngày đầu thành lập, tỉnh Yên Bái gặp rất nhiều khó khăn, thách thức lớn nhất Yên Bái nằm trong danh sách 1 trong những tỉnh nghèo nhất của cả nước. Đất sản xuất phần lớn bạc màu, địa hình phức tạp, đồi núi hiểm trở, thiên tai thường xuyên xảy ra; cơ sở hạ tầng thấp kém; sản xuất nông lâm nghiệp là chủ yếu. Cùng với đó, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhỏ lẻ, nguồn vốn đầu tư còn hạn chế, đời sống vật chất và tinh thần của người dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, trình độ dân trí còn thấp, nhất là ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa của tỉnh, mạng lưới y tế, giáo dục chưa phát triển...
Ông Giàng Sái Sinh - Nguyên Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải nhớ lại những ngày đầu tái lập tỉnh, ông sinh chia sẻ: Khi tái lập tỉnh đối với vùng cao Mù Cang Chải là một trong những huyện khó khăn nhất, xa nhất tỉnh, chủ yếu là đồng bào dân tộc. Người dân không đủ ăn, không đủ đất để làm ruộng nên đồng bào di cư sang tỉnh Sơn La, Điện Biên rất nhiều.
Vượt lên khó khăn, những con số ấn tượng
Vượt lên những khó khăn, Đảng bộ, chính quyền cùng các dân tộc anh em đã chung sức, đồng lòng, phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, tiếp tục đổi mới, nỗ lực tạo nên sức bật mạnh mẽ.
Sau 30 năm kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá và chuyển dịch đúng hướng |
Điểm sáng trong hành trình 30 năm qua, kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá và chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Tổng sản phẩm bình quân đầu người tăng nhanh, đạt 42 triệu đồng, gấp 1,5 lần so với năm 2015.
Các vùng chuyên canh nông nghiệp, cây đặc sản theo chuỗi giá trị đã và đang được hình thành. Lợi thế về lâm nghiệp được phát huy, núi đồi Yên Bái được phủ một màu xanh no ấm với hàng trăm ngàn ha rừng kinh tế, tỷ lệ che phủ rừng đạt 62%, đứng thứ 3 trong cả nước.
Bên cạnh đó, Yên Bái cũng được coi là điểm sáng về xây dựng NTM, huyện Trấn Yên trở thành huyện đầu tiên ở khu vực Tây Bắc đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện Yên Bái có 3 địa phương cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Toàn tỉnh đã có 76 xã được công nhận nông thôn mới, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 3 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Nông thôn mới đang là phong trào thi đua sôi nổi nhất, làm bừng sáng làng quê, đem lại những đổi thay kỳ diệu, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Nhiều vùng chuyên canh nông nghiệp, cây đặc sản theo chuỗi giá trị đã và đang được hình thành. |
Cùng với đó hệ thống giao thông phát triển đồng bộ, toàn tỉnh có 7 cây cầu hiện đại vượt sông Hồng kết nối đôi bờ, đáp ứng khát vọng ngàn đời của người dân. Cùng với Cao tốc Nội Bài – Lào Cai qua địa bàn, những năm gần đây nhiều tuyến đường khang trang, hiện đại được đầu tư đã tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, Yên Bái là một trong số ít các tỉnh đi đầu cả nước về xây dựng giao thông nông thôn. Đến năm 2020, toàn tỉnh đã kiên cố hóa trên 3.860km giao thông nông thôn, đạt tỷ lệ kiên cố hóa hơn 50%.
Hướng đến một Yên Bái “hạnh phúc”
Từ 1 địa phương nghèo nàn, lạc hậu với xuất phát điểm thấp, sau 30 năm tái lập tỉnh, Yên Bái đã trải qua 1 hành trình không ít gian khó, từng bước khẳng định vị thế của mình. Để có những trái ngọt hôm nay, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy truyền thống lịch sử, tinh thần đoàn kết, sự năng động, sáng tạo cùng hướng tới Yên Bái “Phát triển Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.
Yên Bái có hệ thống giao thông phát triển đồng bộ, toàn tỉnh có 7 cây cầu hiện đại vượt sông Hồng |
Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX đã xác định mục tiêu, quyết tâm đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030. Yên Bái cũng là tỉnh đầu tiên đưa chỉ số hạnh phúc vào Nghị quyết Đại hội Đảng. Đây là một điểm mới và đặc sắc mà Yên Bái lựa chọn trong triết lý phát triển của nhiệm kỳ 2020 - 2025 và các nhiệm kỳ tiếp theo vì mục tiêu cuối cùng là xây dựng một cuộc sống hạnh phúc cho người dân.
Trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Yên Bái ngày 7/9/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Có thể Yên Bái không phải là tỉnh phát triển nhất về kinh tế, nhưng Yên Bái có cơ sở để trở thành tỉnh có chỉ số hạnh phúc cao nhất. Bởi tuổi thọ và sức khỏe của người dân Yên Bái không thấp hơn so với trung bình cả nước. Đặc biệt, Yên Bái có môi trường sống khí hậu trong lành, xã hội trật tự, hài hòa, văn hóa đa dạng đặc sắc. Khi đến Yên Bái cũng cảm nhận được sự thịnh vượng của người dân rất tốt”.
Yên Bái hướng tới “Phát triển Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc” |
Sau 30 năm tái lập, tỉnh Yên Bái đã để lại những mốc son đáng nhớ trong suốt hành trình xây dựng và phát triển. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, Yên Bái vẫn là 1 trong số ít địa phương giữ vững được “ vùng xanh”. Đó cũng là nền tảng, là niềm tin vững chắc để Yên Bái tiếp tục tạo dựng những dấu ấn mới trong quá trình phát triển vùng đất “ Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.