Doanh nghiệp vi phạm tại cửa khẩu Chi Ma - Lạng Sơn: Sai phạm nhiều, xử lý ít

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 12:52, 25/09/2021

(TN&MT) - Hơn 10 dự án ở khu vực cửa khẩu Chi Ma sai phạm về đất đai, xây dựng. Các sai phạm này diễn ra trong nhiều năm. Thế nhưng trước thời điểm tỉnh yêu cầu kiểm tra, rà soát thì từ xã đến huyện mới chỉ lập biên bản, xử lý 2 dự án.

Sai phạm nhiều, xử lý ít

Ngày 15/9/2021, Báo điện tử TN&MT đăng tải bài viết “Lạng Sơn: Hàng loạt dự án sai phạm ở cửa khẩu Chi Ma” phản ánh về việc hơn 10 dự án vi phạm các quy định về đất đai, đầu tư xây dựng. Các sai phạm này xảy ra đã lâu nhưng không được ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Theo thông tin từ bà Hoàng Thị Giang – Chủ tịch UBND xã Yên Khoái và ông Hoàng Hùng Cường – Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình cung cấp thì, trước thời điểm huyện thành lập đoàn kiểm tra theo yêu cầu của UBND tỉnh Lạng Sơn, xã đã lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng đối với Công ty Cổ phần sản xuất và thương mại Trường An Lạng Sơn; huyện lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng đối với Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Thăng Long Lạng Sơn. Đồng thời huyện đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với 2 doanh nghiệp này.

Như vậy, cả huyện lẫn xã mới chỉ lập biên bản, xử lý được 2 trường hợp trong khi có 13 dự án có sai phạm về đất đai, xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng sai giấy phép được cấp.

Chính quyền ở đâu khi các doanh nghiệp "đua nhau" sai phạm về đất đai, xây dưng tại cửa khẩu Chi Ma?

Buông lỏng quản lý?

Theo ông Hoàng Hùng Cường – Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình, nguyên nhân dẫn đến các hành vi vi phạm là do công tác quản lý về đất đai, xây dựng tại khu vực cửa khẩu Chi Ma còn lỏng lẻo, chưa sát sao, chưa quyết liệt. Các sai phạm đã lâu, thời điểm bắt đầu thực hiện các hành vi vi phạm không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (Trung tâm quản lý cửa khẩu Chi Ma thuộc Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn và UBND xã Yên Khoái) phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời?!.

Còn bà Hoàng Thị Giang - Chủ tịch UBND xã Yên Khoái thì cho biết, bà giữ cương vị Chủ tịch xã từ tháng 5/2020. Tháng 9/2020 xã phát hiện và lập 1 biên bản (Công ty Trường An Lạng Sơn). Còn từ năm 2012 đến thời điểm bà đảm nhiệm cương vị Chủ tịch, thì xã chưa lập biên bản xử lý trường hợp nào.

Nguyên nhân được vị Chủ tịch lý giải là, trước đây cán bộ xã không nắm được cũng như chưa thể hiện được chức năng, nhiệm vụ của mình, nên đã mặc nhiên coi mọi hoạt động từ cửa khẩu trở vào phía trong là thuộc trách nhiệm, sự quản lý Ban Quản lý Khu Kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn mà quên mất thẩm quyền của mình.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Ông Hoàng Hùng Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình thừa nhận, huyện, xã cũng có phần trách nhiệm trong các sai phạm này. Tuy nhiên, trách nhiệm quản lý nhà nước đầu tiên là Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn.

Theo ông Cường, tổng diện tích đất Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn được UBND tỉnh Lạng Sơn giao quản lý tại cửa khẩu Chi Ma là hơn 461.180 m2. Trong đó, diện tích đất hạ tầng, đất cơ quan, giao thông, đất khác là hơn 200.160 m2; đất giao, đất cho thuê để thực hiện dự án đầu tư có tổng diện tích gần 259.390 m2 và diện tích chưa thực hiện giao, cho thuê là gần 1.630 m2.

Tổng diện tích đất Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn được UBND tỉnh Lạng Sơn giao quản lý tại cửa khẩu Chi Ma là hơn 461.180 m2.

“Anh (Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn - PV) cấp phép xây dựng, anh giao đất cho người ta. Bây giờ người ta xây dựng sai phép rồi xây dựng không có giấy phép vẫn để tồn tại. Như thế sẽ phải rà soát lại các công trình xây dựng này để xem có bao nhiêu công trình Ban phát hiện ra và báo xã? Bao nhiêu công trình xã đã làm hay chưa làm hết trách nhiệm? Rồi cấp huyện đã làm hết trách nhiệm hay chưa? Cái này phải tìm thêm hồ sơ của Ban và của xã mới rõ được!” – ông Cường cho biết.

Báo điện tử TN&MT sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Hoàng Nghĩa