Bảo đảm quản lý về môi trường nhưng hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến doanh nghiệp

Kinh tế - Ngày đăng : 05:53, 25/09/2021

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 phải đảm bảo phù hợp với thực tiễn, bảo đảm công tác quản lý nhà nước về môi trường nhưng hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Bảo đảm công tác quản lý nhà nước về môi trường nhưng hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp - Ảnh minh họa

Trong thời gian qua, các tổ chức: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam; Hiệp hội các Nhà sản xuất xe máy Việt Nam; Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam; Hiệp hội Dệt May Việt Nam; Hiệp hội Kẹo cao su quốc tế đã có văn bản góp ý về dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT.

Sau khi xem xét các góp ý trên, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành liên quan làm việc, trao đổi với các Hiệp hội trên về các kiến nghị liên quan đến nội dung của dự thảo Nghị định.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường lưu ý các quy định của dự thảo Nghị định đảm bảo phù hợp với thực tiễn, bảo đảm công tác quản lý nhà nước về môi trường nhưng hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là trong tình hình hiện nay và thời gian tới đại dịch COVID-19 đang tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp nói riêng, nền kinh tế đất nước nói chung.

* Được biết, một số tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp cho rằng, dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT sẽ làm tăng gánh nặng, chi phí về môi trường cho doanh nghiệp. Trước ý kiến này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có thông tin phản hồi.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, dự thảo Nghị định đã bám sát, cụ thể hóa chủ trương cải cách thủ tục hành chính (TTHC) theo quy định của Luật BVMT 2020. Trong đó, giảm 18 TTHC so với quy định hiện hành (giảm 34%); tích hợp 7 loại giấy phép, xác nhận gồm: Giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT, giấy xác nhận đủ điều kiện về BVMT trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, giấy phép xả khí thải công nghiệp, giấy phép xử lý chất thải nguy hại, giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, giấy phép xả nước thải vào công trình thuỷ lợi, sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại vào 1 giấy phép môi trường (GPMT).

Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ, như vậy, thay vì phải thực hiện nhiều giấy phép đơn lẻ thì theo dự thảo Nghị định, doanh nghiệp chỉ cần thực hiện 1 thủ tục là đề nghị cấp GPMT.

Về đối tượng đánh giá tác động môi trường (ĐTM), cấp GPMT, một số hiệp hội cho rằng, trước đây, chỉ có các dự án gây ô nhiễm đến môi trường (nhóm I) mới phải làm ĐTM và xin GPMT, nhưng với quy định mới, thì việc các dự án và nhà máy nhóm I và nhóm II đã hoạt động cũng phải làm ĐTM và xin GPMT là không có cơ sở.

Lý giải vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Khoản 1 Điều 30 Luật BVMT quy định, đối tượng phải thực hiện ĐTM là dự án nhóm I và nhóm II có yếu tố nhạy cảm về môi trường, như xả thải vào nguồn nước cấp sinh hoạt, đầu tư trong khu bảo tồn thiên nhiên, rừng, di tích lịch sử văn hóa… Điều 39 Luật BVMT cũng quy định rõ về đối tượng phải có GPMT. Vì thế, quy định về đối tượng phải thực hiện ĐTM và GPMT trong dự thảo Nghị định là đúng quy định của pháp luật.

Về đối tượng phải quan trắc tự động, liên tục, dự thảo đã tiếp thu ý kiến góp ý, hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua đại dịch COVID-19 và chỉnh lý theo hướng lùi thời gian phải hoàn thành lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, liên tục đối với tất cả các trường hợp đến hết ngày 31/12/2024. Đối với các trường hợp đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, liên tục theo quy định thì được miễn thực hiện quan trắc định kỳ trong thời gian này…

Theo Chinhphu.vn