Nhanh chóng khắc phục các sự cố do bão số 6 gây ra

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 10:48, 24/09/2021

(TN&MT) - Sáng 24/9, ông Vũ Xuân Thành, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai đã chủ trì cuộc họp ứng phó với diễn biến bão số 6.

Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai Vũ Xuân Thành chủ trì cuộc họp

Bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới

Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, đêm qua (23/9), bão số 6 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và đi vào đất liền khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Nam. Sáng nay (24/9), bão số 6 đã suy yếu thành một vùng áp thấp.

Hồi 4 giờ ngày 24/9, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 107,1 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt Nam-Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/h).

Dự báo trong 12 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp kết hợp với đới gió Đông nên trong sáng nay (24/9) ở vùng biển ngoài khơi từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi còn có gió giật cấp 6-7; biển động.

Trong sáng và ngày hôm nay (24/9), ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 5, phía Nam Vịnh Bắc Bộ có nơi cấp 6, giật cấp 7; sóng biển cao từ 2,0-3,0m; biển động. Tình hình mưa lớn, gió giật mạnh trên biển do hoàn lưu vùng áp thấp kết hợp với đới gió Đông trên cao còn có xu hướng mở rộng về phía Bắc.

Sáng nay (24/9), bão số 6 đã suy yếu thành một vùng áp thấp

Mưa to tại nhiều địa phương

Báo cáo nhanh về công tác ứng phó với bão số 6 và mưa lũ của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 6, khu vực từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 80-150mm, có nơi trên 150mm. Từ ngày 24-25/9, ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to với tổng lượng mưa phổ biến 50-150mm, có nơi trên 200mm.

Do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam từ ngày 24-25/9, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa 30-60mm/24h, có nơi trên 80mm/24h. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Cụ thể, từ 19h ngày 22/9-19h ngày 23/9, khu vực Bắc Bộ và Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, Trung Trung Bộ có mưa rất to, lượng mưa phổ biến dưới 120 mm, một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Thái Bình (Thái Bình) 149mm; Sầm Sơn (Thanh Hóa) 210mm; Suối Đá (Đà Nẵng) 137mm; Tam Trà (Quảng Nam) 211mm; Trà Kót (Quảng Nam) 167mm; Bình Khương (Quảng Ngãi) 250mm; Trà Hiệp (Quảng Ngãi) 239mm; Hoài Nhơn (Bình Định) 136mm.

Từ 19h ngày 23/9-5h ngày 24/9, các tỉnh khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên, có mưa vừa, mưa to có nơi mưa rất to lượng mưa phổ biến dưới 60 mm, một số trạm mưa lớn hơn như: A Lưới (Thừa Thiên - Huế) 120mm; Thượng Nhật (Thừa Thiên - Huế) 100m; Cửa Tùng (Quảng Trị) 102mm; Phước Chánh (Quảng Nam) 121mm; Phước Năng (Quảng Nam) 117mm; Ia Dom (Kon Tum) 123mm; Đăk Na (Gia Lai) 76mm.

2 ngư dân mất tích trên biển

Thông tin nhanh của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Đinh cho biết, tình hình thiệt hại ban đầu do cơn bão số 6 gây ra: 15 nhà bị tốc mái, hư hỏng (Quảng Ngãi). Đặc biệt, tối 23/9, 1 Tàu cá BĐ 91549TS trên đường vào cảng Đề Ghi (Bình Định) bị tàu hàng Thái An đâm chìm vào lúc 19h15, cách bờ 2,7 hải lý (5km), trên tàu có 3 ngư dân, đã cứu được 1 ngư dân. Hiện đang huy động 4 tàu cá và 3 tàu hàng tổ chức tìm kiếm 2 ngư dân còn lại.

Về công tác ứng phó, trước diễn biến của bão số 6, chiều 23/9, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đã chủ trì họp thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai và Ban Chỉ huy PCTT&TKCN của 6 tỉnh ven biển từ Quảng Trị đến Bình Thuận để chỉ đạo ứng phó cơn bão số 6.

Đối với các địa phương, từ ngày 22-23/9/2021, các tỉnh Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quãng Ngãi đã chủ động cấm biển đảm bảo an toàn cho người dân và các phương tiện. Từ trưa ngày 23/9, Ban chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh sẵn sàng triển khai phương án tổ chức sơ tán dân khỏi vùng có nguy cơ ảnh hưởng của bão trong tình huống dịch Covid-19. Các địa phương đã nghiêm túc tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó khi có tình huống.

Nhanh chóng khắc phục các sự cố

Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai Vũ Xuân Thành đề nghị Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn phối hợp với địa phương nhanh chóng tìm kiếm 2 ngư dân đang mất tích trên biển.

Các địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến mưa lũ sau bão, thông báo kịp thời đến người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ lưu lượng đến các hồ chứa, đặc biệt là các hồ chứa xung yếu, các hồ chứa đã đầy nước để chủ động vận hành điều tiết và triển khai cá biện pháp đảm bảo an toàn công trình và hạ du. Kiểm tra, phát hiện và khắc phục kịp thời hư hỏng công trình đê điều, nhất là các trọng điểm xung yếu, đang thi công dở dang.

Sẵn sàng triển khai phương án di dời dân ở nơi có nguy cơ sạt lở đất. Ảnh minh họa

Rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng thấp trũng. Sẵn sàng triển khai phương án di dời dân đảm bảo an toàn về người và tài sản, đồng thời an toàn phòng dịch Covid-19.

Ông Vũ Văn Thành nhấn mạnh, dự báo cho biết hiện mưa lớn đang có xu hướng dịch chuyển ra khu vực Trung Trung Bộ, do vậy, đề nghị các lực lượng phòng chống thiên tai tại các Bộ, ngành, địa phương liên quan theo dõi sát thông tin, bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để sẵn sàng ứng phó các sự cố có thể xảy ra.

Thanh Tùng