Ngăn thảm họa khí hậu - Liên Hợp Quốc kêu gọi: Cần những hành động quyết đoán
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 12:24, 23/09/2021
Hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp này nhằm thúc đẩy hành động nhiều hơn về tài chính khí hậu và các biện pháp khác trước Hội nghị thượng đỉnh LHQ về biến đổi khí hậu (COP26) bắt đầu vào tháng tới tại Scotland (Anh). Hội nghị bàn tròn không chính thức của các nhà lãnh đạo về hành động khí hậu được diễn ra sau cuộc thảo luận thường niên của Đại hội đồng. Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo thế giới đã thảo luận về những lỗ hổng còn lại trong hành động của Chính phủ các nước, đặc biệt là các cường quốc công nghiệp G20, liên quan đến vấn đề giảm thiểu, tài chính và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại cuộc họp báo được tổ chức vào cuối sự kiện, người đứng đầu LHQ nhấn mạnh: “Cứu thế hệ hiện tại và thế hệ tương lai là trách nhiệm chung. Hội nghị bàn tròn lần này là một lời cảnh tỉnh cho thấy tình hình cấp bách về biến đổi khí hậu trước COP26”.
Cảnh báo hậu quả thảm khốc
Mới đây, Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu đã công bố 1 Báo cáo về những đóng góp được xác định của tất cả các bên đối với Thỏa thuận khí hậu Paris. Theo đó, thế giới đang trên con đường thảm khốc với sự nóng lên toàn cầu ở mức 2,7 độ C. Báo cáo cho thấy, để hạn chế nhiệt độ tăng lên 1,5 độ C, cần giảm 45% lượng khí thải vào năm 2030 và trung hòa các-bon vào giữa thế kỷ này. Tuy vậy, cho đến nay, các cam kết của các nước trên thế giới chỉ rõ, mức phát thải khí nhà kính vào năm 2030 sẽ tăng 16% so với mức năm 2010.
Ủy ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) nhận định, mục tiêu 1,5 độ C vẫn còn trong tầm tay, nhưng cần có sự cải thiện mạnh mẽ đối với các Đóng góp do quốc gia xác định (NDC) của đa số các nước.
Ngay lúc này, vào thời điểm chỉ vài tuần trước COP26, Tổng Thư ký LHQ đã kêu gọi các quốc gia thành viên hành động trên 3 mặt trận. Trước hết, giữ mục tiêu 1,5 độ C gần trong tầm tay. Thứ hai, thực hiện cam kết 100 tỷ USD mỗi năm cho hành động khí hậu ở các nước đang phát triển và cuối cùng, tăng cường tài trợ về thích ứng lên ít nhất 50% tổng chi tiêu của chính phủ cho tài chính khí hậu.
Ông Guterres cho rằng, hành động lãnh đạo phải xuất phát từ các nước G20, vì các quốc gia này đại diện cho 80% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Ô nhiễm không khí từ các nhà máy nhiệt điện than có liên quan đến sự nóng lên toàn cầu và các hậu quả tiêu cực khác đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng. Ảnh: UN News |
Than đá - thách thức lớn về năng lượng
Người đứng đầu LHQ cũng chỉ rõ việc tiếp tục sử dụng than đá, thứ thải ra các-bon cũng là một thách thức năng lượng lớn. Theo ông Guterres, nếu tất cả các nhà máy nhiệt điện than được quy hoạch đi vào hoạt động, sự nóng lên toàn cầu sẽ cao hơn 2 độ C. Để ngăn chặn điều này, các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) phải dừng việc sử dụng than vào năm 2030 và các nước đang phát triển cũng phải hành động như vậy vào năm 2040.
Liên quan đến vấn đề thích ứng, kinh phí cho thích ứng hiện chỉ chiếm 21% tổng kinh phí khí hậu. Con số này tương đương 16,7 tỷ USD mỗi năm. Tuy vậy, chi phí thích ứng ở các nước đang phát triển là 70 tỷ USD mỗi năm và dự kiến sẽ đạt 300 tỷ USD vào năm 2030.
Về mặt tài chính, nhà lãnh đạo cấp cao của LHQ khẳng định, các nước phát triển phải giữ cam kết huy động 100 tỷ USD mỗi năm cho hành động khí hậu ở các nước đang phát triển trong giai đoạn từ năm 2021 - 2025. Các quốc gia phát triển đã không thực hiện cam kết này vào năm 2019 và 2020, và theo tính toán của OECD, tài chính năm nay cũng sẽ giảm khoảng 20 tỷ USD.
“Đây là lý do tại sao tôi đã yêu cầu tất cả các nhà tài trợ thực hiện cam kết và họ cam kết dành 50% tài chính khí hậu cho việc thích ứng”, ông Guterres nhấn mạnh.
“Lịch sử sẽ phán xét”
Thủ tướng Anh Boris Johnson cảnh báo, "lịch sử sẽ phán xét" các quốc gia giàu nhất thế giới nếu họ không thực hiện cam kết viện trợ khí hậu 100 tỷ USD hàng năm trước COP26. Ông Johnson cho rằng, tỷ lệ cược để nhận được số tiền này trước tháng 11 là "6 trên 10".
Tại Hội nghị bàn tròn không chính thức của các nhà lãnh đạo về hành động khí hậu, ông Johnson khẳng định: “Chúng ta không thể để hành động khí hậu trở thành một nạn nhân khác của virus Corona. Chúng ta hãy là những nhà lãnh đạo hành động để đảm bảo một hành tinh lành mạnh cho con cháu chúng ta và các thế hệ mai sau”.
Thủ tướng Anh Johnson cam kết, Vương quốc Anh sẽ tiên phong, giữ môi trường trong Chương trình nghị sự toàn cầu và làm bệ phóng cho một cuộc cách mạng công nghiệp xanh toàn cầu. Đồng thời, ông cảnh báo, không quốc gia nào có thể lật ngược tình thế.
Tổng hợp từ UN News