Nhìn thấy tương lai xanh

Môi trường - Ngày đăng : 12:23, 23/09/2021

(TN&MT) - Đầu tháng 4/2020, sau nhiều thập kỷ, người dân ở miền bắc Ấn Độ đã có thể nhìn thấy dãy Himalaya, thậm chí từ khoảng cách 200km. Nguyên do từ việc tạm dừng hoạt động nhiều doanh nghiệp sản xuất, cấm tụ họp, hạn chế xe cộ… để phòng, chống dịch Covid-19. Những biện pháp này đã giúp chất lượng không khí cải thiện đáng kể.

Cựu ngôi sao môn cricket Ấn Độ Harbhajan Singh cũng thích thú "khoe" ảnh núi từ sân thượng nhà riêng: "Thật khó lòng hình dung được chuyện này. Rõ ràng chúng ta đã gây ô nhiễm môi trường và tác động mạnh đến Trái đất".

Ở Việt Nam, vào đầu tháng 2/2020, theo Báo cáo của AirVisual - Công ty quan trắc không khí có mạng lưới toàn cầu - lần đầu tiên Thủ đô Jakarta của Indonesia và Hà Nội của Việt Nam vượt qua Bắc Kinh (Trung Quốc) trong số các thủ đô ô nhiễm nhất thế giới. Tuy nhiên, sau những ngày giãn cách xã hội và sau bao nhiêu thời gian sống chung với “bụi mịn”, người dân Thủ đô Hà Nội đã lại được nhìn thấy dãy núi Tam Đảo mờ xanh nhờ không khí trong lành hơn.

 

Sau Hà Nội, đến lượt TP.HCM, tuy gặp khó khăn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 nhưng chất lượng không khí ở thành phố năng động nhất nước cũng trở nên tốt hơn rất nhiều. Người dân nơi đây cũng chia sẻ hình ảnh dãy núi lấp ló xanh xanh ở phía xa khi nhìn từ trên những tòa nhà cao tầng ở thành phố phát triển nhất đất nước.

Theo thống kê của WHO, mỗi năm trên thế giới có triệu ca tử vong do các căn bệnh có nguyên nhân từ ô nhiễm không khí. Do đó, sau khi các quốc gia có những biện pháp giãn cách xã hội để phòng chống Covid-19, chất lượng không khí đã cải thiện rõ rệt. Rõ ràng, chưa bao giờ “mẹ thiên nhiên” lại trở nên gần gũi với những người dân như vậy. Không chỉ người Hà Nội, người TP.HCM hay Ấn Độ… mà ở những vùng đất xa xôi khác trên thế giới, người dân đang được “chạm” vào thiên nhiên trong lành ở nơi tưởng chừng như rất khó hết ô nhiễm.

Ai cũng hiểu, thiên nhiên là cơ sở cho sự tồn tại của loài người. Mặc dù sự phát triển nóng đã đưa con người ngày càng xa “mẹ thiên nhiên” hơn, nhưng không thể vì thế mà sẵn sàng đánh đổi. Chúng ta phải biết lựa chọn cách sống đúng để giữ lấy sự tồn tại sau này. Một anh bạn người Pháp đã nói với người viết rằng: Khi bạn biết tiết kiệm các nguồn năng lượng, hạn chế sử dụng các phương tiện giao thông cá nhân không cần thiết, đó là một lối sống văn minh để tránh gây ô nhiễm và đó cũng là cách để con người bảo vệ những vệt xanh mờ xa kia không bao giờ tắt, để môi trường trong lành trở lại và con người hòa mình với thiên nhiên.

Khương Trung