M&A bất động sản: Lĩnh vực nào đang hấp dẫn nhà đầu tư?

Bất động sản - Ngày đăng : 17:50, 20/09/2021

(TN&MT) - Đại dịch đã làm thay đổi tư duy cũng như thói quen sinh hoạt của người mua bất động sản (BĐS). Điều này sẽ khiến số lượng giao dịch M&A của các dự án loại này tăng lên không những ở những các thành phố biển du lịch mà còn tại các vùng lân cận, nơi có thiên nhiên ưu đãi và quỹ đất lớn.

Ảnh minh họa

Theo bà Lê Phương Lan - Trưởng Bộ phận Tư vấn đầu tư, Savills Hà Nội, hoạt động mua bán, sát nhập (M&A) trong lĩnh vực BĐS tại Việt Nam đã phát triển mạnh trong vài năm trở lại đây. Trước đây, các nhà phát triển BĐS trong nước có xu hướng tự xin cấp phép và thực hiện dự án; các thương vụ M&A chủ yếu thuộc về nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài thâu tóm lại từ các nhà phát triển dự án trong nước.

Tuy nhiên khi quy mô thị trường lớn hơn, tiềm lực của các doanh nghiệp BĐS trong nước mạnh hơn, họ đã đủ tích lũy về nguồn lực tài chính, bộ máy và quy trình thực hiện, M&A là cách nhanh chóng để mở rộng quỹ đất và hoạt động kinh doanh. Có thể thấy, làn sóng M&A dự án giữa các doanh nghiệp BĐS trong nước có những diễn biến đáng chú ý trong đại dịch.

Trong thời gian qua, các thương vụ M&A thành công đứng về số lượng là giữa các NĐT trong nước, tiếp đến là các NĐT nước ngoài đã hiện diện và hoạt động tại thị trường Việt Nam. M&A dự án từ các NĐT nước ngoài không nhiều như các thương vụ M&A giữa các doanh nghiệp BĐS trong nước, bởi không dễ để một dự án có thể thoả mãn các yêu cầu của các NĐT quốc tế. Tuy nhiên, xét về giá trị giao dịch thì các thương vụ M&A có giá trị dẫn đầu lại nằm ở các thương vụ thâu tóm thực hiện bởi các NĐT quốc tế.

Cũng theo bà Lan, trước đây, nhu cầu M&A dự án diễn ra nhiều ở các khu vực quận trung tâm hoặc tại trung tâm các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên, quỹ đất tại các khu vực này ngày càng khan hiếm, giá giao dịch đã trở nên quá cao khiến các mô hình tài chính không còn hiệu quả. Do đó nhu cầu và dòng tiền có xu hướng dịch chuyển ra các địa phương lân cận. Có hai yếu tố chính dẫn dắt nhu cầu hiện nay là kết nối giao thông tốt với khu vực nội đô và sự hiện diện của những nhà phát triển BĐS dẫn dắt thị trường.

Trong đó, nhà ở đô thị là phân khúc nhận được đơn đặt hàng nhiều nhất từ các NĐT. Với quy mô dân số lớn, tốc độ đô thị hóa cao đi kèm sự tăng trưởng nhanh của tầng lớp trung lưu, đây vẫn là phân khúc mang lại nhiều lợi nhuận và tiềm năng nhất cho các NĐT vào BĐS tại Việt Nam. Nhu cầu đối với khu công nghiệp và logistic cũng tăng nhanh trong 1,5 năm trở lại đây. Nhờ việc Việt Nam đã tham gia các Hiệp định Thương mại tự do, nhiều doanh nghiệp khổng lồ trong nhiều lĩnh vực đã chọn Việt Nam là điểm đến.

Ngoài ra, thị trường khách sạn và nghỉ dưỡng cũng là phân khúc nhận được nhiều sự quan tâm của các NĐT, dù đây là thị trường đã bị tác động khá lớn do dịch. Trong thời gian tới, thị trường có thể sẽ ghi nhận những thương vụ chuyển nhượng lớn trong lĩnh vực khách sạn và nghỉ dưỡng. Một xu hướng khác là sự gia tăng trong nhu cầu đối với các dự án BĐS nhà ở, nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ thể thao.

Nhìn dài hạn, các NĐT, đặc biệt là NĐT nước ngoài mới, chưa có hoạt động tại Việt Nam vẫn dành sự quan tâm rất lớn đến thị trường BĐS. Vì nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân về khó khăn trong đi lại, khiến họ chưa thể thực hiện thành công thương vụ; khi đại dịch qua đi, làn sóng đầu tư này sẽ gia nhập thị trường. Trong thời gian tới, các thương vụ thành công sẽ nằm tại các dự án đất sạch, pháp lý rõ ràng, các tài sản hoàn thiện đang hoạt động.

 

Thục Vy