Nông thôn Việt Nam đã có những chuyển biến rõ nét
Kinh tế - Ngày đăng : 09:53, 18/09/2021
Xây dựng NTM đạt kết quả to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử
Cụ thể, khu vực nông thôn nước ta đã có những chuyển biến rõ nét trên hầu hết mọi lĩnh vực phát triển, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, cải thiện đời sống của nông dân, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. Theo đánh giá của Đảng, nhà nước, chương trình Xây dựng NTM đạt kết quả “to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử”.
Nam Định là 1 trong 4 tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM |
Các số liệu thống kê cho thấy, đến hết năm 2020, Chương trình đã hoàn thành vượt 12,4% số xã đạt chuẩn NTM so với mục tiêu; đến tháng 7/2021, cả nước đã có 64,6% số xã đạt chuẩn NTM; có 194 đơn vị cấp huyện (chiếm 29%) thuộc 51 tỉnh, thành phố đạt chuẩn NTM; có 12 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã đạt chuẩn NTM; 4 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hưng Yên, Hà Nam) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Thu nhập của người dân năm 2020 tại khu vực nông thôn tăng nhanh hơn khu vực thành thị và mức tăng chung của cả nước trong giai đoạn 2010-2020. Thu nhập bình quân đầu người 1 tháng khu vực nông thôn năm 2020 đạt gần 3,5 triệu đồng/tháng, gấp 1,4 lần so với năm 2016 và gấp 3,25 lần so với năm 2010, bình quân giai đoạn 2011-2010 tăng 12,5%/năm, cao hơn mức tăng chung của cả nước là 11,8%/năm và cao hơn mức tăng của khu vực thành thị 10,1%/năm. Khoảng cách về thu nhập giữa khu vực nông thôn và khu vực thành thị giảm dần, năm 2010 thu nhập của khu vực thành thị là 2,1 triệu đồng gấp 2 lần khu vực nông thông (1 triệu đồng) giảm xuống còn 1,7 lần năm 2020 (thu nhập khu vực thành thị đạt 5,6 triệu đồng, nông thôn đạt 3,4 triệu đồng).
Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh ở khu vực nông thôn trong thực hiện Chương trình NTM góp phần chủ yếu vào kết quả của chiến lược giảm nghèo quốc gia: theo chuẩn nghèo của Chính phủ, tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn giảm từ 17,4% năm 2010 xuống còn 7,5% năm 2016, giảm 9,9 điểm phần trăm trong giai đoạn 2010-2016 và là mức giảm lớn, đóng góp chủ yếu vào mục tiêu xóa đói giảm nghèo toàn quốc (cả nước giảm 8,4 điểm phần trăm, khu vực thành thị chỉ giảm 4,9 điểm phần trăm), theo chuẩn nghèo đa chiều khu vực nông thôn năm 2020 còn khoảng 7,1%, giảm 4,7 điểm phần trăm so với năm 2016.
Nông thôn mới là nền tảng
Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số hạn chế, bất cập như: Khoảng cách chênh lệch khá lớn về kết quả NTM giữa các địa phương, giữa các vùng, miền; tư duy ngành nông nghiệp và người dân còn chú trọng tăng quy mô, sản lượng trong sản xuất mà chưa quan tâm nhiều đến nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm; một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến tiêu chí môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giữ gìn an ninh trật tự xã hội nông thôn.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong 10 năm xây dựng NTM, Đảng, Chính phủ đã đưa ra những tiêu chí và nội dung cụ thể trong Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, cụ thể: Với nội dung mới, NTM là nền tảng, cơ cấu lại nông nghiệp là căn bản, nhân dân là chủ thể. Tập trung ưu tiên hỗ trợ cho các xã, huyện để đạt chuẩn NTM và nâng cao chất lượng các tiêu chí sau đạt chuẩn theo hướng bền vững; phấn đấu đến năm 2025 cả nước không còn xã dưới 15 tiêu chí; khuyến khích các địa phương có điều kiện chủ động xây dựng NTM kiểu mẫu.
Chú trọng nâng cao hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; thúc đẩy chuyển đổi số trong xây dựng NTM; nâng cao chất lượng công tác bảo vệ môi trường, chất lượng hoạt động văn hóa gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; thúc đẩy bình đẳng giới; cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân nông thôn…
Đồng thời, nâng cao năng lực của cộng đồng, chuyển đổi tư duy của người dân về phát triển kinh tế nông thôn. Theo đó, đối tượng thụ hưởng là người dân, cộng đồng dân cư, hợp tác xã, doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế-xã hội trên địa bàn nông thôn. Phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó, có khoảng 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM, trong đó, có ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện NTM nâng cao và huyện NTM kiểu mẫu.
Phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025, mỗi tỉnh, thành phố có ít nhất 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM; cả nước có ít nhất 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; cấp thôn có ít nhất 60% số thôn, bản, ấp thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn NTM theo các tiêu chí NTM do cấp tỉnh quy định.
Nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện xây dựng NTM theo quy hoạch nhằm nâng cao đời sống kinh tế-xã hội nông thôn gắn với quá trình đô thị hoá; phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội, cơ bản đồng bộ, hiện đại, bảo đảm kết nối nông thôn-đô thị và kết nối các vùng miền; tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, bãi ngang ven biển và hải đảo.
Nâng cao chất lượng giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn; nâng cao chất lượng đời sống văn hoá của người dân nông thôn; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển kinh tế du lịch nông thôn; nâng cao chất lượng môi trường, tăng cường hệ thống cấp nước sạch nông thôn; xây dựng cảnh quan nông thôn sáng-xanh-sạch-đẹp, an toàn; giữ gìn và khôi phục hình ảnh, cảnh quan truyền thống của nông thôn.