Hoàn thiện dự thảo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 14:36, 17/09/2021

(TN&MT) - Sáng 17/9, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành chủ trì cuộc họp trực tuyến với Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu (BĐKH) giai đoạn đến năm 2050. Tham dự có khoảng 60 đại biểu thuộc các Bộ, ngành, các nhà khoa học, các hiệp hội…

Theo ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT), thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ, Bộ TN&MT đang xây dựng dự thảo Đề cương chi tiết Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành chủ trì cuộc họp

Chiến lược này được xây dựng trên quan điểm: Việt Nam coi ứng phó với BĐKH là yêu cầu cấp thiết, có ý nghĩa sống còn để phát triển bền vững đất nước, góp phần thực hiện nỗ lực toàn cầu theo Công ước khung của Liên Hợp Quốc và Thỏa thuận Paris; Ứng phó với BĐKH phải được đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển, gắn kết hài hòa với bảo vệ môi trường, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, bình đẳng giới, tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống tự nhiên và xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế các - bon thấp, hướng tới trung hòa các-bon và tận dụng các cơ hội do BĐKH mang lại; Ứng phó với BĐKH là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, toàn thể người dân và cộng đồng doanh nghiệp….

Mục tiêu cụ thể của Chiến lược là giảm tính dễ bị tổn thương và rủi ro trước tác động của biến đổi khí hậu thông qua tăng cường khả năng chống chịu và nâng cao năng lực Trung ương của hệ thống kinh tế, tự nhiên và xã hội; bảo đảm tiến bộ xã hội, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do BĐKH.

Đồng thời, giảm phát thải khí nhà kính (KNK) theo lộ trình, cam kết thực hiện các điều ước quốc tế về BĐKH, giám sát các nguồn phát thải, tăng cường hấp thụ KNK, phát triển thị trường các-bon, phát triển kinh tế các-bon thấp, đạt đỉnh phát thải vào năm 2045, hướng tới trung hòa các-bon trong dài hạn.

Trong đó, dự thảo Chiến lược xác định mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam có thể nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính 35% so với Kịch bản phát triển thông thường (BAU) khi có sự hỗ trợ của quốc tế, đạt phát thải đỉnh vào năm 2045, phấn đấu phát thải trung bình hòa các-bon vào nửa sau thế kỷ… Đây cũng là nội dung quan trọng nhất trong dự thảo mà Bộ TN&MT muốn tham vấn và xin ý kiến đóng góp, chỉ đạo của cơ đơn vị liên quan.

Tại cuộc họp, đại diện các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bày tỏ sự nhất trí cao về những nội dung liên quan đến quan điểm xây dựng và mục tiêu chung của Chiến lược. Tuy nhiên, đối với mục cụ thể về giảm phát thải và trung bình hòa các-bon, các ý kiến cho rằng, Ban soạn thảo cần xem xét và thống nhất lại với các Bộ, ngành liên quan. Từ thực tiễn tình hình trong nước và kinh nghiệm quốc tế, Việt Nam không nên đặt ra một mốc thời gian cụ thể về trung bình hòa các-bon, đồng thời, cần thận trọng xem xét lại mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính 35% so với BAU vào năm 2030.

Cũng cho ý kiến tại cuộc họp, Giáo sư Trần Thục, Chủ tịch Hội Khí tượng thủy văn Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Quốc gia về BĐKH cho rằng, Việt Nam đã thống nhất đặt mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Chính vì vậy, mục tiêu đạt phát thải đỉnh vào năm 2045 là hợp lý và có cơ sở. Về vấn đề trung bình hòa các-bon, Giáo sư Trần Thục cho rằng, đây là mục tiêu mà các nước trên thế giới rất muốn nhìn thấy cam kết và hành động của Việt Nam, do đó, dự thảo Chiến lược nên đưa ra một dấu mốc cụ thể hơn về thời gian đạt được mục tiêu này…

Tổng kết cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành chỉ đạo, để xây dựng Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, chúng ta cần đánh giá được kết quả thực hiện Chiến lược năm 2011. Từ đó, xây dựng Chiến lược mới mang tính toàn diện, phù hợp. Ngoài ra, Chiến lược mới cần đưa ra những điểm nhấn, đột phá, ưu tiên trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.

Hơn nữa, Chiến lược cần giải quyết được bài toán kinh tế trong ứng phó biến đổi khí hậu, cần có những nghiên cứu và tổng hợp cụ thể hơn, làm rõ những lợi ích kinh tế đối với từng đối tượng như cơ quan Nhà nước, cộng đồng, nhất là các doanh nghiệp khi tham gia cam kết và thực hiện thành công các cam kết về ứng phó biến đổi khí hậu.

“Theo kinh nghiệm một số nước, để sau khi ban hành, nhanh chóng đi vào cuộc sống, Chiến lược cần đề ra chương trình yêu cầu các cơ quan Nhà nước nêu cao tinh thần gương mẫu, khi mua sắm, đầu tư công phải lựa chọn các sản phẩm các-bon thấp, thích ứng biến đổi khí hậu. Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp tham gia các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu…” - Thứ trưởng Lê Công Thành, nhấn mạnh.

Phạm Oanh