Hà Nội phòng chống Covid-19: Nới lỏng quyết không buông lỏng
Xã hội - Ngày đăng : 11:37, 17/09/2021
Hà Nội yêu cầu các khu vực được nới lỏng tuyệt đối không được buông lỏng trước nguy cơ đại dịch |
Tuyệt đối không được chủ quan
Dịch Covid-19 lần thứ tư lây lan trên diện rộng tại Hà Nội, trong đó, có nhiều chùm ca bệnh phức tạp. Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm chống dịch những đợt trước và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nhất là của các lực lượng tuyến đầu, tình hình dịch trên địa bàn thành phố dần được kiểm soát.
Chính vì vậy, từ 12h00 ngày 16/9, đối với các địa bàn các quận, huyện, thị xã chưa ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng (từ thời điểm thực hiện Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 3/9/2021 của Chủ tịch UBND thành phố), TP. Hà Nội cho phép được hoạt động một số cơ sở kinh doanh bao gồm: cơ sở kinh doanh văn phòng phẩm, sách, thiết bị, đồ dùng học tập; cơ sở kinh doanh dịch vụ sửa chữa phương tiện giao thông, điện tử, điện lạnh và đồ gia dụng; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (chỉ bán hàng mang về) và đóng cửa trước 21h hàng ngày.
Động thái này của TP. Hà Nội được xem là một trong những giải pháp cần thiết nhằm tạo cơ hội về việc làm, thu nhập cho người dân, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch, vừa bảo đảm duy trì tăng trưởng kinh tế.
Thành ủy Hà Nội nhận định việc phân vùng 2, 3 trên địa bàn Thủ đô đã được phép từng bước triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn theo tinh thần Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn Thủ đô vẫn còn diễn biến phức tạp, dịch bệnh vẫn đang trong giai đoạn khống chế, nên việc nới lỏng giãn cách, từng bước trở lại trạng thái bình thường mới sẽ được tiến hành nhưng vẫn phải thực hiện nghiêm các quy định về công tác phòng, chống dịch.
Từ những nhận định đó, Ban Thường vụ Thành ủy giao Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố từ nay đến ngày 21/9 xác định cụ thể các điểm cách ly, phong tỏa để chỉ đạo tiếp tục nới lỏng một số hoạt động, dịch vụ.
Sau ngày 21/9, cần có xem xét, đánh giá tổng thể về tình hình dịch bệnh, đặc biệt là dự báo về nguy cơ của ngành chuyên môn, phối hợp và thống nhất phương án với các tỉnh, thành phố lân cận, tham khảo ý kiến của các cơ quan Trung ương để có phương án cụ thể đối với việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch trong giai đoạn mới trên quan điểm thận trọng, nới lỏng nhưng phải bảo đảm kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Áp dụng triệt để các biện pháp phòng, chống dịch ở mức cao nhất đối với các điểm đang thực hiện cách ly, phong tỏa. Đồng thời, thường xuyên có sự điều chỉnh linh hoạt, kịp thời, phù hợp với tình hình thực tiễn.
Ban Thường vụ Thành ủy đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân không được chủ quan, tiếp tục nâng cao ý thức phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm thông điệp “5K” ngay cả khi đã thực hiện việc tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ khi mở cửa hoạt động kinh danh trở lại phải đáp ứng yêu cầu về phòng, chống dịch, khuyến khích bán hàng mang về, đặc biệt, phải có mã QR Code để 100% khách hàng thực hiện quét mã phục vụ công tác khai báo, truy vết bảo đảm phòng, chống dịch.
Quyết liệt thực hiện các "mũi giáp công"
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc tầm soát, bóc tách F0 khỏi cộng đồng và hoàn thành tiêm chủng mũi 1 vắc xin Covid-19 cho 100% người dân từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn, ưu tiên nhóm nguy cơ cao, thành phố đã tổ chức thực hiện 2 "mũi giáp công” một cách bài bản và quyết liệt.
Các hàng quán phải đảm bảo nghiêm công tác chống dịch |
Tính đến 16/9, các đơn vị của TP. Hà Nội đã lấy 4.197.528 mẫu (2.930.379 mẫu PCR, 1.267.149 test nhanh), phát hiện 23 ca mắc (Thường Tín 3, Hoàng Mai 6, Thanh Trì 4, Đống Đa 2, Thanh Xuân 3, Hai Bà Trưng 2, Đông Anh 2, Ứng Hòa 1), các đơn vị vẫn đang tiếp tục khẩn trương thực hiện lấy mẫu và làm xét nghiệm. Có thể nói, xét nghiệm chính là cách để Hà Nội có thể giảm thời gian giãn cách, tầm soát được các ca nhiễm trong cộng đồng. Từ đó, tổ chức cách ly, khoanh vùng dập dịch một cách triệt để, tiến tới nới lỏng giãn cách, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.
Để người dân được bảo vệ trước sự tấn công của dịch bệnh, vắc xin được coi là "vũ khí" hữu hiệu nhất. Chính vì vậy, đến 16/9, toàn thành phố đã tổ chức tiêm được 126.880 mũi vắc xin phòng Covid-19. Tổng 17 đợt thực hiện tiêm được 5.253.449 mũi tiêm (mũi 1: 4.835.178; mũi 2: 418.271), sử dụng 4.812.546 liều vắc xin/5.459.476 liều vắc xin được cấp, đạt tiến độ 88,2% trên tổng số vắc xin được cấp. Số còn lại chưa được tiêm vaccine là nằm trong đối tượng chống chỉ định, người già có bệnh nền sức khỏe yếu, không đủ điều kiện tiêm chủng.
Từ những kết quả trên cho thấy, trong quá trình thực hiện "mũi giáp công" thứ hai này, các quận, huyện của Hà Nội đã tập trung huy động tối đa mọi nguồn lực, nghiêm túc triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thành sớm nhất việc tiêm chủng vắc xin cho người dân trên địa bàn. Với khi số ca mắc Covid-19 giảm dần, đặc biệt là trong hai ngày liên tiếp (15 - 16/9) không có ca mắc trong cộng đồng, nhiều điểm cách ly, phong tỏa được dỡ bỏ cho thấy công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Hà Nội đang đi đúng hướng.
Tập trung hỗ trợ an sinh, thúc đẩy khôi phục kinh tế
Từ khi Thành phố thực hiện Chỉ thị 17/CT-UBND ngày 23/7/2021 đến nay, các tổ chức chính trị, xã hội và một số quận, huyện, thị xã đã huy động nhiều nguồn lực xã hội và quà của các nhà hảo tâm để cùng chung sức tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa giúp đỡ, hỗ trợ cho 908.637 lượt người, hộ gia đình còn khó khăn trên địa bàn ổn định cuộc sống với số tiền 268,458 tỷ đồng.
Tính đến 16/9, các Sở, ngành, tổ chức chính trị xã hội có liên quan và các quận, huyện, thị xã đã thực hiện chính sách của Trung ương, đặc thù của thành phố Hà Nội và huy động xã hội hóa để quyết định hỗ trợ cho các đối tượng với tổng kinh phí 1.120,888 tỷ đồng (trong đó, ngân sách Nhà nước thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP, Nghị quyết 15/NQ-HĐND là 848,998 tỷ đồng; nguồn vận động xã hội hóa để hỗ trợ các đối tượng ngoài quy định là 271,890 tỷ đồng).
Riêng với vấn đề phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, TP. Hà Nội đã đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Cùng với nhiệm vụ phòng, chống dịch, UBND thành phố đã hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp thành lập mới; hướng dẫn trả lương ngừng việc, giải quyết chế độ cho người lao động trong thời gian ngừng việc; tiếp nhận hồ sơ, giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh; chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện tốt chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp.
Các gói hỗ trợ cho vay sản xuất, kinh doanh như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng được TP. Hà Nội đưa ra để hỗ trợ doanh nghiệp.
Tính đến nay, gần 19.000 tỷ đồng tiền thuế và tiền thuê đất của các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh trên địa bàn TP. Hà Nội đã được gia hạn theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Hà Nội đã triển khai các giải pháp duy trì, phục hồi sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh; thúc đẩy phát triển mạnh các ngành có ưu thế, có cơ hội phát triển như: Sản xuất nông nghiệp; sản xuất các sản phẩm phục vụ phòng, chống dịch; chủ động triển khai các giải pháp bảo đảm cung cấp điện an toàn, liên tục phục vụ sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp trên địa bàn.
Tổng số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 từ 27/4 đến 16/9 là 3.872 ca, trong đó, số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.596 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.276 ca. Số bệnh nhân đang được điều trị là 973 người; bệnh nhân đã điều trị khỏi là 2.520 người.
Từ 20/8 đến 16/9, Thành phố đã tiếp nhận 20.886 cuộc gọi đến, trong đó số cuộc đáp ứng là 14,977, đạt 71.78 %. Đã giải đáp/xử lý/tư vấn 10.193 cuộc, chuyển các Sở, ngành, quận, huyện, thị xã xử lý theo thẩm quyền 1.684 cuộc. Tổng số cuộc gọi đi chăm sóc sức khỏe chủ động (đối với nhánh 3) là 6057/10.742 cuộc gọi đi thành công; Số người được tư vấn, chăm sóc F0 là 1.313.