Bài dự thi “cùng giữ màu xanh của biển”: Thông bờ cho biển mãi xanh - Bài 1: Chặn thải từ đầu nguồn

Biển đảo - Ngày đăng : 06:13, 16/09/2021

(TN&MT) - Họ là những công nhân của Công ty CP Khoa học - Công nghệ Việt Nam (Busadco) Bà Rịa - Vũng Tàu, là những cán bộ, chiến sĩ Hải quân. Không quản nắng, mưa; không nề hà việc to việc nhỏ, chỗ nào “cống tắc kênh mắc” là họ đều có mặt, nơi nào có rác đều được lượm sạch.

Những người dãi dầu cùng thành phố

Bắt đầu vào mùa mưa, cũng là thời điểm hàng trăm công nhân Công ty CP Khoa học - Công nghệ Việt Nam (Busadco) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu “vắt chân lên cổ” mà chạy. Họ phải chạy đua với thời gian, lao động quần quật từ 8 - 12 giờ mỗi ngày để chặn rác thải đầu nguồn kênh, rạch trước khi rác theo nước mưa đổ ra biển Vũng Tàu.

Anh Lê Văn Lực, Tổ trưởng Tổ nạo vét kênh mương khu vực phường 11, thành phố Vũng Tàu “chỉ huy” 20 công nhân (thuộc Công ty CP Khoa học - Công nghệ Việt Nam thành phố Vũng Tàu) cho biết, toàn thành phố có khoảng 15 tuyến thoát nước chính như: Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Lê Hồng Phong, Hoàng Hoa Thám, Phan Chu Trinh, Thùy Vân, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thái Học, Lê Quang Định, Nguyễn Hữu Cảnh...

 Bộ đội Hải quân Lữ đoàn 171 thu gom rác thải ở Bãi Trước Vũng Tàu.

Với chiều dài gần 8.000m kênh, rạch, cống, mương, công nhân phải làm liên tục theo phương pháp cuốn chiếu. Hết kênh ứ nước ở phường này, đến cống đọng chất thải ở phường kia. Kênh, cống nào ách tắc trước, tiến hành nạo vét trước. Tôi hiểu vì sao anh Lực nói nghề của anh nhiều lúc phải “vắt chân lên cổ mà chạy” là vì thế. Anh Lực chia sẻ: “Trước khi nước từ các kênh, rạch, cống chảy ra biển; rác thải rắn, chất thải “mềm” phải được “chặn” và vớt lên. Đây không chỉ là quy định của ngành  môi trường; mà còn là giải pháp chống ngập úng, giúp sạch bờ sạch, biển sạch”.

Cũng theo anh Lực, Công ty của anh có nhiệm vụ nạo vét cống, mương khắp thành phố Vũng Tàu. Xác định là “người lính đặc biệt” bảo vệ môi trường, nên cứ có lệnh là đi, có mương hôi thối là đến, bất kể xa, gần, ngày nắng, đêm mưa. “Nhiều năm qua, người dân thành phố Vũng Tàu chịu tác động của ô nhiễm môi trường khá nhiều, nhất là người dân sống quanh khu vực kênh rạch. Có những đoaạn kênh “đứng im” hoặc nước chỉ chảy lờ đờ, đáy kênh rác thải, bùn ứ đọng. Hôi thối nó bốc lên từ đây. Để kênh thông, cống sạch, không còn cách nào khác là nạo vét” - anh Lực chia sẻ.

Dưới cái nắng mang theo hơi muối mặn mòi của biển, anh Nguyễn Trọng Dũng đầm đìa mồ hôi, dầm chân trong nước xúc từng xẻng bùn đưa lên bờ. Cách đó mươi mét là một nữ công nhân bịt khẩu trang kín mít đang cố kéo đoạn lưới từ đáy bùn. Chỉ tay xuống dòng kênh đen kịt, chị bảo: “Mùa này bớt hôi rồi, chứ vào tầm giữa tháng ba dương lịch thì kênh Phước Sơn này hôi dữ lắm. Khu vực này thưa dân, nhưng nước vẫn hôi thối là do một số hộ gia đình ở đầu nguồn chăn nuôi thải ra cống, rồi tuồn xuống kênh. Công ty cũng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở nhưng chưa ăn thua, nạo vét vẫn là giải pháp chính. Hàng năm, chúng tôi tổ chức nạo vét theo định kỳ. Máy xúc sẽ nạo vét hai bên bờ kênh. Xà lan sẽ nạo vét giữa lòng kênh. Chỗ nào máy xúc không nạo vét được do đường lún, lầy lội thì công nhân sẽ nạo vét thủ công. Nghề này cực nhọc nhưng đã ngấm vào máu thịt rồi. Mùa dịch có việc làm đã là hạnh phúc”.

“Cùng nhân dân bảo vệ đại dương xanh”

Thành phố Vũng Tàu một thời được coi là “Thiên đường du lịch biển”. Vào các dịp nghỉ lễ hàng năm, hàng chục vạn du khách khắp nơi đổ về. Sau mỗi dịp như thế, biển Vũng Tàu lại “gồng mình” gánh rác thải. Để hạn chế ô nhiễm môi trường biển và “trả lại” vẻ đẹp vốn có của nó, UBND thành phố Vũng Tàu đã kêu gọi toàn dân chung tay nhặt rác với thông điệp “Vì thành phố xanh, vì đại dương xanh”.

Hơn 10 năm qua, Lữ đoàn 171 Vùng 2 Hải quân được coi là lực lượng chủ lực dọn rác thải ở nhiều bãi biển của thành phố Vũng Tàu. Với tinh thần “Cùng nhân dân bảo vệ đại dương xanh”, hàng trăm cán bộ, sĩ quan, chiến sĩ đã phối hợp với thanh niên địa phương tổ chức “Ngày Chủ nhật xanh”, thu gom rác thải dọc các bãi biển Thùy Vân, Long Cung, Bãi Trước, Bãi Nhái...

Máy xúc của Công ty CP Khoa học - Công nghệ Việt Nam tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nạo vét kênh mương Phước Sơn.

Trung úy Bùi Thanh Hưng, Trung đội trưởng Trung đội Vệ binh, Phòng Tham mưu Lữ đoàn 171 chia sẻ: “Hầu như dịp nào Thành đoàn Vũng Tàu phát động phong trào thu gom rác thải dọc bãi biển, chúng tôi đều tham gia. Đây không chỉ chung sức cùng với nhân địa phương bảo vệ môi trường, mà còn là nhiệm vụ của người lính, là việc làm ý nghĩa để lan tỏa ý thức cộng đồng. Chúng tôi vừa đi thu gom, vừa tuyên truyền nhân dân không xả rác xuống biển. Lúc đầu nhiều người làm ngơ nhưng thấy bộ đội vừa kiên trì tuyên truyền vừa miệt mài dọn rác; cùng với đó là thành phố tăng cường áp dụng các biện pháp xử phạt, vậy nên, đến nay người dân và khách du lịch đã có ý thức bảo vệ môi trường hơn, không xả rác bừa bãi như trước kia nữa”.

Đồng hành với công việc ý nghĩa của những người lính Hải quân Lữ đoàn 171 Vùng 2, nhiều năm qua, bạn Nguyễn Thị Tâm, 1 trong 10 gương mặt đoàn viên tiêu biểu của phường 11, thành phố Vũng Tàu đã tích cực vận động bà con tham gia cùng gom rác thải. Chiều thứ bảy hàng tuần, Tâm và các bạn trong nhóm lại chạy xe máy ra bãi biển vừa thu gom, xử lý rác thải, vừa nhắc nhở, vận động các chủ phương tiện ghe, chài, thuyền thúng và người dân nêu cao ý thức bảo vệ biển. “Để biển sạch phải chặn rác thải ra biển. Muốn chặn người xả rác thì phải tuyên truyền để họ hiểu được ý thức bảo vệ môi trường biển. Xả rác bừa bãi là hành động rất xấu, ảnh hưởng đến môi trường sống. Đại dương muốn sạch thì phải chặn được rác từ bờ” - Tâm chia sẻ.

Từ việc hạn chế xả thải ra kênh mương và xả rác ra biển, một số người dân còn cải thiện thu nhập từ việc thu gom phân loại rác như anh Trần Ngọc Sơn. Làm nghề chài lưới ở Bãi biển Trại Nhái (phường 11) đã ngót 20 năm, vợ chồng anh Sơn sau những giờ lênh đênh trên biển lại đi dọc bãi biển nhặt rác. Chai nhựa, hộp sữa bỏ dồn vào bao; lưới rách dây thừng gom lại một chỗ để công nhân môi trường thu gom xử lý. “Rác thải nhựa tôi bán ve chai, các loại khác dồn lại báo cho công nhân môi trường gom đi xử lý. Có đợt rác tấp về đây vô kể, nếu không dọn sạch nó lại dùa ra biển, mà như vậy thì hại biển lắm. Mình muốn tắm biển sạch, muốn mưu sinh trên biển thì phải giữ biển thôi”. Vừa nói, tay anh vừa lượm những mẩu rác, túi ni lông đang dạt ở mép nước.

Đúng vậy, muốn biển sạch thì phải chặn xả thải ngay từ đầu kênh, mép cống, và muốn biển sạch kênh sạch thì phải vừa không vứt rác bừa bãi, vừa phải nhặt rác dạt từ khơi vào. Với một diện tích mênh mông, không chung tay sạch bờ thì khó lòng xanh biển.

Bài 2: Không chung tay sạch bờ, sẽ khó lòng xanh biển.

Bài và ảnh: Mai Thắng