Nước thải từ Hòa Bình chảy về Phú Thọ: Người dân Thanh Sơn “lĩnh đủ”

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 06:12, 16/09/2021

(TN&MT) - Dòng suối Cái bắt nguồn từ bên phía những cánh rừng của huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình chảy xuôi sang huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ rồi đổ xuống Sông Đà. Suốt một thời gian dài, dòng suối này liên tục bị ô nhiễm, bốc mùi thối và nước chuyển màu vàng đục. Nguyên do phía trên có Nhà máy giấy Thuận Phát, đóng tại xã Tu Lý, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình thường xuyên xả thải ra môi trường. Công ty này đã bị xử phạt nhiều lần, nhưng vẫn “đâu lại vào đó”.

Nước thải trên cao dội vào đồng ruộng

Ông Bùi Minh Quang, một người dân xã Yên Lương, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ bức xúc: Ao cá và đồng ruộng của bà con ở đây thường xuyên bị ô nhiễm nghiêm trọng. Đặc biệt là sau những cơn mưa, nước thải bẩn từ phía Đà Bắc cứ ào ạt chảy sang. Có thể họ “lợi dụng” lúc mưa gió để mở cống thải nên nước mới chảy sang nhiều như vậy. Hậu quả, người dân các xã như Yên Lương, Yên Sơn bị ảnh hưởng trầm trọng.

Người dân sinh sống cạnh Nhà máy phản ánh về việc cống thải gây ô nhiễm.

Nói rồi ông Quang dẫn phóng viên đi dọc theo dòng suối Cái, đoạn chảy từ phía địa phận huyện Đà Bắc dọc xuống hướng cánh đồng của các xã. Quan sát thực tế thấy rõ tình trạng ô nhiễm và mùi thối của tre nứa ngâm. Các bụi cây thủy sinh ven dòng  đều úa vàng hết, cá tôm thoi thóp.

Anh Bùi Văn Tiến, một người dân có ao cá ở khu vực này cho biết: Những hôm ít thấy nước đục bẩn là do phía nhà máy không xả. Thường họ hay nhằm ngày mưa gió mới mở cống thải ra. Những ngày đó, người dân phải chẹn  đường nước đổ từ suối vào ao cá. Nếu không, chỉ để sáng hôm sau là cá nổi lềnh phềnh hết.

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) cho hay: Suối Cái là nguồn nước chính phục vụ cho đời sống sinh hoạt, tưới tiêu của các hộ dân tại xã Yên Lương, Yên Sơn. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nước bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Ngay từ năm 2013, nhận được phản ánh của nhân dân xã Yên Lương, Yên Sơn, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh Phú Thọ phối hợp với các cơ quan của tỉnh Hòa Bình kiểm tra, xác định nguyên nhân gây ô nhiễm chính từ hoạt động xả nước thải vượt quy chuẩn của Nhà máy Giấy - Chi nhánh Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thuận Phát.

Những chiếc xe chở hóa chất vào nhà máy. 

 “Các cơ quan của tỉnh Hòa Bình nhiều lần kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn. Tuy nhiên, Nhà máy vẫn không xây dựng hệ thống xử lý nước thải đảm bảo chất lượng nước thải đáp ứng yêu cầu quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, làm ảnh hưởng đến nguồn nước suối Cái. Tới đây, huyện sẽ tiếp tục có ý kiến lên cấp trên” - Vị lãnh đạo Phòng TN&MT cho biết.

Xử mãi vẫn chưa dứt

Ông Vũ Tiến Tấn, Trưởng phòng TN&MT huyện Đà Bắc cho hay: Nhà máy giấy Thuận Phát nằm trên địa bàn xã Tu Lý. Trước đây, Nhà máy này cũng nhiều lần bị UBND tỉnh và các cơ quan chức năng lập biên bản xử lý. Hiện giờ, Phòng TN&MT huyện Đà Bắc đang theo dõi để xem xét và báo cáo lên cấp trên.

Đến hiện trường của nhà máy, phóng viên được một số người dân sinh sống quanh khu vực này bất bình phản ánh: Cái khó chịu nhất của Nhà máy này là cái mùi thối của một loại hóa chất nào đó ngâm với tre nứa, rất khó ngửi.

Bảo vệ chặn.

Còn ông T, một người dân sinh sống ngay gần đó tố cáo: Ban ngày thì không thấy gì, nhưng muốn bắt được quả tang Nhà máy này có xả ra môi trường hay không, cứ vào chiều tối là rõ. Nói rồi người này dẫn phóng viên ra cống nước thải của Nhà máy. Một quang cảnh thật kinh khủng, nước màu vàng hôi thối bốc ra. Thấy phóng viên khó chịu, ông T cho biết: “Các anh mới đến còn khó chịu vậy, chúng tôi sống bao năm ở đây, còn khổ hơn. Nhất là khi họ vào vụ”.

Qua điều tra, phóng viên được biết: Nhà máy giấy Thuận Phát chuyên sản xuất các loại “bột giấy”. Nguyên liệu chính là tre, nứa. Các vật liệu này sau khi mua gom về được chẻ ra và ngâm với hóa chất rồi mới đưa vào chế biến. Trước đó, Nhà máy này cũng đã bị UBND tỉnh Hòa Bình xử phạt về ô nhiễm môi trường.

Những dòng nước này, có đảm bảo được môi trường không?

Khi phóng viên tới tận Nhà máy đề nghị được gặp Giám đốc để làm việc thì bảo vệ ở đây cho biết: Giám đốc có ở nhà nhưng rất bận, hẹn hôm khác quay lại. Nói rồi người này hạ cánh barie lại, cương quyết không cho phóng viên vào. Việc Nhà máy giấy Thuận Phát thường xuyên xả nước ra môi trường có đúng quy chuẩn hay không? Một lần nữa các cơ quan chức năng cần vào cuộc và có chế tài nghiêm khắc để tránh tình trạng “trên bảo, dưới không nghe”; khắc phục tình trạng ô nhiễm, đảm bảo môi trường an toàn cho dân.

Bài và ảnh: Đức Hải