Phú Yên: Phát triển công nghiệp sinh học thân thiện với môi trường

Khoa học & Công nghệ - Ngày đăng : 22:24, 14/09/2021

(TN&MT) - UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành Kế hoạch thực hiện phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp đến năm 2030 với mục tiêu phát triển công nghiệp sinh học có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường.

Mục tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2025, tiếp cận công nghệ tạo 2- 3 chế phẩm sinh học (sản phẩm phân bón sinh học, thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc sinh học, chế phẩm bảo quản, xử lý môi trường, vắc-xin thế hệ mới, kít thử) trong trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, tiến tới thay thế dần các sản phẩm nguồn gốc hóa học.

Làm chủ công nghệ tế bào thực vật trong nhân giống cây trồng sạch bệnh đối với một số loại cây ăn quả, cây lâm nghiệp, rau, hoa từ 1-2 loại cây/năm; giảm giá thành sản xuất cây giống 20-30% so với công nghệ truyền thống.

Tiếp nhận, ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất; ứng dụng và phát triển được 2-3 giống cây trồng, vật nuôi mang tính trạng cải tiến như: Chống chịu các sâu bệnh hại chính, các điều kiện bất thuận, sinh trưởng nhanh bảo tồn và khai thác 2 nguồn gen.

Đồng thời, nâng cao năng lực cơ sở vật chất, trang thiết bị để tiếp nhận, ứng dụng chuyển giao công nghệ quy mô công nghiệp cho 1-2 đơn vị, tiến tới hình thành ngành công nghiệp sinh học trong nông nghiệp. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chuyên ngành công nghệ sinh học nông nghiệp đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp sinh học theo các hình thức đào tạo mới, đào tạo lại, đào tạo nghề, bồi dưỡng ngắn hạn bảo đảm chất lượng.

Sử dụng chế phẩm sinh học để bảo vệ môi trường

Đến năm 2030, Phú Yên làm chủ được một số công nghệ sinh học thế hệ mới, tạo ra sản phẩm ứng dụng thực tiễn sản xuất. Tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực cơ sở vật chất kỹ thuật cho 5 doanh nghiệp công nghiệp sinh học, công nghệ cao, tổ chức khoa học, công nghệ và tổ chức chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực đủ trình độ làm chủ công nghệ, tiếp nhận, ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới, công nghệ tiên tiến ở quy mô công nghiệp đáp ứng yêu cầu thực tế tại tỉnh.

Kế hoạch tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như: Hỗ trợ ứng dụng kết quả nghiên cứu công nghệ sinh học vào sản xuất; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học tạo các chế phẩm sinh học thế hệ mới, kít chẩn đoán, quản lý dịch bệnh cây trồng và kiểm soát dư lượng các chất cấm trong nông sản có nguồn gốc từ cây trồng và giám định, chẩn đoán độ phì nhiêu, sức khỏe đất trồng trọt, nước tưới.

Ứng dụng và làm chủ công nghệ thế hệ mới phát triển phương pháp, bộ sinh phẩm (KIT) phát hiện nhanh, giám định tác nhân gây một số bệnh quan trọng/bệnh mới phát sinh ở vật nuôi, thủy sản, kiểm soát dư lượng các chất cấm trong thực phẩm có nguồn gốc từ vật nuôi, thủy sản; công nghệ tạo chế phẩm nâng cao sức đề kháng, hiệu quả sử dụng dinh dưỡng của vật nuôi, thủy sản.

Phú Yên triển khai đưa công nghiệp sinh học vào chăn nuôi, trồng trọt

Bên cạnh đó, nâng cao năng lực các tổ chức khoa học và công nghệ để có đủ khả năng tiếp cận, nghiên cứu, triển khai các công nghệ mới phục vụ phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp; xây dựng và phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp; truyền thông nâng cao nhận thức về công nghiệp sinh học nông nghiệp.

Nguồn kinh phí thực hiện dự kiến khoảng 35 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh, ngân sách Trung ương hỗ trợ và các nguồn ngoài ngân sách khác.

UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch; triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu công nghệ sinh học vào sản xuất, công nghệ sau thu hoạch.

Mỹ Bình