Hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo vệ tầng ô-dôn

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 11:11, 14/09/2021

(TN&MT) - Là một trong những thành viên tham gia sớm Công ước Viena và Nghị định thư Montreal (từ năm 1994), Việt Nam chủ động tham gia, từng bước xây dựng các cơ chế, hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến công tác giảm nhẹ phát thải nhà kính, bảo vệ tầng ô-dôn.

Để hiểu rõ hơn về hành trình này, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn Tiến sĩ Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) - cơ quan đầu mối thực hiện Công ước Vienna, Nghị định thư Montreal tại Việt Nam.

Tiến sĩ Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường)

PV: Xin ông cho biết khái quát về hoạt động bảo vệ tầng ô-dôn ở Việt Nam trong thời gian qua, nhất là từ khi trở thành thành viên của Công ước Viena và Nghị định thư Montreal?

Ông Tăng Thế Cường:

Kể từ khi tham gia Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal, Việt Nam đã nỗ lực triển khai nhiều hoạt động bảo vệ tầng ô-dôn, thực hiện đúng lộ trình của Nghị định thư Montreal. Việt Nam đã loại trừ hoàn toàn tiêu thụ các chất CFC, Halon, CTC từ 1/1/2010; loại trừ hoàn toàn tiêu thụ HCFC-141b nguyên chất được sử dụng trong sản xuất xốp và cấm sử dụng Methyl bromide không phục vụ kiểm dịch và khử trùng từ 1/10/2015. Qua đó, Việt Nam đã loại trừ được 10% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC.

Đối với các chất HCFC, trong giai đoạn 2020 - 2025 Việt Nam sẽ loại trừ 35% mức tiêu thụ cơ sở và giảm dần trong giai đoạn sau và chấm dứt nhập khẩu HCFC vào 2040. Cục Biến đổi khí hậu đang nỗ lực triển khai Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC giai đoạn II với mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất điều hòa không khí, thiết bị lạnh, sản xuất xốp chuyển đổi công nghệ không sử dụng các chất làm suy giảm tầng ô-dôn; đánh giá hiện trạng rò rỉ chất làm lạnh giúp doanh nghiệp có kế hoạch quản lý không để phát thải các chất làm suy giảm tầng ô-dôn ra môi trường; triển khai hoạt động đào tạo, nâng cao tay nghề của đội ngũ giảng viên tại các trường nghề, kỹ thuật viên tại các cơ sở lắp đặt, sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị lạnh trong cả nước.

Đối với các chất HFC, ngày 4/9/2019 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 64/NQ-CP phê duyệt Bản sửa đổi, bổ sung Kigali thuộc Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn. Theo đó, quản lý các chất HFC theo lộ trình giảm dần lượng tiêu thụ cơ sở trong giai đoạn từ năm 2024 đến năm 2045. (Mức tiêu thụ cơ sở các chất HFC được xác định căn cứ trên lượng tiêu thụ trung bình của 3 năm 2020, 2021, 2022).

Hiện nay, bảo vệ tầng ô-dôn đã được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Thời gian tới, việc triển khai Nghị định thư Montreal tại Việt Nam sẽ đồng bộ, hiệu quả hơn nữa khi Nghị định quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn được ban hành, đi vào cuộc sống.

Bảo vệ tầng ô-dôn giúp trái đất thêm xanh. Ảnh MH

PV: Là thành viên của Công ước Viena về bảo vệ tầng ô-dôn và Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, việc thực thi chính sách quốc tế và xây dựng chính sách quốc gia về bảo vệ tầng ô-dôn được ưu tiên hàng đầu. Vậy, hiện nay, công tác này đã đạt kết quả gì và còn những khó khăn nào, thưa ông?

Ông Tăng Thế Cường:

Việt Nam là thành viên của Công ước Vienna về bảo vệ tầng ô-dôn và Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn từ năm 1994. Theo đó, Việt Nam có trách nhiệm thực hiện việc quản lý, loại trừ các chất theo lộ trình do Nghị định thư quy định đối với các quốc gia đang phát theo Điều 5 của Nghị định thư Montreal.

Từ đó đến nay, chúng ta đã và đang kiểm soát, loại trừ theo đúng lộ trình quy định nhiều chất được quản lý, bao gồm các chất CFC, Halon, CTC, HCFC và Methyl bromide. Một số Thông tư và Văn bản chỉ đạo, điều hành cấp Bộ về việc quản lý các chất được kiểm soát (Methyl bromide, HCFC), quy định quản lý xuất nhập khẩu các chất được kiểm soát đã được ban hành và triển khai thực hiện. Mặc dù vậy, công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ tầng ô-dôn còn thiếu đồng bộ, thiếu các văn bản quy phạm pháp luật có tính hệ thống và các biện pháp quản lý hành chính, kỹ thuật cần thiết để quản lý, loại trừ và giám sát hiệu quả. Hệ thống thông tin dữ liệu về các chất được kiểm soát và lĩnh vực sử dụng còn phân tán, gây khó khăn cho công tác quản lý và trong việc thực hiện nghĩa vụ báo cáo trong nước và quốc tế. Nhận thức của xã hội, doanh nghiệp và cộng đồng về bảo vệ tầng ô-dôn còn hạn chế.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định 1 chương về ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó giao Chính phủ quy định chi tiết Điều 92 về bảo vệ tầng ô-dôn và giao Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành danh mục và điều kiện sử dụng các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát theo Nghị định thư Montreal. Dự thảo Nghị định quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn sẽ được Chính phủ ban hành trong năm nay để có hiệu lực thi hành cùng với Luật Bảo vệ môi trường từ ngày 1/1/2022.

Các nội dung chính về bảo vệ tầng ô-dôn quy định trong Dự thảo Nghị định quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn bao gồm: đối tượng và lộ trình loại trừ các chất theo trách nhiệm và nghĩa vụ của Việt Nam; hoạt động đăng ký và báo cáo việc sử dụng các chất được kiểm soát; nguyên tắc, trình tự thủ tục thực hiện quản lý hạn ngạch sản xuất, nhập khẩu các chất được kiểm soát; nội dung cơ bản, thời gian trình ban hành kế hoạch quản lý, loại trừ các chất được kiểm soát của Việt Nam; trách nhiệm và sự phối hợp liên ngành trong quản lý các chất được kiểm soát; quy định về hoạt động thu gom, tái chế, tái sử dụng, tiêu hủy các chất được kiểm soát và lộ trình ban hành các quy chuẩn kỹ thuật có liên quan. Danh mục và điều kiện sử dụng các chất được quy định cụ thể tại Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Việc ban hành các quy định về bảo vệ tầng ô-dôn và các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành Luật góp phần luật hóa các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia là thành viên, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về biến đổi khí hậu, bảo vệ tầng ô-dôn. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng các Dự thảo Nghị định và Thông tư quy định chi tiết để cùng có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2022, bảo đảm Luật và các văn bản quy định chi tiết song hành đi vào cuộc sống.

Ngày 16/9 hàng năm được chọn làm Ngày Quốc tế bảo vệ tầng ô-dôn 

PV: Theo ông, chúng ta cần làm gì thay đổi nhận thức và thói quen của cộng đồng để có thể góp phần bảo vệ tầng ô-dôn, bảo vệ sự sống trên hành tinh?

Ông Tăng Thế Cường:

Việt Nam luôn tích cực và có trách nhiệm cùng với cộng đồng quốc tế thực hiện các biện pháp và hành động cụ thể bảo vệ tầng ô-dôn, kiểm soát và loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn. Các chương trình, dự án, nhiệm vụ đã và đang triển khai rất tích cực nhằm nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân, góp phần bảo vệ tầng ô-dôn, bảo vệ sự sống trên hành tinh.

Ngày Quốc tế bảo vệ tầng ô-dôn hàng năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường đều phối hợp với Ban Thư ký ô-dôn quốc tế tổ chức các hoạt động kỷ niệm nhằm tăng cường sự hiểu biết về Nghị định thư Montreal; nâng cao nhận thức và truyền tải các thông điệp về bảo vệ tầng ô-dôn tới các ngành, các cấp, doanh nghiệp, cộng đồng và toàn xã hội.

Chủ đề của Ngày Quốc tế bảo vệ tầng ô-dôn năm 2021 (16/9) là “Nghị định thư Montreal: Làm mát thế giới, bảo quản thực phẩm và vắc-xin” sẽ làm nổi bật các kết quả của Nghị định thư Montreal như giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực làm mát, bảo quản thực phẩm và thực hiện chiến lược vắc-xin nhằm phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Nhân dịp Ngày Quốc tế bảo vệ tầng ô-dôn năm nay, Cuộc thi sáng tác nghệ thuật với chủ đề “Bảo v? tầng ô-dôn để bảo vệ khí hậu trái đất” được phát động để triển khai trong 2 năm. Đây là hoạt động thiết thực để đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ tầng ô-dôn, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện hiệu quả các cam kết do Việt Nam đóng góp trong việc thực hiện Công ước Vienna về bảo vệ tầng ô-dôn, Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Phạm Oanh (thực hiện)