Doanh nghiệp vượt khó thực hiện chuyển đổi công nghệ, giảm tiêu thụ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn

Môi trường - Ngày đăng : 10:47, 14/09/2021

(TN&MT) - Dù gặp nhiều khó khăn, nhất là trong lúc dịch bệnh Covid-19 kéo dài, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang tiếp tục lựa chọn con đường chuyển đổi công nghệ sản xuất, góp phần bảo vệ tầng ô-dôn.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Nagakawa là đơn vị sản xuất điều hòa không khí với công suất ước tính 200.000 bộ/năm, lượng tiêu thụ HCFC 22 (chất làm suy  giảm tầng ô-dôn) năm 2015 là 22.383kg. Khi tham gia Dự án Kế hoạch quản lý loại trừ các chất suy giảm tầng ô-dôn (HCFC) của Việt Nam giai đoạn II (HPMP II), Công ty sẽ phát triển 8 mẫu điều hòa không khí mới sử dụng môi chất lạnh HFC 32 (chất không làm suy giảm tầng ô-dôn) để thay thế cho các sản phẩm cũ sử dụng môi chất HCFC 22. Để nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, các kỹ sư của Công ty sẽ thực hiện cải tiến kết cấu sản phẩm, lựa chọn linh kiện thay thế, thử nghiệm cân chỉnh sản phẩm và thiết kế các nhãn mác phù hợp cho sản phẩm. Đồng thời, Công ty sẽ ký kết, nhận chuyển giao công nghệ mới với nhiều đối tác khác nhau.

Dây chuyền sản xuất của Nagakawa trước khi tham gia Dự án.

Theo bà Hà Thị Thu Trang, Giám đốc dự án của Nagakawa, trong quá trình chuyển đổi công nghệ, Công ty gặp rất nhiều khó khăn về nguyên liệu, thị trường tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, luân chuyển dòng vốn, nguồn lực lao động..., nhất là trong lúc tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay. Tuy nhiên, nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Dự án HPMP II, hiện nay Công ty đang nỗ lực thực hiện đúng cam kết chuyển đổi công nghệ sản xuất và lộ trình giảm tiêu thụ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn.

Cùng tham gia Dự án HPMP II, Công ty Phương Nam là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp và lắp đặt các loại trang thiết bị và hệ thống làm lạnh cho các nhà máy chế biến thủy hải sản, chế biến thực phẩm, thịt gia cầm, rau củ, trái cây; cung cấp dịch vụ sửa chữa và bảo trì các loại máy nén và thiết bị lạnh. Tháng 12/2020, Phương Nam được phê duyệt tài trợ thực hiện chuyển đổi dây chuyền sản xuất thiết bị lạnh sử dụng HCFC 22 sang công nghệ sử dụng NH3 để loại trừ sử dụng chất làm suy giảm tầng ô-dôn và loại trừ khí nhà kính. Với mức đối ứng xấp xỉ 10% tổng kinh phí thực hiện đề xuất tài trợ, Công ty cam kết hoàn thành triển khai đề xuất chuyển đổi công nghệ trong vòng 15 tháng kể từ ngày ký thỏa thuận. Ông Đinh Hoàng Chương, Phó Giám đốc Công ty Phương Nam chia sẻ, dù có nhiều khó khăn, nhưng đến nay, Công ty đang gấp rút đầu tư máy móc, thiết kế lại quy trình sản xuất thử nghiệm, kiểm tra chất lượng sản phẩm, đào tạo nhân lực… sẵn sàng cho việc chuyển đổi công nghệ sản xuất thân thiện hơn với môi trường…

Đến nay, ngoài 2 doanh nghiệp trên, có 5 doanh nghiệp khác đã và đang nhận được tài trợ của Dự án để chuyển đổi công nghệ sản xuất đầu tư dây chuyền máy móc phục vụ chuyển đổi công nghệ, chuẩn bị sẵn sàng đồng bộ vận hành, thu hồi và tiêu hủy máy móc sau cải tạo, thay thế thiết bị và những hỗ trợ kỹ thuật khác để giúp doanh nghiệp vận hành hiệu quả sau khi Dự án kết thúc.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Dự án cũng gặp không ít khó khăn khi số lượng các doanh nghiệp hợp lệ tham gia Dự án còn hạn chế, một số doanh nghiệp đã tự thực hiện chuyển đổi công nghệ, nhiều doanh nghiệp đã chuyển đổi phương án kinh doanh hoặc ngừng hoạt động do tình hình kinh tế khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19. Để khắc phục, Ban Quản lý Dự án với sự chỉ đạo của Cục Biến đổi khí hậu đã nỗ lực phối hợp với Ngân hàng Thế giới và các Bộ, ngành liên quan tham gia phối hợp thúc đẩy triển khai, mở rộng tìm kiếm các doanh nghiệp tiềm năng; phấn đấu đảm bảo mục tiêu đến hết năm 2023 các doanh nghiệp sản xuất điều hòa không khí hoàn thành chuyển đổi 100% không sử dụng HCFC 22; doanh nghiệp sản xuất xốp không sử dụng HCFC-141b; doanh nghiệp làm lạnh bước đầu lựa chọn phương án chuyển đổi công nghệ phù hợp, qua đó sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình chuyển đổi công nghệ thành công.

Thanh Bình