Không để “phanh gấp”

Xã hội - Ngày đăng : 09:28, 14/09/2021

(TN&MT) - Giãn cách xã hội kéo dài do dịch Covid-19 bùng phát đã quét một vệt dài trên cả nước làm bào mòn sức chống chịu của hàng vạn doanh nghiệp, hiện hữu nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng ngày càng lớn. Tổng cục Thống kê cho biết, trong 8 tháng năm 2021, có hơn 85.000 doanh nghiệp đã phá sản do ảnh hưởng nghiêm trọng của Covid-19.

Còn tính từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi tháng, có hơn 10.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Đáng chú ý, ngay tại đầu tàu kinh tế là TP.HCM đã có 24.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường, chiếm hơn 28% và tăng 6,6% so với cùng kỳ. Nhìn vào những con số cho thấy những âu lo đối với "sức khỏe" của nền kinh tế nước ta. Và xem ra “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa duy trì kinh tế vẫn chưa thể đạt được như kỳ vọng.

Nhìn lại năm 2020, khi Việt Nam đối mặt với Covid-19, một trong những yếu tố cốt lõi để chúng ta đạt được thắng lợi "mục tiêu kép” chính là dựa vào sức chịu đựng và sự linh hoạt của các doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân. Chính các nguồn tích lũy, dự phòng một thời gian dài đã giúp họ vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo thu nhập cho người lao động...

Nhiều doanh nghiệp đã không cầm cự được do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Ảnh minh họa

Song đó là chuyện của quá khứ. Còn hôm nay, sự khốc liệt của đợt dịch thứ tư trên cả nước đã bào mòn những gì còn lại. Ngay như TP.HCM, địa phương chiếm 20% quy mô kinh tế của cả nước và đóng góp 1/3 cho ngân sách quốc gia nhưng lại đang gồng gánh những thiệt hại lớn do dịch bệnh. Đầu tàu kinh tế "phanh gấp” chắc chắn sẽ khiến cho tốc độ của đoàn tàu chậm lại. Đó là chưa kể các động lực kinh tế đang dần thu hẹp lại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng. Và hệ lụy của gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, giảm năng lực cạnh tranh, ảnh hưởng đến dòng vốn FDI và khả năng hội nhập kinh tế.

Vì vậy, ngay lúc này, doanh nghiệp cần ngay "bình oxy" để tồn tại, để kiên định chống chịu, điều này quan trọng không kém người nhiễm Covid-19 đang cầu cứu oxy. Những “bình oxy” đó là vốn, là đơn giản hóa thủ tục hành chính, là trợ cấp thất nghiệp, là bình ổn giá… để lực lượng này vượt qua những khó khăn trước mắt.

Cùng với đó là các quyết sách lớn với những kịch bản mang tầm vóc chiến lược của Nhà nước tiếp sức cho doanh nghiệp để củng cố trụ cột quan trọng của nền kinh tế, đảm bảo một cách tối đa các hoạt động kinh tế được vận hành thông suốt để duy trì các động cơ tăng trưởng... Đó là chính sách cần ưu tiên vì có ý nghĩa thiết thực hơn là theo đuổi các mục tiêu tăng trưởng GDP rất "danh nghĩa".

Có thể nói, những quyết sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được ban hành kịp thời thời gian qua, như: Nghị quyết 68, Nghị quyết 88, Nghị quyết 105… đã và đang là đòn bẩy giúp doanh nghiệp củng cố niềm tin và có động lực mạnh mẽ khắc phục thiệt hại, vực dậy sản xuất kinh doanh, đồng hành cùng Chính phủ trong thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”.

Tuy nhiên, về lâu dài, người dân và doanh nghiệp rất cần những kịch bản phát triển kinh tế - xã hội có tính dự báo dài hơi và tầm nhìn chiến lược, đột phá, để họ chủ động, sẵn sàng thích nghi trong bối cảnh "bình thường mới". Điều này cũng được nhiều chuyên gia nhấn mạnh tại Tọa đàm "Giải pháp đảm bảo chuỗi cung ứng thời Covid-19" diễn ra vừa qua. Theo đó, Covid-19 là phép thử sức chống chịu của nền kinh tế và doanh nghiệp. Vì vậy, vấn đề đặt ra là hậu đại dịch và xa hơn trong tương lai, chuỗi cung ứng hàng hóa cần phải được tăng cường khả năng ứng phó với khủng hoảng để giảm thiểu tốt nhất những "chấn thương" bất ngờ đối với doanh nghiệp. Chắc chắn không thể đóng băng sản xuất dài lâu, bởi nếu không duy trì sản xuất sẽ không có tăng trưởng, không có nguồn thu ngân sách quốc gia.

Rõ ràng, cuộc chiến chống dịch Covid-19 đã đến lúc cần chuyển hướng. Đồng thời học cách kiểm soát dịch bệnh, song song với mục tiêu phát triển kinh tế, đảm bảo sinh kế, duy trì mọi mặt đời sống xã hội… Và muốn có một kết quả như kỳ vọng, rất cần sự chung tay của toàn xã hội cùng ý thức trách nhiệm của mỗi công dân, vì mục tiêu cuối cùng là chiến thắng đại dịch.

Phương Anh