EVN tham dự Diễn đàn kết nối lưới điện Mekong - Lan Thương

Kinh tế - Ngày đăng : 06:17, 13/09/2021

(TN&MT) - Chiều 11/9, Diễn đàn kết nối lưới điện Mekong - Lan Thương 2021 đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trưởng đoàn đại biểu EVN, tham dự diễn đàn từ Hà Nội.

Diễn đàn lần này do Công ty TNHH Lưới điện Phương Nam Trung Quốc (CSG) đăng cai tổ chức, với sự tham gia của đại diện các đơn vị điện lực của các quốc gia thuộc cơ chế hợp tác Mekong - Lan Thương (Trung Quốc, Việt Nam, Myanmar, Lào, Campuchia).

Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải phát biểu tại Diễn đàn

Đây cũng là một trong các hoạt động trong khuôn khổ kỷ niệm 5 năm cơ chế hợp tác Mekong - Lan Thương (2016 - 2021) và Hội nghị thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng sông Mekong (GMS) lần thứ 7/2021.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải cho rằng, hợp tác Mekong - Lan Thương đóng vai trò quan trọng trong việc tạo cơ hội cho các nước thành viên trao đổi và khai thác các nguồn lực của nhau để phục vụ lợi ích chung. Đặc biệt, quan hệ hợp tác giữa các nước thành viên trong những năm qua trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực điện lực đã gặt hái những kết quả đáng ghi nhận. Các dự án hợp tác liên kết lưới điện trong khu vực đã và đang ngày càng phong phú và thực chất hơn, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển kinh tế - xã hội cho các quốc gia thuộc Tiểu vùng sông Mekong.

Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, hiện nay EVN đã và đang tích cực thực hiện các dự án kết nối lưới điện và mua bán điện với các quốc gia trong khu vực, đơn cử như dự án bán điện cho Campuchia qua đường dây 220kV Châu Đốc - Tà Keo; ký 18 thoả thuận nhập khẩu điện từ các dự án thuỷ điện tại Lào với tổng công suất 1.535MW; EVN tiếp tục nhập khẩu điện với mục tiêu 3.000MW vào năm 2025, 5.000MW vào năm 2030...

Đối với Trung Quốc, hiện EVN đang nhập khẩu điện từ Trung Quốc qua đường dây 220kV mạch kép Guman - Lào Cai và Malutang - Hà Giang với tổng công suất 800MW. Ngoài ra, EVN cũng đang tích cực đàm phán với CSG để tiếp tục nhập khẩu điện từ năm 2022 và nghiên cứu phương thức nhập khẩu với giải pháp kết nối truyền tải dòng điện cao áp trực tiếp (HVDC) từ năm 2025...

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam và các quốc gia thuộc tiểu vùng sông Mekong, đã và đang đặt ra những vấn đề cấp bách, những thách thức lớn trong lĩnh vực điện lực của khu vực và từng quốc gia. 

Thời gian tới, Việt Nam tiếp tục thực hiện trao đổi điện và nhập khẩu điện từ các nước trong khu vực, nhằm góp phần đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng cho Việt Nam và tăng cường hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực.

Nhân dịp này, Phó Tổng giám đốc EVN kêu gọi các đơn vị điện lực của quốc gia thành viên cơ chế hợp tác Mekong - Lan Thương tiếp tục hỗ trợ, thúc đẩy hợp tác để tạo điều kiện cho việc mở rộng kết nối lưới điện giữa các quốc gia, tiến tới kết nối lưới điện cho toàn khu vực.

Cũng tại diễn đàn này, Phó Tổng giám đốc EVN và đại diện Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia đã chia sẻ thông tin với đại diện các nước về một số nét mới trong quá trình phát triển điện lực tại Việt Nam, tình hình cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh dịch COVID-19, cùng một số thông tin liên quan về tình hình kết nối lưới điện khu vực tại Việt Nam hiện nay.

PV