Thanh Hóa: Phương án sơ tán dân khi có bão lũ quét và sạt lở đất trong tình hình dịch bệnh
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 05:42, 10/09/2021
Để đảm bảo an toàn cho các khu vực dân cư khi xảy ra thiên tai trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 phải thực hiện giãn cách xã hội Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương: Chủ động rà soát, cập nhật phương án sơ tán dân theo hướng tăng cường sơ tán tại chỗ, hạn chế sơ tán tập trung.
Chuẩn bị trang, thiết bị y tế cần thiết để đo thân nhiệt, phân loại sàng lọc các đối tượng phải thực hiện sơ tán. Sẵn sàng phương án huy động lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu, hóa chất khử trùng, khẩu trang y tế cho các địa điểm sơ tán dân. Ưu tiên các nguồn lực, trang thiết bị, vật tư y tế của địa phương (gồm cán bộ y tế, dụng cụ lấy mẫu xét nghiệm, thuốc sát khuẩn, khẩu trang…) đến các khu vực cách ly tập trung để đảm bảo hạn chế tối đa việc lây lan dịch bệnh trong khu cách ly tập trung,...
Chỉ đạo lập các trạm, chốt chặn nghiêm ngặt các phương tiện, người không có chức năng ra, vào nơi sơ tán đảm bảo an toàn cho phòng, chống dịch bệnh. Bố trí phòng cách ly tạm thời cho đối tượng nghi nhiễm dịch bệnh và có lắp, đặt biển báo, rào chắn.
Thanh Hóa xây dựng phương án sơ tán dân để hạn chế thiệt hại khi có bão lũ quét và sạt lở đất diễn ra |
Ngoài ra, căn cứ dự báo tình hình, diễn biến thiên tai, chỉ đạo của Trung ương và thực tế của các địa phương, Văn phòng thường trực Chỉ huy PCTT sẽ tham mưu cho Ban Chỉ huy tỉnh, UBND tỉnh chỉ huy, điều hành công tác sơ tán dân phù hợp.
Đối với khu vực dân ven biển, cửa sông (6 huyện, thị xã, thành phố ven biển): Tùy theo diễn biến, cấp độ rủi ro thiên tai của bão, áp thấp nhiệt đới; Văn phòng thường trực sẽ tham mưu công điện cho UBND tỉnh yêu cầu sơ tán dân trong phạm vi cách mép nước 200 m, 500 m hoặc hơn nữa; trong đó ưu tiên sơ tán các đối tượng dễ bị tổn thương trước, hoàn thành toàn bộ công tác sơ tán trước khi bão/áp thấp nhiệt đới đổ bộ; khu vực sơ tán đến theo phương án đã được lập.
Đối với khu vực ven sông, bãi sông, vùng trũng thấp: Khi có bản tin dự báo mưa, lũ, ngập lụt; Văn phòng thường trực sẽ tham mưu cho UBND tỉnh, Ban Chỉ huy tỉnh chỉ đạo các địa phương chủ động sơ tán dân theo các cấp báo động (đối với dân sinh sống ở bãi sông) và mức độ ngập lụt (đối với dân ven sông, ngập lụt phía đồng); khu vực sơ tán đến theo phương án đã được lập.
Đối với khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất (11 huyện miền núi): Khi có dự báo mưa lớn ở khu vực miền núi, Văn phòng thường trực sẽ tham mưu cho UBND tỉnh, Ban Chỉ huy tỉnh chỉ đạo các địa phương chủ động sơ tán dân đến nơi an toàn; khu vực sơ tán đến theo phương án đã được lập.
Chủ động sơ tán dân khi xảy ra sạt lở, lũ quét để tránh thiệt hại về người và tài sản |
Văn phòng thường trực Chỉ huy PCTT tỉnh phối hợp với các Tiểu ban thuộc Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh tham mưu cho Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và Phòng thủ dân sự tỉnh, Ban Chỉ đạo đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh chỉ đạo các ngành và đơn vị có liên quan trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh.
Đặc biệt yêu cầu Sở Giao thông vận tải xây dựng kế hoạch về bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện ứng cứu khi cầu, đường có sự cố hư hỏng, đảm bảo thông suốt các tuyến giao thông chính, quan trọng; đặc biệt là phục vụ cho việc vận chuyển người đi cấp cứu khi có tình huống. Kiểm tra, quản lý lực lượng, phương tiện vận tải trên toàn tỉnh để tham mưu cho tỉnh điều động phục vụ công tác phòng chống thiên tai khi cần thiết.
Bên cạnh đó Sở Tài nguyên và Môi trường cần có kế hoạch chuẩn bị dự phòng đầy đủ các loại vật tư, thiết bị để sẵn sàng tham gia công tác xử lý môi trường sau thiên tai.