Thanh Hóa đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi, đê điều và hồ chứa
Xã hội - Ngày đăng : 21:30, 09/09/2021
Trong công tác đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, đê điều, hồ chứa: Thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, khí tượng thủy văn để chủ động triển khai kịp thời các phương án hộ đê, phương án bảo vệ trọng điểm đê điều xung yếu, phương án ứng phó tình huống khẩn cấp các hồ, đập và các phương án phòng, chống lụt bão cho công trình thủy lợi đã được duyệt, rà soát, cập nhật, bổ sung phù hợp với diễn biến phòng, chống dịch Covid-19, với 20 phương châm “vừa đảm bảo an toàn cho công trình, người dân và vừa đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19”, cụ thể: Tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm tra các công trình thủy lợi, đê điều, hồ đập đảm bảo về phòng chống dịch Covid-19 với thông điệp 5K theo quy định, để phát hiện và xử lý kịp thời sự cố công trình ngay từ khi mới phát sinh.
Thanh Hóa đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi, đê điều và hồ chứa tránh sự cố xảy ra khi mưa lũ |
Tổ chức rà soát, sàng lọc lực lượng chỉ huy, nhân lực và bổ sung các loại vật tư, phương tiện, thiết bị theo phương án được duyệt; trong đó, đặc biệt lưu ý đối với các phương tiện, thiết bị đã hợp đồng với các chủ phương tiện, đảm bảo sẵn sàng khi có sự cố xảy ra.
Chỉ đạo kiểm tra, rà soát, bổ sung đầy đủ các loại nhu yếu phẩm và chuẩn bị cơ số thuốc men, vật tư y tế, trang thiết bị phòng, chống dịch ít nhất phải đảm bảo trong thời gian ảnh hưởng của mưa, lũ.
Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn rà soát lại lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai trên địa bàn để có phương án điều động, hỗ trợ từ các địa phương khác tham gia xử lý sự cố đảm bảo an toàn cho công trình. Đảm bảo hệ thống thông tin liên lạc thông suốt giữa Ban Chỉ huy PCTT cấp huyện, xã với Văn phòng thường trực Chỉ huy PCTT tỉnh và thành viên Ban Chỉ huy PCTT tỉnh phụ trách địa bàn huyện.
Trong trường hợp xảy ra sự cố công trình: Khẩn trương tổ chức đo kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế cho lực lượng tham gia xử lý sự cố; nghiêm cấm tuyệt đối người không có phận sự vào khu vực xảy ra sự cố.
Tổ chức xử lý sự cố tùy theo tình hình thực tế, có thể phân chia ca, kíp để hạn chế tập trung đông người; nếu do đặc thù công việc bắt buộc phải tiếp xúc gần dưới 2m phải trang bị đầy đủ bảo hộ phòng chống dịch cho lực lượng xử lý sự cố.
Lập các chốt kiểm soát người và các phương tiện vào nơi đang xảy ra sự cố công trình để đảm bảo an toàn trong quá trình xử lý sự cố.
Thanh Hóa chủ động xây dựng phương án đảm an toàn khi mùa mưa lũ đang diễn ra |
Yêu cầu đối với các lực lượng tham gia xử lý sự cố: Tuân thủ các quy định, biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, sử dụng đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân, các thiết bị, dụng cụ y tế, thực hiện các biện pháp đảm bảo sức khỏe, vệ sinh cá nhân theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Chỉ được phép làm nhiệm vụ khi đảm bảo các điều kiện: Trong tình trạng sức khỏe tốt; không có biểu hiện nghi nhiễm Covid-19, không thuộc đối tượng cách ly y tế theo quy định của cấp có thẩm quyền; thực hiện khai báo khai báo y tế, kê khai đầy đủ thông tin.
Ông Nguyễn Văn Sinh - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quan Sơn cho biết: Trước mùa mưa bão năm 2021, huyện đã chủ động kiểm tra, rà soát các công trình thủy lợi, đê điều để gia cố các vị trí hư hỏng. Hiện đang trong mùa mưa bão, đặc biệt tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp nhưng dựa vào sự chỉ đạo của ngành chức năng, huyện đã xây dựng phương án chủ động các phương án đảm bảo an toàn cho các công trình thủy lợi, đê điều và hồ chưa nước.