Ứng phó bão Conson: Kêu gọi tàu thuyền tránh trú, sẵn sàng sơ tán người dân

Môi trường - Ngày đăng : 20:35, 09/09/2021

(TN&MT) - Bão Conson đang tiếp tục tiến vào Biển Đông với sức gió gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 11; dự báo chiều mai (10/9), bão vào tới khu vực quần đảo Hoàng Sa. Trong đất liền, các Bộ, ngành, địa phương đang tích cực chuẩn bị các phương án ứng phó, trong đó, nếu cấp độ rủi ro thiên tai cao trên đất liền, có thể sơ tán trên 760 nghìn người ra khỏi các khu vực nguy hiểm.

Hướng di chuyển của bão conson. Ảnh: TTDB KTTV QG

Biển Đông có sóng to, gió lớn

Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, hồi 16 giờ ngày 9/9, vị trí tâm bão ở khoảng 16,1 độ Vĩ Bắc; 116,3 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 450km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 120km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15km và có khả năng mạnh thêm. Đến 16 giờ ngày 10/9, vị trí tâm bão ở khoảng 16,4 độ Vĩ Bắc; 113,0 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Đông quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-115km/giờ), giật cấp 13.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 14,0 đến 18,5 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 111,0 đến 118,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 5-10km và có khả năng mạnh thêm. Đến 16 giờ ngày 11/9, vị trí tâm bão ở khoảng 16,5 độ Vĩ Bắc; 111,1 độ Kinh Đông, ngay trên khu vực quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-120km/giờ), giật cấp 13.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông từ 24-48 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 14,5 đến 18,5 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 109,0 đến 115,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 5-10km. Đến 16 giờ ngày 12/9, vị trí tâm bão ở khoảng 17,1 độ Vĩ Bắc; 109,4 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 230km về phía Tây Tây Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-120km/giờ), giật cấp 13.

Do ảnh hưởng của bão, ở khu vực Bắc và Giữa Biển Đông có mưa bão, gió xoáy mạnh cấp 7-8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, sau tăng lên cấp 10-11, giật cấp 13; sóng biển cao từ 4,0-6,0m; biển động dữ dội. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai trên vùng biển Bắc và Giữa Biển đông: cấp 3.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam nên khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, biển động.

500.000 bộ đội Biên phòng sẵn sàng ứng phó bão lũ, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn cơn bão Conson. Ảnh minh họa

500 nghìn bộ đội túc trực, Bộ Y tế ra công điện ứng phó

Thông tin về việc kiểm đếm, kêu gọi tàu thuyền, Bộ đội biên phòng, các tỉnh, thành phố cho biết đến 17h, ngày 9/9 đã kêu gọi được 71.419 tàu/346.176 lao động còn 351 tàu/2.912 lao động (Quảng Nam 159 tàu/1.191 lao động; Đà Nẵng 14/130 lao động; Quảng Ngãi 120/1.090 lao động; Bình Định 58/501 lao động) đang hoạt động trong khu vực dự kiến ảnh hưởng của bão di chuyển.

Hiện các tỉnh, thành phố Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định tiếp tục kêu gọi tàu, thuyền thoát khỏi hướng di chuyển của bão, chủ động tìm nới tránh, trú an toàn.

Trước đó, nhằm ứng phó với bão Conson, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết đã rà soát và lên phương án sơ tán dân trong trường hợp bão mạnh và mưa lớn diện rộng. Phương án sơ tán cũng được tính toán để đảm bảo trong điều kiện diễn biến Covid-19 phức tạp. Theo đó, với kịch bản mức độ rủi ro thiên tai do bão Conson gây ra trên đất liền đạt đến cấp 3, dự kiến sơ tán hơn 760.000 người khỏi khu vực chịu ảnh hưởng do bão với kịch bản rủi ro này.

Bộ đội Biên phòng cho biết, trước diễn biến của bão Conson, Bộ đội Biên phòng sẽ tổ chức bắn pháo hiệu báo bão và duy trì nghiêm lực lượng, phương tiện sẵn sàng xử lý khi có tình huống. Ủy ban Quốc gia về ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã chuẩn bị, tập trung tới 500.000 bộ đội Biên phòng để sẵn sàng ứng phó bão lũ, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn cơn bão Conson.

Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, ngày 9/9/2021, Bộ Y tế đã có công điện về việc triển khai công tác y tế ứng phó với bão Conson và mưa lớn. Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế thực hiện nghiêm chỉ đạo tại các văn bản của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn về việc sẵn sàng ứng phó với thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 và Công văn số 7439/BYT-KHTC ngày 8/9/2021 của Bộ Y tế.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão Conson, tình hình mưa, lũ trên các phương tiện thông tin để có phương án chuẩn bị phòng, chống; Rà soát các kế hoạch, phương án phòng, chống bão lũ của địa phương, đơn vị phù hợp với yêu cầu thực tiễn của địa phương trong điều kiện vừa phải thực hiện phòng chống dịch COVID-19 vừa đáp ứng tình huống mưa lũ, bão lớn.

Tổ chức trực chuyên môn, trực cấp cứu 24/24, sẵn sàng thu dung cấp cứu cho nạn nhân do mưa, bão gây ra; không để gián đoạn công tác cấp cứu, điều trị cho người dân. Triển khai các phương án bảo vệ các cơ sở y tế tại các vùng cơ nguy cơ bị ảnh hưởng do mưa bão, sẵn sàng sơ tán cơ sở y tế ở những vùng thấp, trũng có nguy cơ bị ngập úng; Xây dựng phương án bảo đảm an toàn cho các cơ sở y tế, bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung bệnh nhân COVID-19 trong tình huống xảy ra thiên tai.

Chỉ đạo các cơ sở y tế thuộc quyền chuẩn bị lực lượng, phương tiện cơ động sẵn sàng ứng cứu cho tuyến dưới khi có yêu cầu; đảm bảo cung ứng đủ thuốc chữa bệnh thiết yếu cho nhân dân, kịp thời bổ sung lượng dự trữ thuốc, hoá chất, vật tư dự trữ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Trong trường hợp phải sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm (đặc biệt là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất…), đề nghị Sở Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện xây dựng phương án, kịch bản sơ tán bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, bố trí khu vực phù hợp với từng đối tượng, tình hình dịch tại địa phương trình UBND tỉnh để chỉ đạo các lực lượng liên quan tổ chức thực hiện.

Tổ chức xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 đối với nhóm dân cư cần phải sơ tán: test nhanh để tách trường hợp nghi ngờ, F0 ra khỏi cộng đồng trước khi tổ chức vận chuyển đến nơi sơ tán (các đối tượng có yếu tố nguy cơ cao cần phải bố trí tại khu vực riêng) theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của địa phương.

Tổ chức sơ tán người dân và kiểm tra các điểm tránh trú an toàn phòng chống thiên tai, dịch bệnh theo hướng dẫn về công tác phòng, chống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 (theo Quyết định số 16/QĐ-TWPCTT ngày 23/8/2021 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai) và hướng dẫn của Bộ Y tế tại điểm sơ tán, nơi tập trung đông người phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.

Thanh Tùng