TP.HCM: Nhiều giải pháp đảm bảo cung cấp nước sạch an toàn
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 11:10, 09/09/2021
Nguồn nước thô đang chịu nhiều áp lực
Theo UBND TP.HCM, trên 90% nguồn nước sạch cung cấp cho sinh hoạt của TP.HCM được lấy từ nguồn nước mặt sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và kênh Đông. Tuy nhiên, nguồn nước thô này đang chịu nhiều áp lực bởi các hoạt động kinh tế - xã hội, tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn…
Trong đó, nguồn nước mặt sông Sài Gòn đang chịu tác động từ các nguồn thải khác nhau như nguồn nước thải sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp. Nước thải đô thị cùng với nước mưa chảy tràn đổ vào sông theo hệ thống cống xả chung rồi đổ ra sông Sài Gòn - Đồng Nai đang khiến dòng sông hứng chịu một nguồn chất hữu cơ khổng lồ. Trong khi đó, TP.HCM nằm ở cuối lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai nên vấn đề ô nhiễm nguồn nước do tác động của phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương phía trên lưu vực là rất lớn, không dễ kiểm soát.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của các yếu tố biến đổi khí hậu như nhiệt độ, nắng nóng, lượng mưa và nước biển dâng khiến chế độ thủy lực trong sông và khả năng lan truyền mặn vào sâu hơn trong nội đồng. Sự thay đổi mặn và mức độ lan truyền mặn có xu hướng tăng dần trong tương lai về phía thượng nguồn hồ Dầu Tiếng sông Sài Gòn và hồ Trị An sông Đồng Nai, tác động ngày càng lớn đối với nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho sinh hoạt và sản xuất nếu không có những biện pháp đối phó kịp thời.
Theo lãnh đạo Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn, thời gian gần đây, nước từ sông Sài Gòn có mức độ ô nhiễm tăng cao và thường xuyên chịu ảnh hưởng của hạn mặn vào mùa khô. Vào mùa khô nước sông Sài Gòn bị nhiễm mặn, còn vào mùa mưa hàm lượng mangan và amonic rất cao.
90% nguồn nước sinh hoạt của TP.HCM được khai thác từ sông Sài Gòn - Đồng Nai |
Sẵn sàng ứng phó trước mọi tình huống
Để đảm bảo an ninh nguồn nước trước những tác động của các hoạt động kinh tế - xã hội và tình trạng biến đổi khí hậu, TP.HCM đã triển khai nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài, sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống.
Theo đó, TP.HCM đang hướng tới mục tiêu tất cả nguồn nước thải công nghiệp, dịch vụ, sinh hoạt trước khi thải ra môi trường phải được xử lý đạt tiêu chuẩn. Từ nay đến năm 2030, TP.HCM sẽ kêu gọi đầu tư xây dựng tổng cộng 12 nhà máy xử lý nước thải với công suất xử lý khoảng 3 triệu m3 nước thải/ngày, phấn đầu 100% nước thải sinh hoạt được xử lý vào năm 2030 ( hiện nay mới đạt 13%).
UBND TP.HCM giao Sở TN&MT tổ chức lập hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định. Tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động trong vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, hành lang bảo vệ nguồn nước. Xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm nguồn nước sạch và xả nước thải không đảm bảo quy định vào nguồn nước.
Đầu năm 2021, UBND TP.HCM đã phê duyệt Đề án cấp nước sạch giai đoạn 2020 - 2050 và Chương trình cung cấp nước sạch, giảm khai thác nước ngầm giai đoạn 2020 - 2030. Theo đó, thành phố sẽ triển khai các giải pháp khai thác nguồn nước an toàn, bền vững, nâng cao năng lực dự phòng và các phương án cấp nước khẩn cấp, sẵn sàng ứng phó với sự biến đổi của nguồn nước, đảm bảo an toàn cấp nước cho thành phố. Bên cạnh đó, nghiên cứu sử dụng nguồn nước mưa, nước tái tạo, nguồn nước mặt lợ, nước dưới đất lợ để đảm bảo nguồn nước cấp trong điều kiện biến đôi khí hậu cho nhu cầu của thành phố trong thời gian tới.
Trong đó, để sẵn sàng đối phó trước những sự cố gây đứt đoạn nguồn nước cấp do ô nhiễm môi trường hay các tác động bất ngờ của biến đổi khí hậu, TP.HCM đã lên phương án xây dựng hồ chứa với dung tích 5 triệu m3, có thể cung cấp nước sạch cho người dân thành phố trong vòng 7 ngày. Dự kiến hồ chứa nước này được xây dựng cách ngã ba sông Sài Gòn và sông Thị Tính 1km về phía thượng nguồn để tránh ô nhiễm, xâm nhập mặn.
Ngoài ra, UBND TP.HCM giao Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV, Công ty Cổ phần Hạ tầng nước Sài Gòn và các đơn vị cấp nước trên địa bàn thành phố đổi mới mô hình, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mới trong quản lý, vận hành, giám sát hệ thống sản xuất, cung cấp nước sạch bảo đảm chất lượng, an toàn, giảm tỷ lệ thất thoát nước và kịp thời ứng phó, xử lý sự cố.