Việt Nam nỗ lực giảm phát thải nhà kính: Hướng đến mục tiêu thiên niên kỷ

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 09:19, 09/09/2021

(TN&MT) - Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Nhận thức được mức độ ảnh hưởng đó đối với đời sống kinh tế - xã hội và mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam đã luôn chủ động tham gia và tích cực thực hiện các cam kết quốc tế và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước nhằm ứng phó với hiện tượng thời tiết cực đoan này.

Chủ động tham gia, tích cực đóng góp

Mới đây, Ủy ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) rung lên hồi chuông báo động về biến đổi khí hậu toàn cầu. 234 nhà khoa học đến từ 66 quốc gia cảnh báo, con người đã làm khí hậu nóng lên với tốc độ chưa từng có trong ít nhất 2.000 năm qua. Đáng buồn hơn, hiện tượng nóng lên toàn cầu 2 độ C sẽ không dừng lại trong thế kỷ 21; biến đổi khí hậu sẽ gia tăng ở tất cả các vùng trong những thập kỷ tới.

Ở Việt Nam, mặc dù nền kinh tế còn ở mức trung bình, công nghiệp chưa hiện đại song trong hơn nửa thế kỷ qua, mỗi năm nhiệt độ cũng đã tăng trung bình khoảng 0,5 độ C. Cùng với đó là các hiện tượng cực đoan ngày càng phổ biến như: Tăng số ngày nắng nóng, giảm những ngày rét đậm; bão mạnh và siêu bão xuất hiện nhiều… gây thiệt hại ngày càng lớn về người và tài sản.

Nhận thức rõ mức độ và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với đời sống, kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, Việt Nam đã chủ động, sớm tham gia và thể hiện trách nhiệm với cộng đồng quốc tế bằng việc ký kết các công ước, nghị định quốc tế về biến đổi khí hậu. Trong đó, phải kể đến Công ước Vienna về bảo vệ tầng Ozone; Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu; Nghị định thư Kyoto; Thỏa thuận Paris về khí hậu; các Nghị quyết của COP, các Nghị quyết của IPU, ASEAN..., các cơ chế quốc tế về biến đổi khí hậu...

Thực tế, hầu hết khi tham gia các Hội nghị cấp cao của thế giới về biến đổi khí hậu, Việt Nam đều lên tiếng khẳng định tư tưởng nhất quán về những đóng góp và trách nhiệm trong việc thúc đẩy phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Những đóng góp này đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và ủng hộ.

Không những thế, những năm qua, cùng với các tổ chức quốc tế, Việt Nam đã chi hàng tỷ USD cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; xây dựng các mô hình sinh kế, mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, phát triển năng lượng tái tạo; nâng cấp công tác cảnh báo, dự báo thiên tai; xây dựng các công trình, dự án đầu tư nâng cấp đê biển, đê sông, chống ngập và xâm nhập mặn…; đóng góp tài chính cho biến đổi khí hậu và Quỹ Khí hậu xanh, tích cực tham gia các hoạt động quốc tế về biến đổi khí hậu. Đồng thời, thu hút và thúc đẩy hợp tác quốc tế trong việc triển khai các dự án về phát triển bền vững; đầu tư; thương mại; môi trường; năng lượng tái tạo; thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long…

Đúng như lời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Đối tác về tăng trưởng xanh năm 2021: Thời gian qua, Việt Nam đã chủ động, tích cực đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu và phục hồi xanh, lồng ghép các nội dung ứng phó biến đổi khí hậu vào các văn kiện, hệ thống văn bản pháp luật trong nước… Và Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả những hoạt động trên trong thời gian tới.

Nhiều chương trình ứng phó biến đổi khí hậu đã được nghiên cứu triển khai ở Việt Nam.

Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật biến đổi khí hậu

Để thực hiện các cam kết quốc tế và triển khai hiệu quả các hoạt động thực tế về ứng phó biến đổi khí hậu, Việt Nam đang dần hoàn thiện hệ thống pháp luật về biến đổi khí hậu.

Trước tiên là xây dựng, ban hành chương trình, chiến lược, đề án ở tầm quốc gia như: Chương trình mục tiêu quốc gia Ứng phó với biến đổi khí hậu; Chương trình Khoa học công nghệ quốc gia về biến đổi khí hậu; Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu; Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020; Đề án quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ các-bon ra thị trường thế giới…

Sau đó là luật hóa các vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu vào nhiều văn bản như: Hiến pháp năm 2013; Luật Bảo vệ Môi trường; Luật Tài nguyên nước; Luật Phòng chống thiên tai; Luật Thủy lợi; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả…

Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng và ban hành nhiều quyết định liên quan đến việc triển khai thực hiện kế hoạch, chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu. Trong đó, mới nhất là Quyết định số 1633/QĐ-BTNMT về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Bộ cũng đang xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Nghị định về giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn. Theo ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT), đây là văn bản pháp luật quan trọng để Việt Nam  thực hiện thành công cam kết với cộng đồng quốc tế về việc cắt giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường và 27% khi có hỗ trợ quốc tế. Đồng thời là cơ sở để triển khai hiệu quả các quy định về ứng phó biến đổi khí hậu tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; là tiền đề phát triển thị trường các-bon trong nước; quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên…”.

Đặc biệt, Bộ cũng đang nghiên cứu ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các cơ quan liên quan để chuẩn bị cơ sở cho việc xây dựng Dự án Luật Biến đổi khí hậu. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ đề ra trong giai đoạn tới cần hoàn thành, hướng đến mục tiêu thiên niên kỷ bảo vệ môi trường, phát triển bền vững mà Liên Hợp Quốc đã kêu gọi các nước trong đó có Việt Nam tham gia.

Phạm Oanh