Lãng phí thức ăn là có tội
Xã hội - Ngày đăng : 09:13, 09/09/2021
Không bàn đến những nếp cũ diễn ra trước khi đại dịch hoành hành… Cái mà người viết đang muốn đề cập ở đây là sự lãng phí một cách vô tình của con người trong từng hành vi rất nhỏ hàng ngày ngay cả trong bối cảnh dịch bệnh, ở mỗi bữa ăn. Một vài miếng thịt, mẩu bánh mì bỏ đi có vẻ không gây cho người ta cảm giác miễn cưỡng, quá băn khoăn bởi những thứ ấy không đáng là bao. Thế nhưng, nếu mang cái sự không đáng là bao nhân với 365 ngày của năm thì theo tính toán của một chuyên gia, mỗi năm, mỗi người đã lãng phí hơn 100kg lương thực, thực phẩm. Số lương thực, thực phẩm ấy đủ cho khối lượng tiêu thụ của một người trong tầm 3 - 4 tháng.
Cần quý trọng lương thực, thực phẩm, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 |
Có nghịch lý hay không khi phần lớn số thức ăn dư thừa được vứt đi ngay chính tại nơi vẫn tồn tại những người thiếu ăn, đói bữa. Hoặc đơn giản nhất, chính chủ nhân của sự lãng phí ấy có thể ngay một lúc không có đủ tiền để mua đủ hơn 100 kg lương thực thực phẩm kia.
Con người có nhiều cách lãng phí đồ ăn, rộng hơn là lãng phí lương thực và thực phẩm. Kể cả việc vứt bỏ thức ăn thì những thực phẩm hết hạn sử dụng, bị hư hại phải tiêu hủy vì không thể sử dụng được nữa, việc hao hụt trong quá trình vận chuyển hay đơn cử là việc tiêu thụ quá nhiều thức ăn, quá nhu cầu dinh dưỡng dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì… tất cả đều có thể quy về sự lãng phí.
Và con số 100kg trên tưởng lớn nhưng vẫn là rất nhỏ trong bức tranh toàn cầu khi nó được nhân lên với hàng tỷ con người trên trái đất. Ước tính số lương thực thực phẩm phung phí ấy đủ chất đầy hàng chục triệu chiếc xe tải nặng cỡ 40 tấn, nếu nối đuôi nhau chúng có thể ôm gọn hành tinh trái đất của chúng ta.
Theo một nghiên cứu thường niên do Liên Hợp Quốc thực hiện đã chỉ ra rằng, trên thế giới ngày càng có nhiều người rơi vào tình trạng thiếu ăn. Trong khi đó, tiến trình xóa đói bị đình trệ do đại dịch Covid-19, xung đột, chiến tranh… càng làm trầm trọng thêm những điểm yếu và thiếu sót trong hệ thống lương thực toàn cầu trên tất cả các hoạt động: quy trình sản xuất, phân phối và tiêu thụ lương thực, thực phẩm. Kể cả khi lãnh đạo của các cơ quan Liên Hợp Quốc tham gia thực hiện Báo cáo về “Tình hình an ninh, lương thực và dinh dưỡng trên thế giới” tuyên bố cam kết về một sự chuyển đổi để mở ra “con đường bền vững cho mọi người và cho toàn thế giới” thì thực tế diễn ra đã khiến bản Báo cáo của Liên Hợp Quốc về khả năng đạt mục tiêu xóa đói tới năm 2030 đang bị hoài nghi.
Trong khi đó, lãng phí vẫn hàng ngày hàng giờ diễn ra. Điều đáng nói ở đây là lãng phí chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, bởi vì sau nó còn tồn tại những góc khuất về nguồn năng lượng và tài nguyên khổng lồ được đổ dồn vào để sản xuất núi lương thực bị thất thoát đó. Hay nhìn ở một góc độ trực diện hơn, hàng nghìn tỷ đô mỗi năm được dùng để tạo ra chúng đã bị "đốt" đi một cách vô ích. Hơn thế, số lương thực thực phẩm thừa nếu không được phân loại, tận dụng, sẽ kết thúc vòng đời bằng việc bị chôn lấp tại các khu xử lý rác thải, gây ảnh hưởng tới môi trường.
|
Vấn đề đặt ra là có những sự lãng phí hoàn toàn do vô thức, không chủ ý. Thế nhưng sự lãng phí dù vô tình hay cố ý thì đều gây ra hậu họa giống nhau. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch, khi mà nghèo đói được chất chồng lên nghèo đói thì quả là sự thiếu ý thức nào cũng đáng phải được lưu tâm.
Vậy nên, để cộng đồng có được một tương lai tốt hơn, bên cạnh sự cố gắng của các tổ chức thế giới, sự cố gắng của mỗi quốc gia, rất cần đến sự tự giác của mỗi người trong việc “chia tay” một số hành vi lãng phí lương thực, thực phẩm quen thuộc. Câu trả lời chỉ có thể có hiệu quả thực sự khi nó được nằm trong chiếc túi mua đồ, trên chính đĩa thức ăn và thậm chí, ngay cả trong… thùng rác.