Thừa Thiên Huế: Chủ động ứng phó thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh COVID - 19
Môi trường - Ngày đăng : 16:46, 08/09/2021
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố; các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương tổ chức rà soát phương án ứng phó thiên tai hiện có, chủ động xây dựng phương án ứng phó đối với từng tình huống thiên tai cụ thể trong bối cảnh phải phòng, chống dịch bệnh COVID -19, đặc biệt là tình huống mưa lũ, bão lớn để triển khai thực hiện khi có tình huống xảy ra, không để bị động, bất ngờ; rà soát, chuẩn bị sẵn lực lượng, phương tiện, trang thiết bị của đơn vị, địa phương mình theo phương châm “bốn tại chỗ” để ứng phó thiên tai, tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu, đồng thời đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh.
Thiên tai tại Thừa Thiên Huế xảy ra hàng năm. Trong ảnh là sạt lở tại thủy điện Rào Trăng 3 |
Tiếp tục kiểm tra, rà soát các khu vực nguy hiểm, nhất là tại các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, khu vực hạ lưu các hồ chứa thủy lợi, thủy điện có nguy cơ xảy ra sự cố để chủ động xây dựng phương án bảo vệ trọng điểm trong mùa mưa bão theo quy định, sẵn sàng lực lượng, phương tiện và nhân lực để chủ động ứng phó, tránh xảy ra sự cố mất an toàn.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT, Sở Công thương căn cứ chức năng, nhiệm vụ tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn đập, hồ chứa nước theo quy định của pháp luật; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện lệnh vận hành hồ chứa và đề nghị các chủ đập thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm các quy định về bảo đảm an toàn hồ đập, thường xuyên theo dõi chặt chẽ, dự báo chính xác, cảnh báo sớm, kịp thời tình hình mưa, lũ và rủi ro thiên tai để tổ chức vận hành an toàn tuyệt đối và hiệu quả các hồ thủy điện, thủy lợi; theo dõi, đôn đốc quá trình triển khai thực hiện của các đơn vị, địa phương.
Được biết trong năm 2020 vừa qua, thiên tai tại Thừa Thiên Huế diễn ra dị thường, khốc liệt, không theo quy luật. Đặc biệt, từ tháng 9 đến giữa tháng 12, bão, lũ xảy ra liên tiếp, với quy mô rộng lớn, cường độ rất mạnh; mực nước trên sông Bồ vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1999. Tình trạng “bão chồng bão”, “lũ chồng lũ” chưa từng có trong nhiều năm qua đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và sản xuất của hàng triệu người dân.
Theo thống kê, tỉnh có 41 người chết, 11 người mất tích, ước tính thiệt hại 2.273 tỷ đồng trong năm 2020 do thiên tai.