Cần tăng kinh phí để thích ứng với biến đổi khí hậu

Thế giới - Ngày đăng : 12:26, 08/09/2021

(TN&MT) - Sau cảnh báo từ Ủy ban liên chính phủ của Liên Hợp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (IPCC) vào tháng 8 rằng thời tiết khắc nghiệt và nước biển dâng đang ngày càng gia tăng hơn dự kiến, nhiều nhà lãnh đạo vừa kêu gọi cần có thêm kinh phí và ý chí chính trị để giúp cộng đồng thích nghi với thực tế mới.

Các cộng đồng đang phải vật lộn với lũ lụt, hạn hán và bão nghiêm trọng bất thường, cùng thời điểm với đại dịch Covid-19. Ảnh: Reuters

Ưu tiên thích ứng với biến đổi khí hậu

Tại cuộc đối thoại ở Rotterdam (Hà Lan) do Trung tâm Thích ứng Toàn cầu triệu tập, hơn 50 bộ trưởng và người đứng đầu các tổ chức khí hậu và ngân hàng phát triển cho rằng, Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) vào tháng 11 năm nay nên nhìn nhận việc thích ứng với biến đổi khí hậu là vấn đề cấp bách.

Các nhà lãnh đạo tại đối thoại nhận định, hội nghị khí hậu COP26 sẽ không thành công nếu không đưa các nỗ lực thúc đẩy việc thích ứng với biến đổi khí hậu trở thành vấn đề ưu tiên như việc cắt giảm lượng khí thải carbon.

Cụ thể, sự thích ứng - bao gồm việc xây dựng hệ thống phòng thủ lũ lụt cao hơn, việc trồng thêm nhiều cây chịu hạn và tái định cư các cộng đồng ven biển - đã không nhận được nhiều sự quan tâm, nguồn lực hoặc mức độ hành động như các nỗ lực cắt giảm lượng khí thải làm nóng hành tinh. Do đó, các cộng đồng trên toàn thế giới phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp về khí hậu đang diễn ra nhanh hơn dự đoán.

Tại cuộc họp ở Rotterdam, đại diện của các quốc gia châu Phi, các quốc đảo nhỏ đang phát triển và các quốc gia dễ bị tổn thương về khí hậu khác cho biết, trong lúc vật lộn vì đại dịch COVID-19, họ cũng phải đương đầu với lũ lụt, hạn hán và mưa bão nghiêm trọng bất thường, gây cản trở những thành quả phát triển mà phải rất khó khăn mới đạt được và khiến người dân phải sống trong các khu ổ chuột ở thành phố hoặc thậm chí xuyên biên giới quốc gia vì không thể tồn tại.

Theo ông Patrick Verkooijen, Giám đốc điều hành Trung tâm Thích ứng Toàn cầu, hàng triệu sinh mạng và sự an toàn của các cộng đồng trên toàn cầu đang bị đe dọa.

Tăng cường tài trợ quốc tế khẩn cấp

Tại cuộc họp, các quan chức cấp cao cũng kêu gọi tăng cường tài trợ quốc tế khẩn cấp nhằm hỗ trợ cho các nỗ lực thích ứng ở các quốc gia nghèo hơn, vốn thiếu kinh phí từ lâu.

Theo bà Amina J. Mohammed, Phó Tổng thư ký LHQ, chỉ có khoảng 1/5 nguồn tài chính khí hậu được chuyển cho các nỗ lực thích ứng và chỉ một phần nhỏ trong số ước tính 70 tỷ USD mà các nước đang phát triển cần hiện nay để đối phó với các tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu. Bà cho rằng, cần phải đầu tư quy mô lớn vào thích ứng và khả năng chống chịu - vấn đề mà bà cho là rất quan trọng đối với những nước ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng khí hậu.

Các quốc gia giàu hơn đang chịu áp lực phải dành 50% tài chính khí hậu của họ cho các kế hoạch thích ứng. Tuy vậy, hơn một thập kỷ sau khi các nước này cam kết cấp vốn cho việc thích ứng và giảm phát thải trên cơ sở bình đẳng, vốn thích ứng vẫn ở mức thấp.

Theo Giám đốc khí hậu LHQ Espinosa, ít nhất 125 trong số 154 nước đang phát triển đã bắt đầu làm việc về các kế hoạch thích ứng quốc gia. Về kế hoạch này, cả bà Espinosa và cựu Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đều cho rằng phải có những khoản tài trợ lớn hơn nhiều để đưa những kế hoạch vào thực tế.

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho biết IMF đang thảo luận với các nước thành viên về việc chuyển một số khoản tiền mà họ nhận được từ việc phân bổ quyền rút vốn đặc biệt gần đây vào “Quỹ tín thác phục hồi và bền vững” mới nhằm hỗ trợ các nước dễ bị tổn thương tiến hành hoạt động cải cách thiết yếu để đối phó với những tác động của biến đổi khí hậu.

Mai Đan