Những kết quả nổi bật trong thực hiện "Tuyên bố Hà Nội"

Môi trường - Ngày đăng : 06:01, 08/09/2021

(TN&MT) - Sau 3 năm thực hiện “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững”, Việt Nam và các nước đang cùng nhìn lại, đánh giá những thành tựu, kết quả đạt được của Cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) và các Cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI)  thành viên trong việc thực hiện những khuyến nghị về Kiểm toán môi trường (KTMT) và thực hiện SDGs.

Tại Phiên họp toàn thể lần thứ nhất, trong khuôn khổ Đại hội Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) lần thứ 15 diễn ra chiều 07/9/2021, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam Hà Thị Mỹ Dung đã Báo cáo về việc thực hiện Tuyên bố Hà Nội giai đoạn 2018-2021. 

Theo đó, kết quả  nổi bật trong nhiệm kỳ qua của ASOSAI là việc các SAI thành viên đã thực hiện hiệu quả 02 trụ cột chiến lược: Thúc đẩy việc chia sẻ kiến thức trong cộng đồng ASOSAI trong lĩnh vực kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững; Thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và giải quyết thách thức về môi trường toàn cầu.

Quang cảnh buổi họp trực tuyến của Đại hội ASOSAI 15 - Ảnh Hồng Anh

Theo đó, ASOSAI liên tục đóng vai trò tham gia tích cực vào các hoạt động của cộng đồng kiểm toán quốc tế thông qua Nhóm Công tác về kiểm toán môi trường ASOSAI (ASOSAI WGEA). Tích cực áp dụng khoa học và công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán môi trường như: Tăng cường sử dụng hệ thống định vị toàn cầu (GIS) và công nghệ viễn thám để đánh giá tác động của hoạt động khai thác khoáng sản; sử dụng dữ liệu viễn thám để nghiên cứu hoạt động sử dụng đất đai; sử dụng thiết bị ghi hình không người lái để tính toán phạm vi và khối lượng khai thác cát… Đặc biệt, Trung tâm đào tạo kiểm toán của SAI Ấn Độ đã xây dựng các biểu mẫu đánh giá rủi ro và báo cáo theo mô hình Động lực - Áp lực - Chính quyền bang - Tác động - Ứng phó (DPSIR), các chỉ số và tiêu chí SDGs phù hợp với Hướng dẫn kiểm toán hoạt động của SAI Ấn Độ để xác định những lĩnh vực và chủ đề kiểm toán tiềm năng về môi trường.

Một số SAI đã liên tục đào tạo, cập nhật chuyên môn kiểm toán cho kiểm toán viên. Tiêu biểu, SAI Ấn Độ đã tổ chức 29 chương trình đào tạo quốc gia cho 634 học viên sau Đại hội ASOSAI 14 và cung cấp các chương trình tăng cường năng lực về phân tích dữ liệu trong kiểm toán môi trường cho 1.543 Kiểm toán viên.

Đặc biệt, trong giai đoạn 2020-2022, ASOSAI đã phối hợp với Ủy ban Chia sẻ kiến thức của INTOSAI và Tổ chức Sáng kiến phát triển INTOSAI (IDI-KSC) triển khai thực hiện Chương trình kiểm toán hợp tác về SDGs với chủ đề: “Hệ thống y tế quốc gia bền vững và nhanh chóng phục hồi” theo mô hình toàn diện và khép kín về phát triển bền vững của INTOSAI với sự tham gia của 26 quốc gia châu Á và 03 quốc gia khu vực Thái Bình Dương. Đây là một nỗ lực rất lớn của ASOSAI nói chung và các SAI thành viên nói riêng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang tạo nên khủng hoảng và hệ lụy khó lường trên quy mô toàn cầu.

Tại Cuộc họp Ban Điều hành Tổ chức các ASOSAI lần thứ 56 (ngày 6/9) các đại biểu đều cho rằng, các cuộc kiểm toán môi trường giúp Chính phủ áp dụng các biện pháp ngày càng mạnh mẽ, kịp thời để bảo vệ hệ môi trường sinh thái, đồng thời nâng cao nhận thức của các cơ quan hữu quan trong việc khắc phục các vấn đề một cách nghiêm túc, chủ động hơn; thiết lập cơ chế dài hạn và tạo điều kiện cho việc ban hành, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp lý, khung chính sách về môi trường quốc gia. Đặc biệt, đánh giá toàn diện tính phù hợp của các chương trình, dự án của Chính phủ từ góc độ phát triển bền vững (nhất là tính minh bạch, hiệu lực và trách nhiệm giải trình); lập kế hoạch chung về môi trường; thực hiện các chương trình/dự án để quản lý các mục tiêu; thiết lập các tiêu chuẩn, quy định quản lý và hình thành cơ chế thực hiện chính sách môi trường...

Thảo Linh